Một trong những lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là một vấn đề về hormone ảnh hưởng đến hệ sinh sản. Khi bị PCOS, buồng trứng của bạn lớn hơn bình thường, có thể chứa nhiều nang nhỏ và trứng chưa trưởng thành.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Sự khác biệt về hormone
Buồng trứng đa nang (PCOS) khiến cơ thể phụ nữ tạo ra lượng nội tiết tố androgen cao hơn bình thường. Đây là những nội tiết tố thường được coi là hormone nam, bởi vì nam giới có lượng androgen cao hơn nhiều so với phụ nữ.
Nội tiết tố androgen rất quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan sinh dục nam và các đặc điểm khác của nam giới, như râu tóc, giọng trầm,... Ở phụ nữ, nội tiết tố androgen thường được chuyển đổi thành hormone estrogen.
PCOS có thể khiến phụ nữ trễ kinh hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều. Đây có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như buồng trứng đa nang. Ngoài ra, sự mất cân bằng hormone do bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có các rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tiểu đường type 2. Cụ thể, 50% bệnh nhân sẽ bị đái tháo đường trước 40 tuổi, nguy cơ bị đột quỵ tim cao hơn so với người cùng tuổi, dễ bị cao huyết áp, cholesterol, mỡ trong máu và ngưng thở khi ngủ.
2. Vấn đề rụng trứng
Những điều kiện cơ bản để thụ thai thành công là:
- Sự phát triển của nang noãn và phóng noãn
- Có tinh trùng đảm bảo chất lượng
- Tinh trùng gặp được noãn
- Sự thụ tinh, làm tổ và phát triển của thai tại tử cung ít nhất 37 tuần.
Khi có rối loạn bất kỳ phần nào trong chuỗi các hoạt động sinh sản trên đều dẫn đến thụ thai thất bại.
Hội chứng buồng trứng đa nang khiến nang noãn phát triển bất thường và giảm hoặc không phóng noãn. Hàm lượng nội tiết tố androgen cao cản trở sự phát triển của trứng và quá trình rụng trứng thường xuyên. Cụ thể, androgen khiến lớp vỏ đệm của buồng trứng dày hơn, vì vậy mà trứng khó thoát ra ngoài để phóng noãn. Hơn nữa, androgen còn tác động lên cơ chế điều hòa nội tiết, gây mất cân bằng các hormone, khiến các nang noãn thường rỗng hoặc không chín. Nếu một nang noãn khỏe mạnh không được phóng thích, nó không thể được thụ tinh bởi tinh trùng, nghĩa là quá trình thụ thai không xảy ra và bạn không thể mang thai.
Theo số liệu thống kê, vô sinh ở nữ giới chiếm 40% các trường hợp vô sinh. Hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tới 75% trong số các nguyên nhân vô sinh do không phóng noãn. Tỷ lệ mắc bệnh cao kèm nguy cơ gây vô sinh khiến PCOS là bệnh lý đáng lo ngại.
3. Điều chỉnh chu kỳ
Hiện nay chưa có cách điều trị đặc hiệu bệnh buồng trứng đa nang. Việc chữa trị thường nhắm tới mục tiêu là kiểm soát triệu chứng cường androgen hay điều trị vô sinh, bằng cách:
- Bác sĩ có thể kê toa thuốc tránh thai có chứa các hormone estrogen và progestin nhân tạo. Những viên thuốc này giúp điều chỉnh chu kỳ và điều hòa kinh nguyệt của bạn bằng cách giảm sản xuất androgen.
- Nếu bạn không thể dung nạp thuốc tránh thai kết hợp, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc chỉ chứa progestin.
4. Thuốc giúp rụng trứng
Bạn sẽ không thể mang thai khi đang dùng thuốc tránh thai để điều chỉnh chu kỳ do buồng trứng đa nang. Nhưng nếu bạn cần rụng trứng để có thể mang thai, một số loại thuốc nhất định sau đây có thể hỗ trợ:
- Clomiphene Citrate (CC) và Letrozole là hai loại thuốc thường được dùng vào đầu chu kỳ để kích thích nang noãn phát triển và phóng noãn
- Nếu clomiphene và metformin không có tác dụng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc có chứa hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone giúp cho sự rụng trứng (LH) thông qua đường tiêm
Ngoài sử dụng phương pháp kích thích buồng trứng, can thiệp ngoại khoa cũng là cách điều trị vô sinh cho phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Nếu bị PCOS và muốn có thai, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa sinh sản để đảm bảo được kê liều lượng thuốc phù hợp, giúp giải quyết tất cả vấn đề bạn đang gặp phải. Ngoài ra, có thể lên lịch kiểm tra và siêu âm thường xuyên để xem tình trạng của bạn. Do bệnh nhân mắc PCOS có buồng trứng khá nhạy cảm, nên việc chữa trị phải hết sức thận trọng.
5. Thay đổi lối sống
Đối với một số phụ nữ, tăng cân nhiều có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố. Đổi lại, giảm cân ở người bị béo phì hoặc thừa cân có thể giúp đưa hormone trở lại mức bình thường. Giảm 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp dự đoán chu kỳ kinh nguyệt của bạn dễ dàng hơn, nhờ đó tăng cơ hội có thai.
Nhìn chung, sống lối sống lành mạnh hơn với chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, ít căng thẳng, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và các tình trạng y tế khác sẽ cải thiện tỷ lệ sinh sản, tăng khả năng mang thai tự nhiên của bạn.
Hãy nhớ rằng, nếu kinh nguyệt của bạn không xảy ra đúng ngày hoặc bạn đã được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hãy phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để giúp kiểm soát chu kỳ. Và nếu bạn muốn mang thai, việc phối hợp chặt chẽ với một chuyên gia sinh sản lại càng quan trọng hơn.
Thực tế nhiều nghiên cứu đã cho thấy không phải trường hợp nào mắc buồng trứng đa nang cũng gây vô sinh, vẫn có những trường hợp mang thai được nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh đã lâu thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh càng cao. Vì thế, chị em phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để sớm phát hiện bệnh và có giải pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .webmd.com