Hạt của hoa anh thảo rất giàu axit béo omega-6 gọi là GLA (axit gamma-linolenic). Nhiều chuyên gia sức khỏe tin rằng GLA và các axit béo omega khác hỗ trợ cân bằng hormone lành mạnh, vì thế khuyến nghị người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và buồng trứng đa nang uống tinh dầu hoa anh thảo.
1. Tổng quan về tinh dầu hoa anh thảo
Hoa anh thảo là một loài thực vật có nguồn gốc từ Bắc và Nam Mỹ, dần phát triển khắp châu Âu và một phần châu Á. Những bông hoa này có màu vàng, nở lúc hoàng hôn và tàn vào ban ngày. Dầu từ hạt của hoa anh thảo được sử dụng để làm thuốc.
Tinh dầu hoa anh thảo được sử dụng cho hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, viêm khớp, sưng tấy và các bệnh chứng khác. Mặc dù vậy, không có bằng chứng khoa học khẳng định tính hiệu quả.
Trong thực phẩm, dầu từ hạt hoa anh thảo được sử dụng như một nguồn axit béo thiết yếu. Loại tinh dầu này còn được dùng trong sản xuất xà phòng và mỹ phẩm.
Ở Anh, dầu hoa anh thảo từng được dùng để điều trị bệnh chàm và đau ngực (liều lượng 3 - 4 gam/ngày). Bởi một số phụ nữ mắc bệnh này không có đủ lượng axit béo nhất định. Hơn nữa, axit béo cũng có khả năng giảm viêm do viêm khớp và chàm. Trong khi đó, dầu hoa anh thảo lại chứa nhiều axit béo.
Tuy nhiên, Cơ quan Kiểm soát Thuốc của Anh (MCA) đã rút giấy phép đối với các sản phẩm hoa anh thảo được bán trên thị trường dưới dạng thuốc kê đơn cho mục đích sử dụng này. Nguyên nhân bị thu hồi là bởi không có đủ bằng chứng cho thấy công dụng thực sự. Mặc dù các nhà sản xuất không đồng ý, nhưng họ vẫn chưa công bố các nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của hoa anh thảo trong điều trị và kiểm soát các tình trạng kể trên.
2. Những lưu ý khác khi dùng dầu hoa anh thảo
2.1. Tác dụng phụ và An toàn
- Khi dùng bằng đường uống: Tinh dầu hoa anh thảo rất AN TOÀN cho hầu hết mọi người khi dùng bằng đường uống với liều lượng lên đến 6 gam / ngày. Tinh chất này có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ, bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và đau đầu ở một số người.
- Khi thoa lên da: Hoa anh thảo rất AN TOÀN cho hầu hết mọi người.
2.2. Đề phòng và Cảnh báo đặc biệt
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
Uống dầu hoa anh thảo CÓ THỂ AN TOÀN trong thời kỳ mang thai. Uống tối đa 4 gam mỗi ngày trong khoảng 10 tuần thai kỳ dường như là an toàn. Nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu xác nhận điều này. Vì vậy tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng. Uống dầu hoa anh thảo vào những tuần cuối của thai kỳ có thể làm chậm quá trình chuyển dạ, vì vậy không nên sử dụng khi gần cuối thai kỳ.
Xem thêm: Tinh dầu hoa anh thảo và phụ nữ mang thai: Cẩn trọng
Việc dùng dầu hoa anh thảo trong thời gian cho con bú CÓ THỂ AN TOÀN, nhưng tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
- Trẻ em: Hoa anh thảo AN TOÀN TUYỆT ĐỐI đối với hầu hết mọi người khi thoa lên da và dùng đường uống với liều lượng tối đa 6 gam/ngày.
- Rối loạn chảy máu: Có lo ngại rằng hoa anh thảo có thể làm tăng khả năng bị bầm tím và chảy máu. Vì vậy không sử dụng nếu bạn bị rối loạn chảy máu.
