Buồn ngủ nhiều có phải dấu hiệu mang thai?

 

Một số phụ nữ trẻ thường băn khoăn là “buồn ngủ nhiều có phải có thai?”. Thật vậy, một trong những dấu hiệu mang thai đầu tiên là mệt mỏi và buồn ngủ. Bắt đầu ngay từ khi thụ thai và làm tổ, các hormone thai kỳ ảnh hưởng ngay đến cơ thể, tâm trạng, sự trao đổi chất, não bộ, ngoại hình và giấc ngủ của người mẹ. Do vậy, đừng lo lắng khi “buồn ngủ nhiều có phải dấu hiệu mang thai” nhưng cũng đừng bỏ sót những nguyên nhân khác.

1. Buồn ngủ nhiều có phải dấu hiệu mang thai?

Cảm thấy mệt mỏi và thậm chí kiệt sức trong những tháng đầu tiên của thai kỳ là điều bình thường. Chính vì điều này, không ít phụ nữ lo lắng “buồn ngủ nhiều có phải mang thai”.

Sự thật là tình trạng mệt mỏi, thậm chí là cực kỳ mệt mỏi là dấu hiệu mang thai sớm mà hầu như tất cả phụ nữ đều gặp phải trong tam cá nguyệt đầu tiên. Thậm chí, điều này cũng rất bình thường trong tam cá nguyệt thứ ba, ảnh hưởng đến khoảng 60% tổng số phụ nữ mang thai.

Mệt mỏi hay buồn ngủ được coi là trạng thái thiếu năng lượng thường xuyên. Khi mang thai, người mẹ có thể cảm thấy như không thể thức dậy vào buổi sáng hoặc không thể chờ đợi để lên giường ngay sau khi về nhà vào buổi tối. Một số sản phụ lại có thể cảm thấy mình cứ lê lết và uể oải từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ.

2. Tình trạng buồn ngủ khi mang thai bắt đầu sớm như thế nào?

Buồn ngủ và mệt mỏi có thể bắt đầu trong những tuần đầu tiên của thai kỳ. Một số phụ nữ nhận thấy tình trạng kiệt sức của thai kỳ sớm nhất là một tuần sau khi thụ thai, ngay cả khi chưa kịp đặt câu hỏi “Có bầu có buồn ngủ nhiều không?”.Mặc dù tình trạng mệt mỏi thường thuyên giảm vào khoảng bắt đầu của tam cá nguyệt thứ hai, nhưng thường trở lại vào tam cá nguyệt thứ ba, mặc dù giống như mọi triệu chứng, buồn ngủ cũng thay đổi theo từng giai đoạn mang thai.


Giải đáp buồn ngủ nhiều có phải dấu hiệu mang thai?
Giải đáp buồn ngủ nhiều có phải dấu hiệu mang thai?

3. Nguyên nhân gây ra buồn ngủ, mệt mỏi khi mang thai?

Mang thai giống như cuộc chạy marathon trong khi mang ba lô mang trên mình nặng hơn một chút mỗi ngày. Nói cách khác, đó là công việc khó khăn. Mặc dù bản thân không biết cơ thể của mình đang làm gì, nhưng cơ thể đang làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết, ngay cả khi đang nghỉ ngơi.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, một số yếu tố có thể khiến thai phụ mệt mỏi, trả lời cho “Buồn ngủ nhiều có phải có thai?” bao gồm:

Xây dựng nhau thai: Trong suốt ba tháng đầu của thai kỳ, cơ thể đang tạo ra nhau thai, một cơ quan được sản xuất đặc biệt cho thai kỳ để cung cấp cho em bé các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để phát triển. Đó là một nhiệm vụ to lớn khiến cơ thể nhanh chóng tiêu hao hết năng lượng.

Nội tiết tố: Mệt mỏi khi mang thai phần lớn là do sản xuất hormone progesterone tăng mạnh, hỗ trợ thai kỳ và tăng sản xuất các tuyến sữa cần thiết cho việc cho con bú sau này. Những thay đổi về hormone cũng có thể gây ra sự bất ổn về tâm trạng và gây mệt mỏi, buồn ngủ kéo dài.

Tăng cung cấp máu: Nhu cầu tạo và bơm thêm máu để cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho em bé cũng có thể khiến sản phụ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ không ngừng.

Các thay đổi thể chất khác: Sự trao đổi chất đang hoạt động cao độ, nhịp tim tăng lên trong khi lượng đường trong máu và huyết áp giảm xuống, đồng thời cơ thể đang sử dụng nhiều chất dinh dưỡng và nước hơn - tất cả đều có thể khiến sản phụ kiệt sức.

Vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên, cơ thể sẽ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất nhau thai và làm quen hơn với những thay đổi về nội tiết và cảm xúc đã xảy ra, có nghĩa là tam cá nguyệt thứ hai thường là thời điểm năng lượng được tái tạo, tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ cũng sẽ vơi dần.

