Bromazepam được chỉ định để điều trị các rối loạn lo âu, căng thẳng. Thuốc nên dùng trong thời gian ngắn từ 2-4 tuần. Không nên sử dụng liên tục trong khoảng thời gian dài trừ khi có chỉ định từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
1. Bromazepam là thuốc gì?
Thuốc Bromazepam là sản phẩm biệt dược có tác động hóa sinh lên não. Hầu hết các trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc có liên quan đến vấn đề tâm lý như lo âu, căng thẳng. Đôi khi các vấn đề nặng hơn của biểu hiện tâm lý tiêu cực cũng được chỉ định sử dụng thuốc Bromazepam.
Người bệnh không nên tự ý điều trị bệnh tâm lý. Do thế, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bạn sử dụng thuốc này để điều trị vấn đề khó ngủ nếu thực sự an toàn.
2. Hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc ngủ Bromazepam
Bromazepam thuộc nhóm thuốc Benzodiazepine. Đây là thuốc chỉ cho phép sử dụng liều ngắn với thời gian 2 - 4 tuần. Do thành phần thuốc có khả năng gây nghiện nên bác sĩ sẽ hạn chế cho bệnh nhân sử dụng lâu. Cũng vì thế, thuốc Bromazepam chỉ nên sử dụng khi có đơn thuốc kê toa.
3. Cách bảo quản thuốc
Hầu hết các loại thuốc khi bạn mua về đều có hướng dẫn bảo quản và sử dụng in trên bao bì và một tờ hướng dẫn sử dụng chi tiết. Trong đó các yếu tố phổ biến là nhiệt độ, môi trường luôn được nhà sản xuất nhắc đến. Nơi đặt thuốc cần đảm bảo nhiệt độ vừa, không ẩm mốc, tránh nơi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
Hãy đặt trong tủ thuốc hoặc cao hơn tầm với của trẻ nhỏ và thú nuôi để tránh trường hợp ngoài ý muốn.
Khi thuốc bị hỏng, không nên ném vào toilet hay ống dẫn nước. Việc xử lý thuốc quá hạn nên được thực hiện bởi chuyên gia y tế để đảm bảo tối đa các quy chuẩn an toàn.
4. Liều dùng phù hợp của thuốc Bromazepam
Khi bào chế và nghiên cứu, mỗi loại thuốc đều được phân tích kỹ càng. Nhà sản xuất đều sẽ đưa ra liều dùng chỉ định phù hợp và giới hạn độ tuổi sao cho rủi ro thấp nhất. Mặc dù vậy, các cá thể đặc biệt có cơ địa hiếm gặp sẽ nằm ngoài dự đoán của dược sĩ. Do đó, cách xác định liều dùng an toàn nên thông qua kiểm tra và tư vấn của bác sĩ.
Liều sử dụng thuốc Bromazepam:
- Trẻ dưới 18 tuổi hiện không được khuyến khích sử dụng.
- Người trưởng thành sẽ uống thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Liều dùng khi bắt đầu sẽ dao động khoảng 6 - 18 mg/ ngày. Mỗi ngày có thể dùng nhiều lần tùy theo chỉ định. Nhưng hãy lưu ý không sử dụng quá 60 mg/ ngày.
- Liều dùng của người cao tuổi sẽ thấp hơn để đảm bảo công dụng mà không ảnh hưởng sức khỏe. Người cao tuổi bắt đầu sử dụng sẽ được chỉ dẫn không dùng quá 3 mg thay vì 6 - 18 mg ở người trưởng thành. Để tiện lợi cho bệnh nhân thuốc được bào chế viên nén với 2 liều dùng là 3 mg và 6 mg.
