Ở người mắc bệnh phổi mạn tính, việc điều trị đúng cách và vận động đều đặn, vừa sức,... sẽ giúp các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Đồng thời, điều trị phục hồi bệnh phổi mạn tính bằng cách tăng cường tập luyện còn giúp cải thiện sức đề kháng cho cơ thể, chống loãng xương và chống teo cứng cơ khớp hiệu quả.
1. Sơ lược về bệnh phổi mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng đường thở bị hẹp hơn so với bình thường, khiến người bệnh khó thở hoặc có thể dẫn tới suy hô hấp, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và áp dụng các biện pháp điều trị, phục hồi chức năng bệnh phổi mạn tính hiệu quả thì có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm: Hút thuốc lá thụ động hoặc chủ động, bụi nghề nghiệp, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng,... Các triệu chứng đặc trưng của bệnh gồm: Khó thở, ho mãn tính, khạc đờm mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần, thở khò khè, sốt nhẹ, có cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi kéo dài, đau ngực,...
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát sự phát triển của bệnh. Khi điều trị cho người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa hướng tới mục tiêu giảm nhẹ triệu chứng, làm chậm sự phát triển của bệnh, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng gồm: Sử dụng thuốc (thuốc giãn phế quản giúp bệnh nhân dễ hô hấp, giảm viêm phổi, giảm triệu chứng khó thở) và phẫu thuật (là phương pháp điều trị cuối cùng, thực hiện nếu dùng thuốc không hiệu quả).
2. Phục hồi chức năng bệnh phổi mạn tính
Các bài tập vận động bệnh phổi mạn tính có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp làm giảm nhẹ triệu chứng khó thở, ngăn ngừa biến chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các phương pháp phục hồi chức năng thường được áp dụng gồm:
2.1 Thông đờm, làm sạch đường thở
Mục đích của các bài tập này nhằm giúp bệnh nhân biết cách loại bỏ đờm, dịch tiết phế quản để đường thở thông thoáng. Những bệnh nhân có nhiều đờm gây cản trở hô hấp hoặc người gặp khó khăn khi khạc đờm có thể áp dụng theo 2 kỹ thuật sau:
Ho có kiểm soát
Thông thường, ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể, tống những dị vật ra ngoài cơ thể. Với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cơn ho làm bệnh nhân bị mệt mỏi, khó thở,... Để thay thế những cơn ho thông thường, người bệnh có thể áp dụng kỹ thuật ho có kiểm soát. Đây là kỹ thuật giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở và không làm bệnh nhân bị khó thở, mệt mỏi. Kỹ thuật ho có kiểm soát được thực hiện như sau:
- Bệnh nhân ngồi trên ghế hoặc trên giường, tư thế thoải mái;
- Hít vào chậm, thật sâu;
- Nín thở trong vài giây;
- Ho mạnh 2 lần: Lần ho đầu để làm long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài;
- Hít vào chậm, nhẹ nhàng, thở chúm môi vài lần rồi tiếp tục lặp lại động tác ho.
Lưu ý: Khi áp dụng kỹ thuật ho có kiểm soát, người bệnh nên khạc đờm vào lọ để xét nghiệm hoặc khạc vào khăn giấy, bỏ vào thùng rác để tránh lây nhiễm. Đồng thời, khi có cảm giác muốn ho, bệnh nhân không nên nín ho mà cần thực hiện kỹ thuật này để tống sạch đờm ra ngoài. Với những người bệnh có lực ho yếu, có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh.
Thở ra mạnh
Bệnh nhân yếu, mệt, không có đủ lực để ho có thể áp dụng kỹ thuật thở ra mạnh thay vì ho có kiểm soát. Thực hiện kỹ thuật này như sau:
- Hít vào thật chậm và sâu;
- Nín thở trong vài giây;
- Thở ra mạnh, kéo dài;
- Hít vào nhẹ nhàng, hít thở đều vài lần rồi lặp lại các thao tác trên.
Lưu ý: Để kỹ thuật thở ra mạnh có thể hỗ trợ thông đờm hiệu quả, bệnh nhân nên uống đủ nước mỗi ngày (1 - 1,5 lít), đặc biệt là những bệnh nhân có thở oxy hoặc thời tiết nóng bức, toát nhiều mồ hôi. Đồng thời, người bệnh chỉ nên dùng thuốc loãng đờm hoặc long đờm, không nên dùng thuốc có tác dụng ức chế cơn ho.
2.2 Bài tập vận động bệnh phổi mạn tính
Mỗi buổi tập phục hồi chức năng bệnh phổi mạn tính thường kéo dài tối thiểu 30 phút, gồm 3 giai đoạn là khởi động (làm tăng dần nhịp tim, nhịp thở và thân nhiệt, giúp cơ thể thích nghi với vận động), thực hiện bài tập tay - chân và thư giãn (làm giảm dần nhịp tim, nhịp thở để cơ thể trở lại trạng thái bình thường). Quy trình thực hiện như sau:
Khởi động
Bước khởi động thường bao gồm các động tác tay, chân nhẹ nhàng để tăng thân nhiệt, chuẩn bị cho phần vận động chính. Các động tác khởi động bao gồm:
- Đứng thẳng, dang tay ngang vai, đặt bàn tay chạm bờ vai rồi xoay người sang phải, hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu và thở ra. Sau đó, lặp lại động tác nhưng xoay sang trái. Thực hiện 10 lần;
- Đứng thẳng, đưa 2 tay ra trước, xoay người sang phải, hít vào rồi trở về tư thế ban đầu và thở ra. Sau đó, lặp lại động tác này nhưng xoay người sang trái. Thực hiện 10 lần;
- Đứng thẳng, đưa 2 tay giơ lên cao, hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu và thở ra. Tiếp tục lặp lại động tác trên 10 lần.
