Ốm nghén khi mang thai thường xảy ra từ tuần thứ 5 - 18 của thai kỳ. Theo thống kê, có khoảng 50 - 90% phụ nữ bị buồn nôn khi mang thai, kèm theo hoặc không kèm theo nôn. Mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của triệu chứng buồn nôn khi mang thai như thế nào là khác nhau ở từng phụ nữ.
1. Phân biệt ốm nghén và ốm nghén nặng
Ốm nghén (Morning sickness) là thuật ngữ thường được dùng để mô tả cảm giác nôn và buồn nôn khi mang thai nhẹ xảy ra do mang thai (và không phải do bệnh khác). Các triệu chứng nghén khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Hội chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis gravidarum) là một tình trạng nghiêm trọng hơn, khiến thai phụ:
- Nôn mửa nhiều lần trong ngày;
- Sụt cân;
- Không thể tiêu thụ thức ăn và cả chất lỏng (nước canh, nước uống,...);
- Phải đến bệnh viện đánh giá và điều trị bằng thuốc.
1.1. Ốm nghén
Nôn và buồn nôn khi mang thai thường xuất hiện vào tuần thứ 5 - 6 của thai kỳ. Các triệu chứng nặng nhất vào khoảng tuần thứ 9 và sẽ cải thiện khi thai được 16 - 18 tuần. Tuy nhiên, 15 - 20% phụ nữ vẫn gặp các triệu chứng này đến tam cá nguyệt thứ ba và thậm chí là cho đến khi sinh (5% thai phụ). Mặc dù buồn nôn và nôn nhẹ liên quan đến thai kỳ thường xuất hiện vào buổi sáng, nhưng vẫn có thể gặp vào bất cứ lúc nào trong ngày. Nhiều phụ nữ (80%) cảm thấy buồn nôn suốt cả ngày hoặc thậm chí vào ban đêm. Cần lưu ý rằng, phụ nữ bị buồn nôn và nôn nhẹ khi mang thai sẽ ít bị sảy thai và thai chết lưu hơn người không có các triệu chứng này.
1.2. Ốm nghén nặng
Đây là tình trạng buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng khi mang thai. Phụ nữ bị ốm nghén nặng thường nôn mửa mỗi ngày và có thể giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể trước khi mang thai. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ mắc hội chứng này cũng bị mất nước, cũng như thiếu hụt vitamin và các chất dinh dưỡng khác.
2. Nguyên nhân gây nghén khi mang thai
Nguyên nhân của buồn nôn và nôn liên quan đến thai kỳ không rõ ràng. Tăng nồng độ hormone, chậm di chuyển của các chất trong dạ dày, khuynh hướng di truyền và các yếu tố tâm lý... là những giả thuyết phổ biến gây nghén khi mang thai nhưng vẫn chưa được chứng minh.
Một số phụ nữ có nhiều khả năng bị nghén khi mang thai, bao gồm người:
- Đã từng có các triệu chứng này trong lần mang thai trước;
- Buồn nôn và nôn khi dùng estrogen (ví dụ: Trong thuốc tránh thai) hoặc đau nửa đầu do kinh nguyệt;
- Say tàu xe;
- Có các thành viên trong gia đình (đặc biệt là chị em gái hoặc mẹ) cũng bị nghén khi mang thai;
- Có tiền sử các vấn đề về đường tiêu hóa (trào ngược, loét);
- Sinh đôi, sinh ba hoặc đa thai;
- Thai trứng (chửa trứng).
3. Nghén khi mang thai khi nào cần khám bác sĩ?
Nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người bị buồn nôn và/ hoặc nôn mức độ nhẹ đến trung bình mặc dù không cần điều trị y tế nhưng vẫn nên cho bác sĩ sản khoa biết các triệu chứng nghén khi mang thai của mình. Sau đó, bác sĩ sẽ đề xuất cách để giúp giảm các triệu chứng hoặc xác định xem liệu có nên điều trị bằng thuốc hay không. Ngoài ra, nên nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sản khoa nếu bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây:
- Các dấu hiệu mất nước, bao gồm đi tiểu không thường xuyên, nước tiểu sẫm màu hoặc chóng mặt khi đứng;
- Nôn buồn nôn khi mang thai nhiều lần trong ngày, đặc biệt nếu bạn thấy chất nôn có máu;
- Đau bụng/ vùng chậu hoặc chuột rút;
- Nôn tất cả đồ ăn hoặc thức uống trong vòng 12 giờ nạp vào;
- Giảm cân hơn 5 pound (2,3 kg);
- Sốt hoặc tiêu chảy kèm theo nôn và buồn nôn khi mang thai;
- Cảm giác tuyệt vọng, muốn kết thúc thai kỳ hoặc có ý định tự tử vì mức độ nghén khi mang thai quá nghiêm trọng.
Bác sĩ có thể đề nghị tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm để điều tra nguyên nhân và xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề, bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc siêu âm.
4. Điều trị nghén khi mang thai
Phụ nữ có thể kiểm soát chứng nôn và buồn nôn khi mang thai bằng các biện pháp tại nhà (thay đổi chế độ ăn uống và lối sống), cũng như các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn có sẵn.
