Các bệnh lành tính có thể gặp ở tuyến vú bao gồm: Xơ nang tuyến vú, u xơ tuyến vú, u diệp thể, nang tuyến vú, viêm tuyến vú và áp xe vú... Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đi khám sớm để xác định bệnh lý tuyến vú cụ thể, nhằm có biện pháp can thiệp đúng, chủ động ngăn ngừa biến chứng xấu có thể xảy ra.
Các bệnh lý tuyến vú lành tính bao gồm:
1. Xơ nang tuyến vú
Khái niệm
Phụ nữ mắc bệnh xơ nang tuyến vú thường bắt đầu sau tuổi 30, hay gặp ở giữa lứa tuổi 40 - 50 và các triệu chứng bệnh lý có thể mất đi sau tuổi mãn kinh. Xơ nang tuyến vú có thể có hoặc không có những biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Đây là một tổn thương lan tỏa bao gồm nhiều sự bất thường phối hợp bao gồm các yếu tố chính như:
- Các ống dẫn sữa tăng sinh và hình thành các nang.
- U nang do các phần của ống dẫn sữa ít nhiều bị giãn ra và chế tiết thanh dịch.
- Các phân thuỳ tăng sinh tuyến còn gọi là tăng sinh phân thuỳ và tăng sinh tuyến xơ cứng, mô đệm bị xơ hoá.
- Các thương tổn tăng sinh gồm tăng sinh các tế bào biểu mô, tăng sinh tuyến xơ cứng và u nhú sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Về lâm sàng, dấu hiệu cơ năng biểu hiện triệu chứng đau vú theo chu kỳ, thường xuất hiện khoảng 8 ngày trước khi hành kinh và mất đi sau khi hành kinh, cơn đau xảy ra tự nhiên, lan ra hai tay.
Dấu hiệu thực thể: các u nang đặc trưng có đặc điểm khối u tròn, giới hạn rõ, hơi cứng, thường đau, vị trí hay gặp ở 1/4 trên ngoài, kích thước và số lượng thay đổi. Có thể gặp các mảng cứng, lâm sàng thường thấy những mảng cứng trên vú giới hạn không rõ, vị trí hay gặp là 1/4 trên ngoài và mất đi sau khi hành kinh. Vú có thể tăng thể tích.
Về cận lâm sàng, chụp phim X quang cho thấy vú tăng mật độ, có hình ảnh cản quang mờ tương ứng với các vùng bị phù nề, hình ảnh cản quang tròn tương ứng với u nang; có những vết canxi hoá to, nhỏ rải rác, không tập trung thành nhóm. Siêu âm có thể giúp phân biệt giữa các nang và các tổn thương cứng. Chọc hút làm xét nghiệm tế bào ở các nang cho phép đánh giá màu sắc của dịch, khi chọc hút thấy có dịch lẫn máu phải nghĩ tới ung thư dạng nang; Tuy nhiên, nếu dịch trong, vẩn đục, có màu vàng hoặc xanh thì trường hợp này thường là nang lành tính. Sau chọc hút nang, cần khám lại vú nhằm đảm bảo khối u đã hoàn toàn loại bỏ; nếu khối u còn sót, cần tiến hành sinh thiết để xét nghiệm tế bào.
Điều trị xơ nang tuyến vú
Điều trị bằng các thuốc là chủ yếu. Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc kháng viêm không steroid; phẫu thuật cắt bỏ nang trong các trường hợp chọc dò thấy dịch có lẫn máu, có u nhú trong nang, xét nghiệm tế bào cho kết quả nghi ngờ; có thể thực hiện dẫn lưu đơn thuần đối với nang có đau. Kỹ thuật sinh thiết giải phẫu bệnh được thực hiện trong trường hợp tồn tại mảng cứng sau dẫn lưu nang hoặc sau 2 chu kỳ kinh nguyệt và có thể nghi ngờ ung thư nếu thấy có các tế bào loạn sản khi sinh thiết.
2. U xơ tuyến vú
Khái niệm
U xơ tuyến vú xảy ra khi khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thuỳ, có vỏ bọc, có thể gặp ở một hoặc hai bên vú và thường xảy ra trước tuổi 35. Khối u chắc, đều, tròn hoặc hình trứng, di động dưới da, không đau, không liên quan với chu kỳ kinh nguyệt; Kích thước thay đổi khoảng 2 - 3cm; Thông thường chỉ có một khối u, đôi khi có nhiều khối u và xuất hiện kế tiếp theo thời gian.
Điều trị
Chẩn đoán xác định bệnh lý được thực hiện bằng siêu âm và chọc hút tế bào với loại kim nhỏ để loại trừ tổn thương ác tính. Việc điều trị nên được tiến hành trước 35 tuổi và theo dõi định kỳ 6 tháng một lần; Phẫu thuật khi khối u to và phát triển nhanh; Sau 35 tuổi cần phẫu thuật cắt bỏ khối u và làm xét nghiệm mô bệnh học để xác định.
3. U diệp thể
Khái niệm
U diệp thể hình thành xuất phát từ cấu trúc cơ biểu mô chung quanh tiểu thùy, lớp đệm phát triển nhanh, dễ tái phát, có khoảng 20% trường hợp là khối u ác tính.