Với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không đứng được lâu thì có thể khởi động khi ngồi trên ghế theo hướng dẫn sau:
- Ngồi trên ghế, giơ 2 tay lên cao, xoay người đưa bàn tay phải chạm chân trái, hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu và thở ra. Tiếp theo, lặp lại động tác nhưng thực hiện với tay trái chạm chân phải. Thực hiện lặp lại 10 lần;
- Ngồi trên ghế, tay giữ ghế, nâng chân phải lên cao, gối gập và hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu và thở ra. Tiếp theo, lặp lại động tác trên nhưng thực hiện nâng chân trái. Thực hiện lặp lại 10 lần.
Thực hiện bài tập
Vận động phục hồi chức năng bệnh phổi mạn tính bao gồm cả bài tập cho tay và chân. Bài tập cho tay giúp tăng cường sức lực, độ dẻo dai cho các bắp thịt ở vai và cánh tay, từ đó hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp và thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Còn bài tập cho chân giúp tăng cường sức lực cho các bắp thịt ở chân, cải thiện độ dẻo dai của cơ thể, cải thiện chức năng tim - phổi,... Các bài tập gồm:
- Vận động tăng sức bền: Thực hiện lặp đi lặp lại các động tác một cách kéo dài để giúp cơ thể bền bỉ, dẻo dai, có sức chịu đựng tốt:
- Bài tập cho tay: Sử dụng máy tập quay tay;
- Bài tập cho chân: Thảm lăn, đạp xe, đi bộ,...;
- Vận động tăng sức cơ: Thực hiện các động tác có kháng lực hoặc chịu đựng trọng lượng để tăng cường sức lực của các nhóm cơ cần thiết:
- Bài tập cho tay: Nâng tạ. Ban đầu có thể nâng các vật nhẹ thay cho tạ, có trọng lượng khoảng 500g như chai nước, sau đó tăng dần lên các tạ 1kg, 2kg,...;
- Bài tập cho chân: Tập giữ thăng bằng, ngồi - đứng, đi cầu thang, nâng chân có trọng lực,...
Thư giãn
Sau khi thực hiện các bài tập vận động chính, bệnh nhân cần thực hiện các động tác nhẹ nhàng, chậm dần để cơ thể dần trở về trạng thái bình thường trước khi ngừng tập. Ở giai đoạn thư giãn, người bệnh có thể thực hiện các động tác căng - giãn như:
- Ngồi trên giường, 1 chân duỗi thẳng. Thực hiện gập người về phía trước, giữ thẳng khớp gối cho tới khi cảm thấy đau ở khoeo chân;
- Đứng ở khung cửa ra vào, bàn tay và vai đặt trong khung cửa, 1 chân bước ra ngoài. Đẩy người về phía trước cho tới khi cảm thấy căng cơ ngực;
- Gập cánh tay, đưa khuỷu tay lên cao, để gần tai. Dùng bàn tay còn lại đẩy nhẹ khuỷu tay về phía sau cho tới khi có cảm giác căng đau.
2.3 Nguyên tắc vận động an toàn, hiệu quả
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hô hấp trước khi bắt đầu tập vận động;
- Nên đến tập ở những trung tâm phục hồi chức năng để được hướng dẫn, giám sát;
- Chỉ nên tập vừa sức mình, không thực hiện quá sức. Khi cảm thấy mệt lúc đang tập, có thể tạm nghỉ một thời gian ngắn rồi tiếp tục vận động;
- Mỗi bệnh nhân sẽ có sự khác biệt về mức độ bệnh, các bệnh lý đi kèm, tình trạng sức khỏe tổng quát,... nên sẽ có loại hình vận động, cường độ luyện tập và tốc độ luyện tập riêng;
- Cần kiên trì tập luyện vì hiệu quả thường chỉ có thể nhìn thấy sau vài tuần (6 - 8 tuần và mỗi tuần cần tập ít nhất 3 buổi, mỗi buổi ít nhất 30 phút);
- Nên đặt chỉ tiêu cho mỗi lần tập, lần sau cần cao hơn lần trước để tăng khả năng vận động. Nếu không hoàn thành mục tiêu thì cũng không nên thất vọng, chán nản;
- Trong khi tập, cần thực hiện động tác thở chúm môi với thời gian thở ra dài gấp đôi thời gian hít vào;
- Không ăn quá no trong vòng 1 - 2 giờ trước khi tập, nên uống đủ nước trong lúc tập;
- Nếu khó thở trong lúc tập, nên thở chậm lại, tập trung thở chúm môi để có đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể;
- Ngưng tập nếu xuất hiện các triệu chứng: Đau ngực, khó thở sau khi dừng vài phút, đau chân kiểu co thắt, lảo đảo, choáng váng, vã mồ hôi,...
Vận động đúng cách trong điều trị phục hồi bệnh phổi mạn tính có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Khi theo các bài tập, người bệnh cần kiên trì, thực hiện đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, đồng thời chú trọng vào vấn đề sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.