Theo thời gian, cùng những dấu hiệu lão hoá tự nhiên dễ nhận thấy, thì các bộ phận trong cơ thể cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là đôi mắt.
Đôi mắt là bộ phận có nguy cơ gặp các bệnh lý về suy giảm thị lực khi về già. Các bệnh về mắt ở người già có thể gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc nặng hơn có thể dẫn đến mù lòa nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời. Các bệnh về mắt thường gặp ở người cao tuổi:
1. Võng mạc đái tháo đường
Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người lớn trong độ tuổi lao động. May mắn thay, hầu hết các trường hợp mù có thể được ngăn ngừa bằng cách khám mắt tổng quát thường xuyên và chăm sóc mắt hợp lý.
Võng mạc đái tháo đường xảy ra khi lượng đường trong máu cao liên tục xảy ra có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ của võng mạc (mao mạch), nơi cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Bệnh võng mạc tiểu đường ảnh hưởng đến 35% những người mắc bệnh tiểu đường. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau và thị lực thường có thể được phục hồi ít nhất một phần. Các tình trạng này được chẩn đoán và theo dõi càng sớm càng tốt, vì điều này mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn ngừa mất thị lực nghiêm trọng hoặc phục hồi thị lực.
Bệnh lý về võng mạc nếu như được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng bảo toàn thị lực cho người bệnh khá cao. Việc chủ động thăm khám và tầm soát võng mạc là vô cùng quan trọng đặc biệt là các bệnh nhân trong nhóm nguy cơ cao như bệnh nhân mắc tật cận thị, bệnh nhân có các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường hay tăng huyết áp.
2. Thoái hoá điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng (còn gọi là thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác hoặc AMD) là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và mất thị lực nghiêm trọng. Tên gọi này thực sự đề cập đến một nhóm các bệnh thoái hóa của võng mạc - đặc biệt là điểm vàng, chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm và chi tiết. Vì đây là một tình trạng không gây đau đớn và thị lực ngoại vi không bị ảnh hưởng nên nhiều người không biết rằng họ bị thoái hoá điểm vàng cho đến khi bệnh ở giai đoạn nặng. Một khi đã phát triển, thoái hoá điểm vàng có thể được phân loại thành dạng ướt và dạng khô. Hầu hết mọi người đều bị thoái hoá điểm vàng dạng khô.
Những người trên 50 tuổi hoặc những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa điểm vàng phải đối mặt với nguy cơ cao nhất. Căn bệnh suy nhược về mắt này khiến người ta mất khả năng phân biệt khuôn mặt, đọc, lái xe và nhìn rõ các chi tiết. Một số người có thể không còn khả năng làm việc.
Thoái hóa điểm vàng không thể điều trị triệt để nhưng vẫn có thể điều trị bằng cách tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh tân mạch, nhằm duy trì thị lực và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Nếu để bệnh nặng sẽ gây mất thị lực hoàn toàn. Điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm cần một quá trình lâu dài và kiên nhẫn. Người bệnh có nguy cơ cần đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng 1 lần để đề phòng hoặc phát hiện sớm bệnh.
Người cao tuổi nên được khám mắt thường xuyên
Những người hút thuốc có nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng cao gấp 3 lần (ngoài một số vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến sức khỏe), vì vậy đã đến lúc nên bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hoá hoàng điểm, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn các loại thực phẩm giàu carotenoid đặc biệt có lợi. Chúng bao gồm các loại rau có lá màu xanh đậm (ví dụ như rau bina và cải xoăn) và các loại rau có màu (đặc biệt là những loại có màu vàng, ví dụ như ngô, ớt chuông vàng, khoai lang). Thực phẩm giàu vitamin C, axit béo omega-3 (ví dụ như cá nhiều dầu như cá hồi) và kẽm cũng rất tốt cho sức khỏe của mắt.
3. Đục thuỷ tinh thể (cườm đá, cườm khô)
Đục thủy tinh thể là sự mở đục của thủy tinh thể và làm giảm sự linh hoạt bình thường của mắt. Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực dưới 1/20 là do đục thể thuỷ tinh. Đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp do môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương, ảnh hưởng lâu của tia cực tím,...Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%.
Tình trạng này thường phát triển theo thời gian và cản trở ánh sáng đi vào mắt, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ của một người. Nếu không được điều trị, những người bị đục thủy tinh thể có thể dẫn đến mù lòa. Cả hai mắt có thể bị ảnh hưởng, mặc dù thường không ở mức độ giống nhau.
Phẫu thuật Phacoemulsification (viết tắt là phaco) là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Tại Bệnh viện Mắt Alina Vision, phẫu thuật của bệnh nhân đục thuỷ tinh thể sẽ được thực hiện như một trong những ca phẫu thuật được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại của chúng tôi.
4. Bệnh Glôcôm
Glôcôm (bệnh tăng nhãn áp, thiên đầu thống, cườm nước) là một trong những bệnh lý có thể gây mất thị giác lớn nhất mà không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, nếu bệnh được chẩn đoán sớm, việc điều trị bệnh tăng nhãn áp có thể bắt đầu và có thể ngăn ngừa mất thị lực. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh tăng nhãn áp và cũng là một căn bệnh của tuổi tác và di truyền.
Điều trị Glôcôm tùy theo nguyên nhân, hình thái, mức độ cũng như giai đoạn của bệnh. Bệnh này cần được theo dõi chặt chẽ, bệnh nhân cần tuân thủ tốt và phải tái khám theo hẹn để đánh giá đáp ứng của thuốc.
5. Khô mắt
Viêm kết giác mạc khô (hay còn được gọi là khô mắt) đang là căn bệnh phổ biến, với những người có thời gian tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài. Khô mắt xảy ra khi tuyến lệ không sản xuất đủ nước mắt hay có sự bất thường trong thành phần nước mắt và không dàn đều trên bề mặt nhãn cầu một cách hiệu quả hoặc nước mắt bay hơi quá nhanh. Nước mắt giúp làm sạch, cấp ẩm và nuôi dưỡng bề mặt mắt cũng như bảo vệ mắt khỏi nhiễm trùng. Chất lượng và số lượng nước mắt được duy trì để đảm bảo bề mặt nhãn cầu khỏe và sạch sẽ.
Khô mắt có thể dẫn đến tổn thương bề mặt nhãn cầu, tăng nguy cơ nhiễm trùng thậm chí có thể dẫn đến tổn thương thị lực vĩnh viễn nếu không điều trị. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Người cao tuổi thường có hiện tượng thiếu hụt về chất lượng nước mắt làm cho mắt không được bôi trơn dẫn đến khô mắt. Nguyên nhân là do càng cao tuổi, tuyến nước mắt càng hoạt động kém, bên cạnh đó, người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều các loại thuốc kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến mắt, khiến mắt bị khô. Bệnh khô mắt cần được điều trị sớm, để bệnh kéo dài có thể dẫn tới các viêm nhiễm về mắt.
Điều quan trọng các bệnh nhân cần biết là bệnh khô mắt không thể chữa khỏi - cần phải điều trị liên tục. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Cần chú ý dinh dưỡng và uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin nhằm cải thiện chứng khô mắt. Nếu khô mắt kéo dài có thể gây ra tổn thương giác mạc và suy giảm miễn dịch, vì vậy khi thấy có cảm giác khô như có cát hay dị vật trong mắt, bị nhức mắt, nóng mắt và tiết nhiều nước mắt thì cần đến cơ sở để được thăm khám và điều trị kịp thời.
6. Tổng kết
Ở tuổi xế chiều, ai cũng mong muốn khỏe mạnh, mắt tinh để có thể tận hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu. Hãy kiểm tra mắt định kỳ ít nhất 3- 6 tháng 1 lần để đề phòng và phát hiện sớm các bệnh lý ở mắt người cao tuổi.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Trung tâm mắt Vinmec-Alina tại tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0243.974.3556 để được hỗ trợ.