Khám lâm sàng thấy thường có nhiều khối u ở cả 2 bên vú, khối u đặc và chắc, tròn, di động, làm thay đổi hình dạng của vú, có nhiều tĩnh mạch tăng sinh trên bề mặt vú.
Điều trị
Về xử trí điều trị, do u diệp thể lành tính có nguy cơ tái phát tại chỗ cao nên cần cắt rộng khối u tại chỗ mà không làm tổn thương khối u, không được cặp u bằng kềm, không sinh thiết lõi vì có thể gây tái phát tại chỗ, nếu tái phát nhiều lần nên cắt bỏ vú. Nếu chẩn đoán sau mổ là u diệp thể ác tính cần cắt bỏ rộng các mô lân cận ở cuộc mổ sau.
4. Nang tuyến vú
Nang tuyến vú thường gặp ở phụ nữ khoảng 35 đến 50 tuổi, rất hiếm gặp ở phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi. Nang tuyến vú thường là những khối riêng rẽ, di động, mật độ căng. Chọc hút dịch nang thấy có màu vàng chanh hoặc nâu, nếu dịch hút ra là máu thì phải sinh thiết sau hút dịch để xét nghiệm loại trừ khả năng ung thư. Sau chọc hút nếu nang tái phát thì phải hút lại và phẫu thuật bóc nang.
5. Hoại tử mô mỡ
Hoại tử mô mỡ thường gặp sau chấn thương hoặc tổn thương do sinh thiết, có thể gặp khối u cứng, co kéo núm vú; Phải sinh thiết xét nghiệm để loại trừ ung thư vú. Điều trị bằng cách chích lấy khối hoại tử, có thể kết hợp với các thuốc nội tiết.
6. Các bệnh có tiết dịch núm vú
Bệnh lý tiết dịch núm vú ngoài thời kỳ nuôi con bú có thể do các nguyên nhân như: giãn hoặc xơ nang ống tuyến; tăng tiết sữa kết hợp với vô kinh, vô sinh; bị u papilloma ống tuyến, ung thư vú. Khám lâm sàng cần lưu ý màu sắc dịch tiết với đặc điểm trong, lẫn máu, hoặc có màu khác có kèm theo khối u, có nhiều tia hay một tia, dịch ra liên tục hay từng đợt, ra tự nhiên hay vắt, dịch ra có liên quan với kỳ kinh nguyệt, có uống thuốc tránh thai hay uống estrogen hay không. Việc xử trí điều trị được can thiệp tùy theo từng trường hợp bị tổn thương.
7. Viêm tuyến vú
Viêm tuyến vú là bệnh hay xảy ra ở phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là phụ nữ sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm cho con bú và chưa biết cách vệ sinh đầu vú. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn ngoài da như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn xâm nhập vào mô vú qua vết xây xước hoặc do tắc tia sữa không được xử trí đúng cách.
Khi tuyến vú bị viêm, vú có triệu chứng sưng đau, sữa ra không đều, không thông, sắc da đỏ nhẹ hoặc không đỏ, có hòn cục nhỏ, kèm theo sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau thân mình, ngực tức, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng. Khi đến giai đoạn làm mủ, bầu vú sưng to, da đỏ nóng từng đám hoặc cả vú, đau tăng, sốt cao và nung mủ cục bộ, người bứt rứt khó chịu, miệng khát muốn uống nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
8. Áp xe vú
Áp xe vú là ổ viêm ở sâu trong tuyến vú khi tuyến vú bị viêm không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời và đúng cách. Từ viêm nhiễm đầu vú, vi khuẩn sẽ đi vào ống tuyến vú gây viêm tuyến vú; nếu được khám và điều trị sớm có thể viêm sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn; nếu điều trị muộn nơi viêm nhiễm sẽ tạo nên ổ áp xe thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Thường áp xe vú hay gặp ở người sau khi sinh và đang cho con bú chứ ít khi gặp ở thời kỳ mang thai trừ trường hợp bị xây xước hay tổn thương núm vú. Khi có triệu chứng nghi ngờ viêm tuyến vú hay áp xe vú cần đi khám để được chẩn đoán xác định và điều trị tích cực, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Các khối u ở tuyến vú tuy là lành tính nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Trong trường hợp khối u lớn, gây đau, khó chịu và ảnh hưởng thẩm mỹ chị em có thể đến Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec để điều trị hút bỏ u vú lành tính bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ của thiết bị hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm (VABB). Với phương pháp này, thay vì phải mổ hở để lấy khối u như trước, bác sĩ chỉ cần đưa kim của máy VABB vào cắt khối u và hút khối u ra. Bệnh nhân sẽ ít đau đớn và không để lại sẹo. Đặc biệt là không gây biến dạng vú, không cần nằm viện. Bệnh nhân không cần phải chịu nhiều vết rạch để lấy u mà chỉ cần 1 lần đâm kim duy nhất là đã có thể xử lý các khối u, thậm chí là điều trị nhiều khối u cùng một lúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.