Nhiều bệnh nhân chung sống với sỏi bùn túi mật mà không biết cho đến khi đối mặt với những cơn đau. Vậy sỏi bùn túi mật có chữa được không, phòng ngừa như thế nào?
1. Tổng quan về sỏi bùn túi mật
Sỏi bùn túi mật là những chất rắn có dạng hạt, kích thước nhỏ, nằm li ti và rải rác trong túi mật. Thành phần của sỏi bùn túi mật gồm có cholesterol, canxi bilirubinat, chất nhầy và muối mật. Trong thời gian dài, sỏi bùn túi mật có thể lắng đọng lại và tạo thành sỏi cholesterol trong túi mật, hay còn gọi là sỏi mật.
Thông thường, nhiều người không phát hiện mình bị sỏi bùn túi mật cho đến khi xuất hiện những cơn đau. Tuy nhiên, sỏi bùn cũng có thể tự phân hủy hoặc bị túi mật co bóp và tống đẩy ra bên ngoài. Sỏi bùn túi mật nếu không được điều trị có thể dẫn đến sỏi túi mật, viêm tụy cấp, ...
Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi bùn túi mật, tuy nhiên, những trường hợp có nguy cơ cao hơn, đó là: Phụ nữ đang mang thai, bệnh nhân tiểu đường, người bị béo phì hoặc béo phì nhưng giảm cân quá nhanh, bệnh nhân phải ăn qua đường tĩnh mạch, sử dụng thuốc giảm mỡ máu và thuốc điều trị khác trong thời gian dài, ...
2. Vì sao bị sỏi bùn túi mật?
Sỏi bùn túi mật được cho là do các nguyên nhân sau gây ra:
- Mang thai: Trong giai đoạn mang thai, túi mật chịu nhiều áp lực do bào thai phát triển và chèn ép túi mật. Tuy nhiên, tình trạng ảnh hưởng lên túi mật sẽ biến mất sau khi sinh.
- Giảm cân quá nhanh, ăn kiêng không lành mạnh: Một chế độ ăn kiêng không lành mạnh, ép cân, giảm cân quá nhanh khiến cơ thể phải đốt năng lượng từ mỡ, khiến gan, tụy, mật phải làm việc nhiều hơn, gan sản xuất nhiều cholesterol hơn, làm tăng nguy cơ lắng đọng và tạo thành bùn túi mật.
- Sỏi viên: Tắc nghẽn ống mật do sỏi cũng dễ hình thành nên sỏi bùn túi mật.
- Một số loại thuốc: Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài như thuốc làm giảm mỡ máu, tránh thai, ... có thể gây sỏi bùn túi mật.
- Nuôi ăn qua đường tĩnh mạch: Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật dạ dày hoặc ăn uống thông qua tĩnh mạch thường gặp phải tình trạng ứ đọng dịch mật, làm tăng nguy cơ sỏi bùn túi mật.
- Dư thừa cholesterol trong mật: Khi gan sản xuất nhiều cholesterol hơn khiến mật không thể hòa tan được sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa cholesterol trong mật, cholesterol lắng đọng lại và tạo thành sỏi.
- Dư thừa bilirubin trong mật: Gan sản xuất bilirubin nhiều hơn ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật, xơ gan, ... Khi đó, lường bilirubin dư thừa có thể lắng đọng và tạo thành bùn túi mật.
- Thường xuyên sử dụng các chất có cồn: Lạm dụng rượu bia chứa nhiều ethanol khiến chức năng gan bị tổn thương, khi đó dịch mật không thể lưu thông để hòa tan cholesterol và tạo thành sỏi túi mật.
3. Biểu hiện khi bị sỏi bùn túi mật
Bệnh nhân bị sỏi bùn túi mật thường không phát hiện trong khi bệnh vẫn tiến triển một cách âm thầm và lặng lẽ. Bên cạnh đó, bệnh cũng có biểu hiện tương tự như bệnh gan hoặc tiêu hóa nên rất khó nhận biết. Có đến 80% trường hợp bệnh nhân không biết rằng mình bị sỏi bùn túi mật, ngay khi chúng tiến triển thành sỏi mật.
Khi bùn túi mật bắt đầu ảnh hưởng đến những cơ quan khác, người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện sau:
- Đau mạn sườn bên phải đột ngột, đặc biệt là sau khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo. Cường độ các cơn đau không giống nhau, khi thì dữ dội, lúc thì âm ỉ kéo dài trong vài giờ.
