Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Chuyên viên Âm ngữ trị liệu - Âu Thị Hoa - Trung tâm Y học tái tạo & Trị liệu tế bào - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Cha mẹ chính là người theo sát quá trình phát triển của con. Với mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có những cột mốc quan trọng riêng, đánh dấu sự phát triển của từng giai đoạn đó. Vậy nên, không ít lần cha mẹ sẽ băn khoăn: Ở tuổi này, trẻ đã có thể làm gì? Cần mua đồ chơi gì cho trẻ, cho trẻ tham gia hoạt động gì để trẻ phát triển toàn diện? Trẻ đã chơi được bộ này chưa? Tại sao trẻ lại không thích bộ đồ chơi mới này?
Với chuỗi bài chia sẻ theo lứa tuổi, bài viết này sẽ đem đến cho các bố mẹ câu trả lời cho những câu hỏi trên.
1. Đặc điểm phát triển trẻ từ 1-2 tuổi
Phát triển ngôn ngữ
Trẻ 12 tháng tuổi đã có những từ đơn đầu tiên. Ngôn ngữ hiểu của trẻ cũng phát triển nhanh chóng so với ngôn ngữ diễn đạt. Trẻ hiểu được các yêu cầu từ một đến hai mệnh lệnh đơn giản quen thuộc như đi chơi, lấy đồ vật, đóng cửa, ăn cơm,.... Đến 18- 24 tháng thì trẻ cũng sử dụng được khoảng 50-100 từ đơn khác nhau. Đến mốc 24 tháng thì trẻ đã bắt đầu nói được cụm 2-3 từ.
Phát triển thể chất
Trong giai đoạn này, hầu hết trẻ đã có thể bước đi những bước đầu tiên, một số trẻ có thể tập đi sớm hơn từ khoảng 10 tháng tuổi. Đi là một thay đổi quan trọng và cần thiết cho trẻ, là nền tảng cho các hoạt động vận động khác như chạy, đá bóng, bước lên xuống cầu thang, leo trèo trong giai đoạn này.
Phát triển vận động tinh
Trẻ ở giai đoạn 12-24 tháng đã có thể xếp chồng 3-5 khối hình lên nhau mà không làm đổ. Các ngón tay của trẻ đã cử động linh hoạt hơn và có thể thực hiện lật, mở các trang sách một cách dễ dàng. Một số trẻ đã có thể sử dụng thìa, dĩa tương đối khéo léo. Ngoài ra, trẻ cũng đã có thể cầm bút vẽ đường thẳng.
Phát triển nhận thức
Trong giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ có thể nhận biết được các đồ vật quen thuộc trong gia đình bằng hình ảnh và đồ vật thật. Bên cạnh đó, trẻ đã có nhận thức ban đầu về hình khối và màu sắc. Trẻ có khả năng ghi nhớ các sự việc đã xảy ra trong khoảng 3-10 ngày trước đó. Trẻ đã có thể đếm đến 3. Đồng thời, trẻ cũng có khả năng bắt chước một số động tác phối hợp tay- chân đơn giản.
Phát triển tâm lý
Ở giai đoạn này, trẻ có mong muốn tự mình làm mọi việc. Đồng thời, trẻ có xu hướng quan sát và bắt chước các hành vi của người lớn trong gia đình. Trẻ cũng muốn thể hiện bản thân mình nhiều hơn nên đôi lúc sẽ xuất hiện những biểu hiện cảm xúc của sự tự tin hay sự thất vọng, chán chường .
Trên đây là một số đặc điểm nổi bật về phát triển của trẻ trong giai đoạn 1-2 tuổi. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể độc lập và phát triển khác nhau.
2. Lựa chọn đồ chơi
Sách
Sách luôn là một người bạn mà bố mẹ có thể dành cho con ở bất cứ lứa tuổi nào. Ở giai đoạn này, sách dành cho trẻ nên có màu sắc tươi sang, hình ảnh to, gần gũi với đời sống thực tế, các nội dung thì gần gũi như chuyện vệ sinh cá nhân, chào hỏi,....Để kích thích sự tập trung chú ý của trẻ đang độ tuổi khám phá này, bố mẹ có thể lựa chọn các sách có âm thanh, sách chiếu bóng, sách chuyển động, sách lật mở. Điều này sẽ thu hút sự chú ý của trẻ theo từng trang sách.
Hộp bất ngờ
Đây là một bộ đồ chơi phù hợp trẻ ở nhiều lứa tuổi. Với những nút bấm to khuyến khích các vận động như nhấn, đẩy, xoay tròn sẽ giúp trẻ phát triển sự khéo léo của hai bàn tay. Sự xuất hiện bất ngờ của các con vật sau mỗi thao tác tay của trẻ tạo cho con sự thích thú cũng đồng thời khuyến khích trẻ biết tìm kiếm các đồ vật bị giấu đi. Đây cũng là một hoạt động chơi bố mẹ có thể dạy con nhận biết về con vật.
Hộp thả hình
Với lứa tuổi này, trẻ đã có nhận thức ban đầu về hình khối, cha mẹ có thể bắt đầu giới thiệu với con các hình tròn, hình vuông, hình tam giác bắt đầu từ các thẻ hình hay hình khối trong các bộ đồ chơi. Hộp thả hình vừa giúp trẻ phát triển vận động tinh vừa hỗ trợ trẻ nhận biết về các hình khối.
Bộ xếp hình bằng gỗ
Đồ chơi gỗ thường chắc chắn và có tính an toàn cao. Với bộ xếp hình này, trẻ có thể chơi xếp chồng các khối lên nhau, bước đầu chơi khám phá bằng cách gõ, đập, cầm, nắm.
Đồ chơi âm nhạc
Âm nhạc luôn có mang đến sự hứng thú cho trẻ ở bất cứ lứa tuổi nào. Để thu hút sự tập trung chú ý của trẻ, đồng thời phát triển vận động tinh và khuyến khích trẻ cảm thụ âm nhạc trong giai đoạn sớm, bố mẹ có thể giới thiệu với trẻ một số đồ chơi âm nhạc chạy pin, đàn gõ, castanets (hình minh họa),....
Ngoài những gợi ý trên, cha mẹ cũng có thể lựa chọn cho con các đồ chơi khác như bộ lego bằng nhựa( cỡ to), thẻ tranh, thả bóng,...Những bộ đồ chơi cần đảm bảo làm từ các nguyên liệu an toàn với trẻ, có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế các chi tiết nhỏ. Và hy vọng là trong quá trình chơi của con sẽ luôn có sự đồng hành của bố mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.