Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Van tim là các bộ phận quan trọng trong tim, giúp cho dòng máu được luân chuyển nhịp nhàng. Do phải làm việc liên tục, van tim rất dễ mắc các bệnh lý, bị tổn thương và không còn đảm bảo làm tốt nhiệm vụ. Lúc này, yêu cầu cần sửa van tim hay thay van tim sẽ được đặt ra.
1. Van tim là gì?
Trái tim được ví như một “chiếc máy bơm” với nhiệm vụ bơm máu đi toàn cơ thể. Trong mỗi phút, tim đập trung bình là 70 nhịp, một nhịp đẩy được khoảng 70 ml máu vào dòng tuần hoàn. Như vậy, tim phải tống đi xấp xỉ 4900 ml máu trong một phút. Đó là một con số khổng lồ nếu tính toán trong thời gian suốt cả đời người. Theo đó, để dòng máu được luân chuyển nhịp nhàng trong tim cần nhờ đến sự trợ giúp của các van tim.
Tim có 4 buồng với 4 van tim giúp ngăn cách giữa các buồng tim và các đại động mạch, gồm: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van của tim giữ cho máu lưu thông theo một chiều nhất định từ tâm nhĩ xuống tâm thất và từ tâm thất vào các động mạch lớn.
Bộ máy van tim có cấu trúc vững chắc, gồm có: lá van, vòng van, dây chằng và cơ nhú. Lá van rất mềm mại, uyển chuyển và đóng mở nhịp nhàng theo nhịp đập của tim. Vòng van giúp giữ van tim nằm cố định trong buồng tim. Dây chằng và cơ nhú giúp đóng mở lá van theo cử động của cơ tim. Mọi tổn thương hay biến dạng các bộ phận này sẽ gây ra bệnh van tim.
2. Bệnh van tim là gì?
Khi van tim bị thay đổi về cấu trúc và chức năng vì bất kỳ lý do gì mà không còn đảm bảo nhiệm vụ sinh lý sẽ gây ra bệnh van tim. Do tim bên trái hoạt động mạnh mẽ hơn, phải tống máu vào vòng tuần hoàn chung của cả cơ thể, bệnh van tim hai lá và van động mạch chủ sẽ được chú ý hơn van ba lá và van động mạch phổi.
Bệnh van tim thường gặp là hẹp van tim và hở van tim. Hẹp van tim là khi lá van mở ra không trọn vẹn, dòng máu không thoát hết để đi ra ngoài nên sẽ ứ lại phía sau. Hở van tim là khi van tim không đóng kín lại được, tạo ra dòng máu trào ngược dòng, khiến buồng tim phía sau bị dãn ra.
Khi mắc bệnh van tim, người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm, khó thở đột ngột về đêm khi ngủ, đau ngực, ho khan, ho ra máu hay đôi khi bị ngất. Bác sĩ sẽ bắt mạch và nghe tim, phát hiện ra âm thổi bất thường; từ đó, siêu âm tim sẽ được chỉ định để đưa ra chẩn đoán xác định cuối cùng.
Trong một số trường hợp, nếu siêu âm qua thành ngực không rõ ràng, phải cần đến siêu âm tim qua thực quản để quan sát và đánh giá chính xác cơ chế tổn thương van tim, từ đó đưa ra chỉ định cách thức điều trị.
3. Khi nào cần sửa van tim hay thay van tim?
Tùy mỗi bệnh lý van tim khác nhau, trên từng loại van tim khác nhau sẽ có chỉ định can thiệp khác nhau. Đồng thời, tùy vào thể trạng người bệnh, lựa chọn của họ cũng như các bệnh lý kèm theo tại tim mà bác sĩ sẽ định hướng điều trị bằng thuốc hay can thiệp, trong can thiệp có phẫu thuật thay van tim, sửa van tim hay can thiệp van tim qua da mà không cần phẫu thuật.
Đối với bệnh lý hẹp van hai lá, nếu bị hẹp van mức độ nặng, tổn thương van tim phức tạp, bệnh nhân có nhiều triệu chứng thì phẫu thuật thay van tim; nếu tổn thương có thể sửa chữa được thì phẫu thuật sửa chữa. Nếu tổn thương van tim không phức tạp, bệnh nhân không chịu được phẫu thuật thì can thiệp bằng nong hẹp van hai lá bằng bóng.
Đối với hở van hai lá, nếu hở van cấp tính thì phải mổ cấp cứu; tùy theo nguyên nhân và hình thái tổ chức bộ máy van mà sửa van hay thay van. Đối với hở van mạn tính nguyên phát, nếu chức năng thất trái còn tốt sẽ được xem xét phẫu thuật tạo hình van hoặc thay van. Riêng với hở van hai lá mạn tính thứ phát, nguyên nhân do bệnh cơ tim, điều trị đúng cách thì chức năng van sẽ hồi phục nên thường hiếm khi được can thiệp gì.
Trong bệnh lý van động mạch chủ, khi bị hẹp van động mạch chủ và có triệu chứng, việc sửa van, thay van qua phẫu thuật hay qua da cần được tiến hành càng sớm sẽ càng có lợi cho người bệnh khi chức năng co bóp của tim còn tốt. Đối với hở van động mạch chủ, chỉ phẫu thuật cấp cứu khi hở van cấp tính hoặc phẫu thuật can thiệp nếu hở van mạn mức độ nặng, bệnh nhân có triệu chứng và phân suất tống máu giảm.