- Cơn đau có thể lan từ bụng trên giữa hai xương bả vai và ra sau lưng dưới.
- Khó chịu ở dạ dày, chậm tiêu, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn.
- Cơ thể mệt mỏi, ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi, sốt nhẹ, vàng da hoặc mắt.
- Đại tiện ra phân có màu lạ, nhạt hơn và trông giống đất sét trắng.
Những biểu hiện này cũng báo động sỏi bùn túi mật đã trở nên nguy hiểm và có thể gây ra một số biến chứng như tắc nghẽn ống dẫn mật, rò rỉ dịch mật, viêm túi mật, viêm tụy cấp tính, ... Trong đó, viêm tụy cấp nếu không được xử trí kịp thời có thể gây sốc hoặc thậm chí là dẫn đến tử vong.
4. Bị sỏi bùn túi mật có gây nguy hiểm đối với sức khỏe không?
Như đã đề cập ở trên, sỏi bùn túi mật có thể tự phân hủy mà không cần điều trị ở một số người. Tuy nhiên, nếu chúng không tự biến mất và tiến triển thêm có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Tắc nghẽn ống dẫn mật: Sỏi bùn túi mật tích tụ lại có thể làm tắc nghẽn ống dẫn mật, dẫn đến nhiễm trùng túi mật và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật hoặc các bệnh về túi mật.
- Viêm túi mật: Sỏi bùn túi mật tồn đọng trong túi mật quá lâu, làm dịch mật bị ứ trệ không lưu thông được, dẫn đến nhiễm trùng và viêm túi mật. Túi mật bị viêm sưng tấy gây đau bụng, buồn nôn hoặc nôn.
- Viêm tụy cấp: Viêm tụy cấp là biến chứng thường gặp của sỏi bùn túi mật, đó là do sỏi bùn di chuyển đến ống tụy và làm viêm tụy.
- Sỏi mật: Sỏi bùn túi mật có thể tiến triển thành sỏi mật và gây ra những cơn đau túi mật dữ dội. Sỏi mật nếu không được phát hiện và điều trị có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
5. Bùn túi mật có chữa được không?
Sỏi bùn túi mật có thể được chẩn đoán phát hiện bằng các phương pháp sau:
- Siêu âm: Siêu âm cho phép xác định vị trí của sỏi trong túi mật.
- Chụp MRI: Chụp MRI cho phép xác định và loại trừ những nguyên nhân gây bệnh ở túi mật, đồng thời phát hiện sỏi bùn túi mật đã tiến triển và gây biến chứng chưa.
- Một số xét nghiệm khác: Ngoài siêu âm và chụp MRI, người bệnh có thể phải tiến hành thêm một số xét nghiệm khác bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan và nồng độ canxi và cholesterol trong máu.
Khi phát hiện sỏi bùn túi mật, nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì thường không cần điều trị, chỉ cần chú ý chế độ ăn uống và tập luyện để sỏi có thể tự phân hủy.
Đối với trường hợp sỏi bùn túi mật gây triệu chứng hoặc biến chứng liên quan, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc làm tan sỏi hoặc phẫu thuật cắt túi mật. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng bị sỏi bùn tái phát.
6. Phòng ngừa sỏi bùn túi mật như thế nào?
Sỏi bùn túi mật khi đã gây triệu chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, để phòng ngừa bị sỏi bùn túi mật cần chú ý:
- Chế độ ăn uống: Hạn chế hoặc tránh những thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, mỡ, thức ăn chiên rán và chế biến sẵn, các loại bánh kẹo ngọt, thức ăn giàu tinh bột. Thay vào đó, cần ăn nhiều hơn các loại rau xanh, trái cây giàu chất xơ và vitamin, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, ...
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Tăng cường vận động, duy trì cân nặng hợp lý để tránh bị thừa cân, tiểu đường, nhờ đó sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về túi mật.
- Tẩy giun định kỳ: Tẩy giun theo định kỳ giúp ngăn ngừa đường mật nhiễm khuẩn và giảm nguy cơ gặp các vấn đề túi mật như sỏi bùn túi mật.
Sỏi bùn túi mật có thể được chữa bằng cách dùng thuốc tán sỏi hoặc mổ nội soi lấy sỏi, phẫu thuật cắt túi mật. Tuy nhiên, tốt nhất là nên phòng ngừa bệnh túi mật bằng cách ăn uống khoa học hợp lý và có một lối sống lành mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.