5. Các tác dụng phụ của thuốc Bromazepam
Khi dùng thuốc Bromazepam, bạn có thể gặp một số vấn đề sau:
- Cơ thể thường xuyên rơi vào mệt mỏi và cơn buồn ngủ xuất hiện nhiều lên;
- Hoa mắt chóng mặt;
- Những cơn đau đầu tăng dần;
- Ngủ hay mê mệt hoặc mơ những giấc mơ tiêu cực;
- Cơ bắp bị nhão hoặc xuất hiện đau nhức;
- Thị lực bị suy giảm khiến mắt mờ;
- Nổi mẩn, phát ban da như biểu hiện của dị ứng;
- Người hay cảm giác run và khó điều khiển các chức năng cơ thể;
- Vị giác bị giảm khiến bạn ăn không ngon;
- Khô miệng;
- Giảm khả năng nói lưu loát;
- Suy giảm trí nhớ kèm giảm khả năng tập trung.
Khi bệnh nhân mê sảng hay có biểu hiện khó thở tức là phản ứng thuốc bắt đầu nghiêm trọng. Tình huống này cần nhanh chóng báo cho bác sĩ điều trị, đồng thời đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
6. Một số trường hợp không nên sử dụng thuốc Bromazepam
Bromazepam không phải là dạng thuốc đại trà. Vì thế một số trường hợp liệt kê dưới đây sẽ không sử dụng thuốc:
- Người có cơ địa dị ứng với thành phần cấu tạo của thuốc;
- Người từng dùng và xuất hiện khó thở, thở gấp, mẩn ngứa, nổi ban hay sưng phù;
- Bệnh nhân phổi mãn tính hoặc đang chuyển nặng;
- Có bệnh nền về gan;
- Bệnh nhân có sức khỏe kém hay cơ bắp suy nhược;
- Trẻ em dưới 18 tuổi nếu không phải do bác sĩ kê đơn;
- Phụ nữ mang thai và cho con bú;
- Người mắc bệnh về đường huyết hoặc tăng nhãn áp cần tham khảo bác sĩ trước;
- Đối tượng thường xuyên dùng chất kích thích như đồ uống chứa cồn hay thuốc lá.
Tương tác thuốc là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên chúng ta không thể bỏ quên vì đây có thể là chất xúc tác làm cho công dụng thuốc suy giảm, thậm chí gây ra nguy hiểm.
Những loại thuốc sau có thể tương tác khi dùng chung cùng Bromazepam:
- Thuốc an thần, giảm đau, gây ngủ;
- Thuốc chữa các hội chứng tâm lý;
- Thuốc dành cho bệnh nhân điều trị trầm cảm;
- Thuốc kiểm soát tần suất động kinh;
- Thuốc cho bệnh nhân cảm lạnh;
- Thuốc trị các vấn đề dị ứng;
- Thuốc làm giãn cơ;
- Thuốc gây tê, gây mê;
- Thuốc chống viêm;
- Thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc HIV;
- Thuốc sử dụng cho bệnh nhân ổn định huyết áp hoặc điều trị bệnh về tim mạch;
- Thuốc chữa triệu chứng viêm loét;
- Thuốc để điều trị cai nghiện chất kích thích chứa cồn.
7. Lưu ý cho bệnh nhân mất ngủ khi sử dụng thuốc
Các loại thuốc chữa mất ngủ đều có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Chính vì thế, sử dụng thuốc cần dựa theo nguyên nhân của bệnh mới đảm bảo hiệu quả và tránh tác dụng phụ tối đa.
Tình trạng bệnh ở mức độ nặng sẽ khó phát huy công dụng khi dùng liều thông thường. Nhưng mặt trái của thuốc khi dùng quá liều luôn gây ra tác hại nặng nề. Vì vậy nếu bệnh nhân bị căng thẳng, lo âu nên kiểm tra xác định kỹ lưỡng và dùng thuốc dưới giám sát của bác sĩ.
Như vậy thuốc ngủ Bromazepam không được tự ý sử dụng. Người bệnh nên thực hiện kiểm tra và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu bạn đang gặp các vấn đề căng thẳng hay suy nhược thần kinh hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.