Lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn là biến chứng mà không ít phụ nữ gặp phải sau quá trình sinh nở. Khi sinh con có cắt tầng sinh môn hoặc sinh mổ khiến những tế bào nội mạc tử cung nằm lại ở tầng sinh môn, thành bụng, gây ra triệu chứng đau trong mỗi chu kỳ kinh.
1. Lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn là gì?
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung (lớp lót bên trong tử cung) ở bên ngoài tử cung, gây ra phản ứng viêm, mãn tính. Lạc nội mạc tử cung có thể tìm thấy ở hầu hết các mô trong cơ thể, thường gặp ở buồng trứng, âm đạo, niệu đạo, bàng quang, túi cùng, ruột, phúc mạc,... triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí mô tổn thương, đau là triệu chứng thường gặp nhất: Thống kinh, đau khi giao hợp, đau vùng chậu, đau bụng,... đặc biệt lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh nếu không điều trị kịp thời.
Lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn hoặc thành bụng là do những tế bào nội mạc tử cung dừng lại tại tầng sinh môn khi sinh con có cắt tầng sinh môn hoặc mổ lấy thai mà dừng lại ở thành bụng, phát triển dần và to lên, gây các triệu chứng đau theo chu kỳ kinh.
2. Điều trị lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn
Mục tiêu điều trị lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn là điều trị triệu chứng, giảm đau trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau và/hoặc hỗ trợ sinh sản nếu bệnh nhân có triệu chứng vô sinh, việc điều trị còn nhằm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh, bảo tồn sinh sản, phòng ngừa tiến triển đến đau mãn tính. Tuỳ vào từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị thích hợp: điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
3. Bóc tách lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn
3.1 Chỉ định
Bóc tách lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn được chỉ định trong trường hợp khối lạc nội mạc tử cung gây đau, khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày hay tình dục.
3.2 Những trường hợp chống chỉ định
- Bệnh nhân có khối lạc nội mạc tử cung còn quá nhỏ
- Bệnh nhân đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn hoặc các bệnh về máu
- Bệnh nhân đang mang thai.
4. Bóc tách lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn được tiến hành như thế nào?
4.1 Trước khi phẫu thuật
Bệnh nhân được khám toàn thân và chuyên khoa để đánh giá tổng thể sức khỏe và phát hiện những chống chỉ định nếu có. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn kỹ về bệnh và kỹ thuật cũng như những tai biến có thể xảy ra. Sau đó, bệnh nhân được vệ sinh tại chỗ. Người bệnh được khuyến cáo nên mổ sau sạch kinh khoảng 1 tuần.
4.2 Tiến hành
Bóc lạc nội mạc tử cung tại thành bụng
- Gây tê hoặc tiền mê
- Sát khuẩn vùng phẫu thuật.
- Trải khăn vô khuẩn
- Rạch da theo đường ngang để hạn chế sẹo xấu. Rạch chiều rộng vừa đủ để bóc nang
- Dùng kéo phẫu thuật bóc tách vỏ nang xuống tận đáy (cố gắng không làm vỡ nang)
- Dùng kìm chắc kẹp cuống nang ở phần đáy, tránh chảy máu
- Khâu cầm máu kỹ cuống khối lạc nội mạc tử cung và ở thành của nang, sau đó khâu đáy và tổ chức dưới da một hoặc hai lớp tùy thuộc tổn thương. Lấy hết đáy tránh máu đọng hoặc chảy máu dưới đáy vết mổ
- Đóng da bằng khâu da mũi liền hoặc khâu da mũi rời theo thông thường bằng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tiêu
- Sát khuẩn lại vết mổ và băng lại, thay băng và cắt chỉ (nếu khâu da bằng chỉ không tiêu).
Bóc lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn
- Phẫu thuật được tiến hành sau khi bệnh nhân sạch kinh 1 tuần để chức năng đông máu trở về bình thường và xa kỳ kinh sau vì hành kinh dễ làm cho vết thương bị nhiễm khuẩn, khó liền
- Gây tê hoặc tiền mê.
- Nếu lạc nội mạc tử cung ở sâu trong lớp cơ mông hoặc vào đáy chậu hoặc trực tràng thì phải thực hiện ở phòng mổ
- Sát khuẩn âm đạo và tầng sinh môn
- Trải khăn vô khuẩn
- Rạch da theo đường ngang hoặc dọc tùy theo vị trí của lạc nội mạc tử cung để hạn chế sẹo xấu. Rạch chiều rộng vừa đủ để bóc nang
- Dùng kéo phẫu thuật bóc tách vỏ nang xuống tận đáy (cố gắng không làm vỡ nang)
- Dùng kìm chắc kẹp cuống nang ở phần đáy, tránh chảy máu
- Khâu cầm máu kỹ cuống khối lạc nội mạc tử cung và ở thành của nang, sau đó khâu đáy và tổ chức dưới da một hoặc hai lớp tùy thuộc tổn thương.
- Đóng da bằng khâu da mũi liền hoặc khâu da mũi rời theo thông thường bằng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tiêu
- Sát khuẩn lại vết mổ và băng lại
- Thay băng và cắt chỉ.
4.3 Theo dõi sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật bóc tách lạc nội mạc tử cung tại tầng sinh môn, bác sĩ sẽ theo dõi xem vết mổ có bị bầm tím, băng có bị thấm máu không, có dấu hiệu sưng đỏ do viêm nhiễm hay không, đồng thời dặn dò người bệnh vệ sinh tầng sinh môn 2 lần/ngày hoặc sau khi tiểu tiện, lau khô.
Những tai biến có thể gặp sau mổ: Chảy máu vết mổ nhiều, tụ máu, nhiễm khuẩn vết mổ, bóc lạc nội mạc tử cung ở đáy chậu hoặc sát vùng hậu môn có thể làm tổn thương đến trực tràng: thấy phân và niêm mạc đỏ. Nếu có những dấu hiệu trên, hãy lập tức báo với nhân viên y tế để được xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.