Mọi bệnh lý van tim có chỉ định can thiệp nếu như không được thực hiện thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng chức năng cả buồng tim, gây suy tim tiến triển không hồi phục.
4. Các phương pháp sửa van tim và thay van tim
4.1 Phẫu thuật thay van tim
Bộ máy van tim bị tổn thương sẽ được bóc tách toàn bộ ra khỏi buồng tim. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ thay thế vào vị trí cũ một van tim nhân tạo. Việc lựa chọn van tim nhân tạo là van tim sinh học hay van tim cơ học là tùy vào nguy cơ của việc uống thuốc kháng đông. Theo đó, bệnh nhân trẻ tuổi sẽ được chọn thay van cơ học và dùng kháng đông suốt đời, trong khi người già sẽ được thay van sinh học với thời gian dùng ngắn hơn.
4.2 Phẫu thuật sửa van tim
Đây cũng là phương pháp can thiệp van tim mắc bệnh lý qua đường mổ mở trên ngực và trên buồng tim. Tuy nhiên, thay vì phải thay van mới, van tim tự nhiên của người bệnh được tái tạo, chỉnh sửa lại cho phù hợp. Cụ thể là tách các mép van, xẻ lại mép van, tạo hình dây chằng trong trường hợp van bị hẹp hoặc thu hẹp vòng van, may dính lá van với nhau lại một phần nếu van bị hở.
4.3 Nong van bằng bóng
Phương pháp này đi bằng đường động mạch luồn dưới da vào trong tim. Tại vị trí các lá van bị dính mép làm hẹp dòng chảy qua van, bóng bơm hơi sẽ được làm phồng lên, làm tách các lá van ra. Sau đó, bóng sẽ được tháo hơi ra nên nhỏ lại trước khi được rút ra ngoài. Từ đó, dòng máu qua tim sẽ được thông thoáng mà rất hạn chế can thiệp trên người bệnh, thời gian nằm viện được rút ngắn đáng kể.
4.4 Kẹp clip hở van
Tương tự như nong van bằng bóng, phương pháp này cũng được tiến hành qua đường động mạch. Lỗ hở van tim sẽ được thu hẹp bằng cách kẹp bấm lại. Thủ thuật này thực hiện ngay khi tim đang hoạt động. Theo đó, để kẹp dính mép van thành công mà không gây sang chấn trên van tim đòi hỏi kỹ thuật viên có tay nghề khéo léo và kinh nghiệm thực hành lâu năm.
4.5 Thay van tim qua da
Phương pháp này thường được áp dụng cho hẹp van động mạch chủ. Trong đó, van tự nhiên của bệnh nhân vẫn được giữ lại và một van tim mới được đưa vào vào đường động mạch đặt chồng lên cùng vị trí. Khi bung ra, van tim mới sẽ được cố định và ép sát lá van cũ bệnh lý vào thành tim. Từ lúc này, ba lá van mới sẽ hoạt động thay thế van tim cũ theo huyết động dòng máu, cải thiện triệu chứng do hẹp van đáng kể trong khi người bệnh không phải chịu đau đớn nhiều, giảm thời gian nằm viện.
5. Tại sao nên sửa van tim, thay van tim tại Vinmec?
Bệnh lý tim mạch nhìn chung là một chuyên khoa phức tạp, trong đó, các can thiệp sửa van tim hay thay van tim đều là các kỹ thuật cao cấp, tinh vi. Thậm chí, đối với các cuộc phẫu thuật hở, quyết định cần cân nhắc kỹ lưỡng do nguy cơ cao, thời gian hậu phẫu khó khăn. Vì vậy, những hiểu biết về lợi ích và rủi ro khi can thiệp tim mạch, cũng như lựa chọn nơi thực hiện đảm bảo uy tín, có bác sĩ giỏi và thiết bị tốt là vô cùng cần thiết
Trong đó, hệ thống phòng mổ Hybrid và phòng Cathlab được xây dựng tại tầng 2 của Trung Tâm Tim Mạch. Nơi đây là nơi tập trung của các trang thiết bị tối tân như máy chụp mạch DSA, máy gây mê tích hợp các phần mềm theo dõi huyết động bệnh nhân một cách chặt chẽ nhất (hệ thống PiCCO, entropy,...).
Phòng mổ Hybrid mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị các bệnh tim mạch như phối hợp mổ và can thiệp nong, đặt stent mạch vành, stent graft động mạch chủ, mổ tim mở, thay van tim, sửa van tim, sửa chữa các bệnh tim bẩm sinh với kỹ thuật hiện đại ít xâm lấn nhất. Ngoài ra, với kỹ thuật hiện đại của gây mê ở phòng mổ Hybrid, độ mê sẽ được đảm bảo, giúp bệnh nhân mau chóng hồi tỉnh sau đó, giảm thiểu thời gian thở máy, nằm viện; giảm các yếu tố nguy cơ của phẫu thuật, giúp cho bệnh nhân tiết kiệm được cả về thời gian, kinh phí và quan trọng nhất là sự hiệu quả đi kèm với an toàn cho người bệnh.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Bùi Tiến Đạt được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch và hồi sức cấp cứu tim mạch tại trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu – tim mạch và hiện đang là bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.