Dù còn nhiều thách thức và hạn chế trong khi bệnh được điều trị bằng tế bào gốc nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương pháp này có thể được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khó chữa trị khác nhau, từ bệnh tim mạch đến bệnh ung thư.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là những tế bào có khả năng tự tái tạo và sản sinh tế bào mới. Trong điều kiện thích hợp, tế bào gốc có thể phát triển thành các tế bào có chức năng chuyên biệt hơn như tế bào cơ tim, xương, máu và não. Tính linh hoạt này cho phép tế bào gốc tái tạo các mô và cơ quan bị tổn thương.
Tế bào gốc chia thành hai loại chính:
- Tế bào gốc phôi: Đây là những tế bào có nguồn gốc từ phôi thai, được tạo ra khi thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi nang sau 3 đến 5 ngày sẽ tạo ra khoảng 150 tế bào. Tế bào gốc phôi là tế bào đa năng, có thể phân chia thành nhiều tế bào gốc hơn hoặc trở thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể.
- Tế bào gốc trưởng thành: Đây là những tế bào gốc xuất phát từ các mô đã phát triển đầy đủ. Do đã trưởng thành nên bác sĩ chỉ có thể thu về một lượng nhỏ tế bào gốc. Tế bào gốc trưởng thành rất hạn chế trong việc tạo ra các loại tế bào. Ví dụ, tế bào gốc từ tủy xương chỉ có thể phát triển thành tế bào máu.
2. Những bệnh được điều trị bằng tế bào gốc
Phương pháp điều trị bằng tế bào gốc có khả năng chữa khỏi một số bệnh lý và khối u ác tính, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Dưới đây là danh sách các bệnh được điều trị bằng tế bào gốc đã và vẫn đang được nghiên cứu:
- Bệnh thiếu máu (bao gồm thiếu máu bất sản, thiếu máu Thalassemia, tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm và thiếu máu Fanconi).
- Rối loạn về máu hoặc các bất thường về di truyền hồng cầu (như thiếu máu Diamond Blackfan, Beta Thalassemia nặng, bất sản hồng cầu đơn thuần và bệnh hồng cầu hình liềm).
- Ung thư tủy xương (bao gồm bạch cầu tế bào huyết tương, đa u tủy và bệnh tăng Globulin đại phân tử Waldenstrom).
- Bệnh bạch cầu (như bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính, bệnh bạch cầu lưỡng tính cấp tính, bệnh bạch cầu tủy cấp tính, bệnh bạch cầu không phân biệt cấp tính, và nhiều loại khác).
- Ung thư hạch (Ung thư hạch Hodgkin).
- Rối loạn miễn dịch di truyền (như hội chứng Omenn, hội chứng Kostmann, và nhiều loại khác).
- Rối loạn chuyển hóa di truyền (như hội chứng Hurler, bệnh Mucopolysaccharidoses, và nhiều loại khác).
- Các bất thường về di truyền tiểu cầu (như giảm tiểu cầu bẩm sinh và suy nhược tiểu cầu - bệnh Glanzmann).
- Rối loạn thực bào (như giảm bạch cầu trung tính Actin và rối loạn võng mạc).
- Các khối u rắn (như u nguyên bào tủy, u nguyên bào võng mạc và u nguyên bào thần kinh).
3. Phương pháp điều trị tế bào gốc được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, có các phương pháp phẫu thuật hiện đại mà không cần phải cắt vết mổ lớn trên da, giúp quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không muốn phẫu thuật. Trong tình huống này, điều trị bằng tế bào gốc là một phương án khả thi.
Tế bào gốc giúp giảm đau và tái tạo mô với những trường hợp như sau:
- Hoại tử xương.
- Chấn thương gân.
- Chấn thương dây chằng.
- Viêm khớp.
- Gãy xương.
Với bệnh được điều trị bằng tế bào gốc, bệnh nhân sẽ không cần phải thực hiện phẫu thuật. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao vì tế bào được lấy từ cơ thể của bệnh nhân, giảm nguy cơ gây ra phản ứng phụ và nhiễm trùng.
Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ thu thập tế bào gốc từ tủy xương của bệnh nhân, thường là từ xương chậu. Các tế bào này sẽ kết hợp với tế bào bạch cầu và tiểu cầu trước khi được tiêm trực tiếp vào vị trí tổn thương ở hông nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.