- Động kinh hoặc một chứng rối loạn co giật khác: Có lo ngại rằng dùng hoa anh thảo vào buổi tối làm cho một số người dễ bị co giật hơn.
- Tâm thần phân liệt: Các cơn co giật đã được báo cáo ở những người bị tâm thần phân liệt điều trị bằng thuốc phenothiazine, GLA (một hóa chất có trong dầu hoa anh thảo) và vitamin E. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu dùng.
- Phẫu thuật: Hoa anh thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
2.3. Tương tác thuốc
- Tương tác chính
Không dùng kết hợp dầu hoa anh thảo với các loại thuốc làm chậm đông máu (Thuốc chống đông máu / Thuốc chống kết tập tiểu cầu) để tránh làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu. Do dầu hoa anh thảo có chứa GLA (axit gamma-linolenic) làm chậm quá trình đông máu.
Một số loại thuốc làm chậm đông máu bao gồm: aspirin, clopidogrel (Plavix), diclofenac (Voltaren, Cataflam, others), ibuprofen (Advil, Motrin, others), naproxen (Anaprox, Naprosyn, others), dalteparin (Fragmin), enoxaparin (Lovenox), heparin, warfarin (Coumadin) và những loại khác.
- Tương tác vừa phải
Hãy thận trọng khi kết hợp dầu hoa anh thảo với thuốc được sử dụng trong phẫu thuật (Thuốc gây mê). Một người đang dùng dầu hoa anh thảo và các loại thuốc khác đã bị co giật trong khi phẫu thuật. Nhưng không có đủ thông tin để biết nguyên nhân chính xác gây ra cơn động kinh. Hãy đảm bảo nói với bác sĩ những sản phẩm tự nhiên bạn đang sử dụng trước khi phẫu thuật. Để an toàn, bạn nên ngừng dùng dầu hoa anh thảo ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Cuối cùng, dùng dầu hoa anh thảo với phenothiazines có thể làm tăng nguy cơ co giật ở một số người. Một số phenothiazin bao gồm: chlorpromazine (Thorazine), fluphenazine (Prolixin), trifluoperazine (Stelazine), thioridazine (Mellaril), and others.
3. Buồng trứng đa nang nên uống thuốc gì?
Ngoài dầu hoa anh thảo giúp giảm đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, cải thiện mức cholesterol và stress oxy hóa liên quan đến PCOS, người bệnh còn có thể dùng:
3.1. Thực phẩm bổ sung
Các chất bổ sung được cho là giúp điều hòa hormone, kháng insulin và viêm liên quan đến buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào bởi một số loại có thể cản trở các phương pháp điều trị PCOS và thuốc được kê đơn khác.
Lời khuyên cho những người thắc mắc bị buồng trứng đa nang nên uống thuốc gì bao gồm:
Inositol là một loại vitamin B có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin. Thuốc cũng được phát hiện giúp tăng khả năng sinh sản ở một số phụ nữ bị PCOS.
- Chromium
Các chất bổ sung Chromium có thể cải thiện Chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn, giúp ích với PCOS. Thuốc cũng có khả năng ổn định tình trạng kháng insulin bằng cách giúp cơ thể chuyển hóa đường.
- Quế
Quế lấy từ vỏ của cây quế. Chiết xuất quế đã được chứng minh là có tác dụng tích cực đối với tình trạng kháng insulin. Quế cũng có thể điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ bị PCOS.
- Nghệ
Curcumin - thành phần hoạt chất trong nghệ, hứa hẹn làm giảm sự đề kháng insulin và chống viêm.
- Kẽm
Kẽm là một nguyên tố vi lượng có thể tăng cường khả năng sinh sản và hệ thống miễn dịch của bạn. Kẽm cũng giúp cải thiện tình trạng rụng tóc quá mức hoặc không mong muốn. Ngoài dùng thực phẩm chức năng, bạn cũng có thể ăn thịt đỏ, đậu, hạt và hải sản để có thêm kẽm trong thực đơn hàng ngày.