4. Làm sao để khắc phục tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi mang thai?

  • Quan tâm nhiều hơn đến bản thân

Nếu đây là con đầu lòng, hãy tận hưởng cơ hội này để tập trung hoàn toàn vào việc chăm sóc bản thân.

Nếu đã có con, đây không phải là lúc để trở thành người mẹ Supermom. Hãy để bát đĩa bẩn đợi lau rửa sau khi cho con ăn và đừng lo lắng về việc phải dọn dẹp liên tục. Hãy đặt hàng giao tận nhà thay vì tự mua sắm.

Nếu có thể, thuê ai đó làm việc nhà cho mình là một giải pháp lý tưởng. Nếu không, hãy sắp xếp mức độ ưu tiên những việc cần làm và đừng đặt quá nhiều hoạt động cùng một lúc nếu có thể tránh được.

  • Yêu cầu giúp đỡ từ người khác

Sẽ không còn nhiều thời gian nghỉ ngơi cho người mẹ trong những tháng tới. Đừng ngần ngại cho chồng, gia đình và bạn bè biết cơ thể mình mệt mỏi như thế nào để họ có thể chia sẻ công việc.

  • Tăng thời gian cho giấc ngủ

Ngủ thêm một giờ vào ban đêm sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về mức năng lượng trong ngày và cách dễ nhất để đạt được nhiều thời gian ngủ hơn là đi ngủ sớm hơn vào ban đêm. Tổng cộng từ bảy đến tám giờ là lý tưởng; nhiều hơn nữa thực sự có thể khiến trí não cảm thấy mệt mỏi hơn.


Chọn thực phẩm lành mạnh để khắc phục tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi mang thai
Chọn thực phẩm lành mạnh để khắc phục tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi mang thai

  • Ưu tiên cho việc nghỉ ngơi bất cứ lúc nào

Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy cố gắng nghỉ ngơi ngay khi có thể và điều chỉnh tốc độ của bản thân. Dành buổi tối để thư giãn với đôi chân của bạn. Đừng bắt buộc mình phải tham gia một bữa tối với bạn bè hoặc một bữa tiệc sau giờ làm việc với đồng nghiệp.

Nếu đang làm việc cả ngày, một giấc ngủ ngắn có thể không thực hiện được nhưng chỉ cần nhắm mắt ngay tại ghế ngồi trong giờ ăn trưa cũng có thể giúp cơ thể tăng cường năng lượng nhanh chóng hoặc đơn giản là giúp giảm sưng bàn chân và mắt cá chân trong giai đoạn sau của thai kỳ.

  • Chọn thực phẩm lành mạnh

Tập trung vào thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng sẽ giúp giữ mức năng lượng ổn định cả ngày. Thực hiện theo các hướng dẫn về một chế độ ăn uống tốt cho thai kỳ, tập trung vào năng lượng lâu dài có trong các bữa ăn kết hợp protein và carbs phức tạp.

Đảm bảo các bữa ăn nạp đủ calo vì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là chìa khóa cho một thai kỳ khỏe mạnh.

  • Ăn thường xuyên

Khi biết mình mang thai, cần tránh bỏ bữa. Ăn sáu bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn có thể giữ cho lượng đường trong máu và năng lượng luôn ở mức ổn định. Điều này cũng sẽ giúp giảm các triệu chứng ốm nghén phổ biến khác, như mệt mỏi, buồn ngủ và táo bón.

  • Rèn luyện thể chất

Mặc dù chiếc giường ngủ trông hấp dẫn hơn bao giờ hết, việc tuân thủ các hoạt động tập thể dục khi có thai đúng cách sẽ giúp cơ thể sản phụ khỏe mạnh hơn.

Các hoạt động phù hợp với phụ nữ mang thai là đi bộ trong công viên, tham gia lớp học yoga, bơi lội... Sản phụ sẽ không chỉ cảm thấy vui vẻ hơn (và hạnh phúc hơn nhờ các hormone nâng cao tâm trạng, endorphin) mà còn ngủ ngon hơn vào ban đêm.

  • Cân nhắc châm cứu

Nếu tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống, hãy cân nhắc đến việc châm cứu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc châm kim vào các điểm cụ thể tương ứng với các dây thần kinh nhất định dẫn đến giải phóng endorphin, có thể giúp giảm mệt mỏi khi mang thai cũng như các triệu chứng mang thai khác như đau đầu, buồn nôn và đau lưng.

Tóm lại, mang thai có thể là một trải nghiệm mệt mỏi - cả về tinh thần và thể chất. Bởi lẽ, thai kỳ không hiếm khi được phát hiện bằng sự thắc mắc “buồn ngủ nhiều có phải có thai”. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ hiện tượng này là bình thường, gần như tất cả phụ nữ đều cảm thấy mệt mỏi hơn trong thai kỳ. Vì vậy, hãy xem đây là một thông điệp từ cơ thể, đòi hỏi sự nghỉ ngơi và người mẹ chắc chắn nên lắng nghe vì sự xuất hiện của một mầm sống đang liên tục lớn lên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe