Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu và Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bóc rau nhân tạo được tiến hành khi bà mẹ sau sinh con mà rau thai vẫn còn sót lại bên trong buồng tử cung.
1. Bóc rau nhân tạo là gì?
Bóc rau nhân tạo là một thủ thuật cho tay vào buồng tử cung để lấy bánh rau còn sót trong buồng tử cung ra sau khi thai đã sổ.
Trường hợp được chỉ định bóc rau nhân tạo bao gồm:
- Rau chậm bong: Thường thì sau khi sổ thai 15 - 20 phút thì rau sẽ tự bong, nếu quá 30 phút rau không tự bong phải bóc rau.
- Khi rau còn nằm trong buồng tử cung, chảy máu trong thời kỳ sổ rau.
Chống chỉ định bóc rau nhân tạo với những trường hợp:
- Những trường hợp cần kiểm tra sự toàn vẹn của tử cung sau khi sổ thai, phải bóc rau nhân tạo ngay để kiểm soát buồng tử cung, như nghi vỡ tử cung sau khi làm thủ thuật đường dưới khó khăn (nội xoay thai, fooc-xép cao, cắt thai hoặc sẹo mổ cũ ở tử cung...).
- Trong trường hợp sản phụ đang choáng cần phải hồi sức rồi mới bóc rau nhân tạo.
2. Các bước tiến hành bóc rau nhân tạo
2.1 Chuẩn bị
Đối với bác sĩ, điều dưỡng: Trước khi làm thủ thuật, phải rửa tay, mặc áo đi găng tay vô khuẩn như trong phẫu thuật.
Đối với sản phụ: Sản phụ sẽ được các bác sĩ tư vấn và giải thích phải bóc rau để khỏi chảy máu và động viên sản phụ. Hướng dẫn thở đều, không co cứng bụng. Trước khi tiến hành thủ thuật, sản phụ phải thông tiểu, sát khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, trải khăn vô khuẩn.
Các phương tiện hỗ trợ:
- Thuốc giảm đau Dolosal 0,10g hay Fentanyl, Seduxen.
- Thuốc trợ tim, hồi sức để dùng khi cần.
Nguyên tắc bóc rau nhân tạo:
- Phải bóc bằng hai tay.
- Phải làm trong điều kiện vô trùng.
2.2 Tiến hành thủ thuật
Bước 1: Cố định đáy tử cung bằng cách đặt tay trái lên thành bụng,
Bước 2: Tay phải cho vào âm đạo, qua cổ tử cung còn mở và lần theo dây rốn đến vùng rau bám.
Bước 3: Bóc bánh rau bằng cách dùng bờ trụ của bàn tay để lách giữa thành tử cung và bánh rau. Bóc từ ngoài và từ dưới rìa bánh rau rồi vòng lên tận bờ trên bánh rau để tránh sót rau, sót màng rau.
Bước 4: Khi rau bong hết thì tay trong tử cung kéo đẩy bánh rau ra ngoài, nhưng không rút tay ra khỏi tử cung, nếu cần tay trái kéo dây rốn lấy rau ra.
Bước 5: Khi bánh rau ra ngoài phải kiểm tra cả hai mắt bánh rau: mặt màng và mặt múi.
Bước 6: Sau khi bóc rau phải tiến hành kiểm soát buồng tử cung ngay.
3. Theo dõi và xử trí sau khi bóc rau nhân tạo
3.1 Theo dõi
- Mạch, huyết áp, toàn trạng và phản ứng của sản phụ.
- Lượng máu chảy từ tử cung ra và co hồi tử cung.
3.2 Xử trí
- Sản phụ choáng do đau và sợ hãi khi cho tay vào bóc rau, do đó vấn đề hồi sức trước và sau khi bóc rau là vô cùng cần thiết.
- Trước khi làm thủ thuật, sản phụ cần sử dụng thuốc giảm đau.
- Sau khi bóc rau sử dụng thuốc co hồi tử cung.
- Cần kiểm tra lại tử cung lại để lấy hết cục máu đông và rau sót nếu tử cung vẫn không co dù đã dùng thuốc co tử cung.
- Nếu máu tiếp tục chảy trong khi tử cung co tốt, cần phải kiểm tra tổn thương ở cổ tử cung và âm đạo.
- Nếu nghi ngờ sản phụ có nhiễm khuẩn cần cho kháng sinh điều trị kịp thời.
Tóm lại, bóc rau nhân tạo cho bà mẹ sau sinh là một thủ thuật cho tay vào tử cung để bóc rau thai còn dư lại sau khi thai đã sổ. Bóc rau nhân tạo sẽ gây đau đớn cho sản phụ, vì vậy các bà mẹ cần được tư vấn và chuẩn bị tâm lý để phối hợp tốt với thủ thuật trong quá trình bóc tách. Sau khi bóc rau nhân tạo, sản phụ cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn và lượng máu chảy ra tử cung để dự phòng những biến chứng và được can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.