Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Do cơ thể của mỗi con người không thể tự sản sinh kẽm, vì vậy việc bổ sung kẽm cho cơ thể là rất cần thiết. Đối với bà mẹ mang thai nếu thiếu kẽm có nguy cơ sinh non gấp 3 lần, trẻ sinh ra nhẹ cân, chiều cao. Đối với trẻ em, thiếu kẽm trẻ sẽ chậm tăng trưởng, dễ bị suy dinh dưỡng, rối loạn sự hình thành xương, chậm dậy thì....
1. Vai trò chung của kẽm đối với cơ thể
Kẽm là một trong những vi chất rất cần thiết đối với cơ thể, bởi kẽm luôn tham gia thành phần cấu trúc tế bào, tác động đến hầu hết tất cả các quá trình sinh học trong cơ thể, hoạt hóa nhiều enzym khác nhau và tác động chọn lọc lên những quá trình tổng hợp, phân giải acid nucleic và protein, đây là những thành phần quan trọng nhất của cơ thể con người.
Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ được tăng cường nhờ kẽm bởi nó giúp hoạt hóa hệ thống miễn dịch thông qua cơ chế kích thích các đại thực bào, tăng các tế bào lympho T,... để chống nhiễm trùng.
2. Điều gì xảy ra khi cơ thể bà mẹ và trẻ em thiếu kẽm
Kẽm có trong máu bình thường sẽ ở mức 100 microgam/100ml, tuy nhiên nếu kẽm ở mức bằng hay thấp hơn 70 microgam/100ml thì được chẩn đoán là thiếu kẽm.
- Đối với bà mẹ mang thai: Kẽm giúp phân chia tế bào, nhất là trong giai đoạn bào thai, trẻ nhỏ. Một khi bà mẹ mang thai thiếu kẽm thì sẽ có nguy cơ sinh non gấp 3 lần, trẻ sinh ra nhẹ cân, chiều cao thấp hơn so với các bà mẹ mang thai bình thường.
- Đối với trẻ em: Nếu như trẻ bị thiếu kẽm sẽ dẫn đến việc trẻ sẽ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng; rối loạn sự hình thành xương dẫn đến kém về chiều cao và cân nặng; trẻ cũng có thể bị chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.
3. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết thiếu kẽm ở bà mẹ và trẻ em
Nguyên nhân:
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn: Ăn ít chất sắt nên thường sẽ dẫn đến ít kẽm; chất lượng bữa ăn kém, ăn nhiều ngũ cốc, ít thức ăn có nguồn gốc động vật là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu kẽm nên cần phải bổ sung kẽm.
- Do bệnh tật : Các bệnh lý về đường ruột, ung thư, bệnh gan mãn tính, bệnh thận mãn tính,...làm cho kẽm khó hấp thu;
- Do di truyền: Các bệnh acrodematis, cơ thể không hấp thu được kẽm, da bị nám xung quanh khuỷu tay, đầu gối, mặt, mông);
Khi bị thiếu kẽm, cơ thể con người sẽ không thể tạo ra các tế bào mới khỏe mạnh, nên sẽ dẫn đến các triệu chứng như sau:
- Tự nhiên giảm cân bất thường
- Vết thương khó lành
- Tổn thương mắt và da, niêm mạc
- Giảm chức năng khứu giác và vị giác
- Chức năng hệ thống miễn dịch bị suy giảm
- Rụng tóc, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp
- Các vết thương như bỏng, vết loét chậm lành
- Viêm lưỡi, loạn dưỡng móng, rụng tóc, rụng lông
- Thiếu tỉnh táo
- Ăn không ngon
- Chậm phát triển
4. Cách bổ sung kẽm cho bà mẹ và trẻ em
Bổ sung đủ kẽm, trẻ thấp lùn có thể đạt chiều cao bình thường (chứ chưa hẳn đạt chiều cao lý tưởng vì còn nhiều yếu tố khác kể cả di truyền). Bổ sung đủ kẽm (dĩ nhiên cần phối hợp các biện pháp khác), trẻ suy dinh dưỡng sẽ sớm được cải thiện.
4.1. Liều lượng bổ sung cho bà mẹ và bé
Liều lượng hằng ngày phù hợp để bổ sung kẽm cho mẹ bé như sau:
- Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh 0 - 6 tháng tuổi: 2 mg/ngày;
- Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh 7 - 11 tháng tuổi: 3 mg/ngày
- Bổ sung kẽm cho bé từ 1 - 3 tuổi: 3 mg/ngày;
- Bổ sung kẽm cho trẻ em 4 - 8 tuổi: 5 mg/ngày;
- Bổ sung kẽm cho trẻ em 9 - 13 tuổi: 8 mg/ngày;
- Bổ sung kẽm cho phụ nữ mang thai: 11- 12 mg/ngày;
- Bổ sung kẽm cho mẹ đang cho con bú: 12 - 13 mg/ngày
4.2. Cách bổ sung kẽm đúng cách cho bà mẹ và bé
Bà mẹ và trẻ bổ sung kẽm đúng cách theo phương pháp sau đây:
- Bổ sung kẽm bằng thuốc: Nếu bạn đang thiếu kẽm nên bổ sung các thuốc có chứa kẽm như gluconat kẽm hay sulfat kẽm. Bạn nên uống sau ăn 30 phút và bổ sung kẽm trong thời gian 2-3 tháng.
Lưu ý: Phải chữa các bệnh gây thiếu kẽm trước khi bổ sung và khi dùng kẽm nên dùng thêm vitamin C, A, B6 và phospho vì các vitamin này làm tăng sự hấp thu kẽm. Nếu dùng thêm sắt thì dùng cách xa nhau, dùng kẽm trước rồi mới dùng sắt, bởi sắt làm cản trở sự hấp thu kẽm.
- Bổ sung kẽm bằng ăn uống: Bổ sung kẽm cho bà mẹ và bé bằng chế độ ăn đa dạng thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày. Chọn thức ăn giàu kẽm như sữa, một số chế phẩm chứa vitamin muối khoáng, rau xanh, hoa quả, tôm, cua, hàu, cá... Tuy nhiên, cần ăn cân đối giữa thức ăn động vật và thực vật. Có thể bổ sung thêm giá đỗ, dưa chua lên men trong bữa ăn vì các thức ăn này có quá trình làm tăng hàm lượng vitamin C và giảm axit phytic trong thực phẩm nên sẽ làm tăng hấp thu sắt và kẽm từ khẩu phần ăn.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung kẽm hợp lý là biện pháp tốt nhất phòng chống thiếu kẽm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nên cho con bú trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi. Tìm hiểu thêm về dinh dưỡng nuôi con bằng sữa mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.