Bạn có thể phải thử một số hoặc kết hợp các phương pháp điều trị trong vài tuần trước để tìm ra cách phù hợp nhất với mình. Cảm giác nôn và buồn nôn khi mang thai thường không thể loại bỏ hoàn toàn mà chỉ giảm bớt để bạn có thể ăn uống đủ chất cho thai nhi phát triển, cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống. May mắn là các triệu chứng ốm nghén thường tự biến mất vào giữa thai kỳ.
4.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Nôn và buồn nôn khi mang thai có thể trở nên nghiêm trọng hơn do ăn quá nhiều hoặc đói quá mức. Vì vậy, hãy thử ăn trước hoặc ngay khi bạn cảm thấy đói để tránh tình trạng bụng đói. Ăn vặt thường xuyên và ăn nhiều bữa nhỏ (ví dụ: 6 bữa ăn nhỏ/ ngày) với nhiều protein hoặc carbohydrate và ít chất béo. Ăn nhạt cũng có thể là một ý tưởng hay nếu bị nghén khi mang thai. Uống một ít nước lạnh và có ga hoặc chua (ví dụ: Bia gừng, nước chanh) giữa các bữa ăn. Ngửi chanh tươi, bạc hà hoặc cam hoặc sử dụng máy khuếch tán tinh dầu với những mùi hương này cũng có thể hữu ích.
4.2. Tránh các tác nhân gây buồn nôn khi mang thai
Một trong những cách điều trị quan trọng nhất đối với chứng buồn nôn và nôn khi mang thai là tránh mùi, vị và các hoạt động gây ra cảm giác buồn nôn khi mang thai. Một số phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn khi loại bỏ thức ăn cay. Các ví dụ khác về yếu tố kích hoạt buồn nôn khi mang thai bao gồm:
- Phòng ngột ngạt;
- Mùi (ví dụ: Nước hoa, hóa chất, cà phê, thức ăn, khói thuốc);
- Nhiệt và độ ẩm;
- Tiếng ồn;
- Chuyển động trực quan hoặc vật lý (ví dụ: Đèn nhấp nháy, lái xe);
- Tập thể dục quá sức;
- Tiết nhiều nước bọt (chứng bệnh chảy nước dãi);
- Mệt mỏi quá mức hoặc cảm thấy mệt mỏi;
- Thực phẩm và đồ ăn nhẹ có nhiều đường;
- Thực phẩm cay và thực phẩm giàu chất béo.
Đánh răng sau khi ăn có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng nghén khi mang thai. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn dữ dội khi uống vitamin cùng với sắt, hãy thử uống trước khi đi ngủ. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, hãy tạm thời ngừng dùng vitamin và cho bác sĩ sản khoa biết. Bác sĩ có thể đề xuất một loại vitamin khác hoặc thực phẩm bổ sung có chứa 400 - 800 microgram axit folic cho bạn dùng đến tuần thứ 14 của thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
4.3. Phương pháp điều trị bổ sung
Các phương pháp điều trị sau đây có thể hữu ích trong một số trường hợp nghén khi mang thai:
- Châm cứu và bấm huyệt;
- Thôi miên và tư vấn (có thể hữu ích cho những phụ nữ có tiền sử lo lắng hoặc trầm cảm);
- Bột gừng hoặc trà gừng và các thực phẩm có chứa gừng (ví dụ: Kẹo gừng, bia gừng) có thể giúp giảm buồn nôn và nôn nhẹ ở một số phụ nữ;
- Sử dụng ống thông mũi dạ dày hoặc bổ sung dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.
4.4. Thuốc
Thuốc giảm buồn nôn và nôn có hiệu quả ở một số phụ nữ và an toàn để dùng trong thai kỳ. Tuy nhiên, bạn phải hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hoặc kê đơn nào, bao gồm cả chất bổ sung dinh dưỡng và thảo dược.
- Vitamin B6 và doxylamine;
- Thuốc kháng histamin và các loại thuốc chống buồn nôn khi mang thai khác;
- Diphenhydramine/ Benadryl (có thể gây buồn ngủ);
- Meclizine/ Dramamine (có thể gây buồn ngủ);
- Promethazine/ Phenergan (có thể gây buồn ngủ và khô miệng);
- Metoclopramide/ Reglan;
- Ondansetron/ Zofran (không nên dùng cho bệnh nhân có tình trạng kéo dài khoảng QT; táo bón cũng là một tác dụng phụ của ondansetron);
- Prochlorperazine/ Compazine (có thể gây buồn ngủ và khô miệng, nên tránh ở những bệnh nhân dễ bị kéo dài QT);
- Corticosteroid/ Solu-Cortef, dexamethasone (cho những phụ nữ không đáp ứng với các loại thuốc được liệt kê ở trên).
Hầu hết phụ nữ bị buồn nôn và nôn liên quan đến thai kỳ đều hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ biến chứng nào. Phụ nữ bị nôn mức độ từ nhẹ đến trung bình thường tăng cân ít hơn trong thời kỳ đầu mang thai. Tình trạng tăng cân trong thai kỳ xảy ra vào nửa cuối của thai kỳ, sau khi chứng buồn nôn và nôn do thai nghén đã hết. Những phụ nữ không bị buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng trong lần mang thai đầu tiên sẽ ít có khả năng mắc chứng này trong những lần mang thai sau.
Tóm lại, ốm nghén là tình trạng thường xảy ra ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, đây cũng là thời điểm nhạy cảm nhất, để mẹ và bé được khỏe mạnh, cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: msdmanuals.com, uptodate.com