- Vitamin D và canxi kết hợp
Vitamin D là một loại hormone quan trọng đối với hệ thống nội tiết của bạn. Thiếu vitamin D là tình trạng phổ biến ở phụ nữ bị PCOS. Vitamin D và canxi có thể cải thiện kinh nguyệt không đều và hỗ trợ rụng trứng.
- Dầu gan cá
Dầu gan cá tuyết có chứa vitamin D và A, cũng như một lượng lớn axit béo omega-3. Những axit này có thể làm đều kinh nguyệt và loại bỏ mỡ quanh eo.
- Berberine
Berberine là một loại thảo mộc chiết xuất từ cây Hoàng đằng, được sử dụng trong y học Trung Quốc để giúp kháng insulin. Nếu bạn bị PCOS, berberine có thể làm tăng quá trình trao đổi chất và cân bằng các phản ứng nội tiết của cơ thể.
3.2. Thảo dược
Khi cơ thể bạn không thể điều chỉnh insulin, hormone này có thể tích tụ lại và làm tăng nội tiết sinh dục nam - được gọi là androgen. Một số loại thảo mộc giúp cơ thể bạn cân bằng các hormone, đồng thời làm giảm các triệu chứng khác của buồng trứng đa nang, như kinh nguyệt không đều.
Dù mang lại một số lợi ích, nhưng hãy thận trọng và nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào sau đây:
- Củ Maca
Rễ của cây maca - còn được gọi là nhân sâm Peru, là một loại thảo mộc truyền thống được dùng để tăng cường khả năng sinh sản và ham muốn tình dục. Củ Maca có thể giúp cân bằng nội tiết tố và giảm mức cortisol, cũng như điều trị trầm cảm - triệu chứng của PCOS.
- Ashwagandha
Ashwagandha còn được gọi là nhân sâm Ấn Độ, giúp cân bằng nồng độ cortisol, cải thiện căng thẳng và các triệu chứng của PCOS.
- Húng quế
Húng quế, còn được gọi là hương nhu và mệnh danh là nữ hoàng của các loại thảo mộc, giúp giải quyết stress hóa học và trao đổi chất. Húng quế có thể giúp giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa tăng cân và giảm mức cortisol.
- Rễ cây cam thảo
Rễ cây cam thảo có chứa một hợp chất gọi là glycyrrhizin, có một số đặc tính độc đáo. Rễ cam thảo đã được đề xuất như một chất chống viêm, có tác dụng giúp chuyển hóa đường và cân bằng nội tiết tố.
- Bạch tật lê (Gai ma vương)
Tật lê đã được chứng minh giúp kích thích rụng trứng và hỗ trợ kinh nguyệt khỏe mạnh, cũng như làm giảm số lượng u nang buồng trứng.
- Chasteberry (Trinh nữ Châu Âu)
Chasteberry đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị các tình trạng sinh sản, nhưng cần được nghiên cứu thêm. Chất này có thể cải thiện một số triệu chứng tiền kinh nguyệt.
3.3. Probiotics
Probiotics không chỉ giúp tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe đường ruột, mà còn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý buồng trứng đa nang. Chất này có khả năng làm giảm viêm và điều chỉnh hormone giới tính như androgen và estrogen. Cân nhắc bổ sung probiotic và ăn các loại thực phẩm chứa probiotic, như kim chi và nấm thủy sâm (kombucha).
Mặc dù người bị buồng trứng đa nang uống tinh dầu hoa anh thảo hay bổ sung các chất dinh dưỡng tự nhiên khác có thể hữu ích, nhưng đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ trước để lập kế hoạch điều trị. Nhìn chung, chuyển sang lối sống lành mạnh và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thông qua khám định kỳ, đúng lịch hẹn là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để tự giúp mình.
Để phòng ngừa các biến chứng bệnh đa nang buồng trứng gây ra, người bệnh cần thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm và tư vấn hướng điều trị hiệu quả, chế độ dinh dưỡng, lối sống phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh sản về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com, naturesbest.co.uk