Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Hiện nay, thị trường bình sữa trẻ em vô cùng đa dạng với nhiều loại bình sữa, bao gồm bình sữa bằng nhựa, bình sữa thủy tinh, bình sữa silicon..., song phần lớn người dùng ưa chuộng sử dụng bình sữa nhựa. Vậy, bình sữa bằng nhựa liệu có an toàn cho trẻ hay không?
1. Sử dụng bình sữa nhựa có an toàn cho trẻ?
Hầu hết, các sản phẩm từ nhựa đều có chứa BPA. Bisphenol A (BPA) là một hóa chất đã được sử dụng trong các sản phẩm nhựa polycarbonate và các sản phẩm được làm từ nhựa epoxy trong nhiều thập kỷ để làm cứng nhựa, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm và chống gỉ. Mặc dù có rất ít dữ liệu khoa học về tác động của BPA đối với sức khỏe, nhưng kết quả từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó không an toàn.
Nếu sử dụng bình sữa bằng nhựa có chứa BPA sẽ không đem lại an toàn cho trẻ. Chính vì vậy vào năm 2012, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm BPA trong quy trình sản xuất các bình sữa và cốc sippy dành cho trẻ em. BPA cũng từng xuất hiện trong bao bì sữa công thức cho trẻ em, tuy nhiên vào năm 2013, FDA quyết định cấm sử dụng BPA trong bao bì sữa công thức, hiện nay các nhà sản xuất đã ngừng sử dụng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết mức độ phơi nhiễm của con người với BPA đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng cần loại bỏ BPA ra khỏi các sản phẩm tiêu dùng như như hộp đựng thực phẩm, bộ đồ ăn bằng nhựa và bao bì thực phẩm vẫn được sản xuất bằng BPA.
2. Tác hại của BPA trong bình sữa nhựa
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy BPA có thể gây ảnh hưởng đến các hormone kiểm soát sự phát triển của não, hệ thống sinh sản và hệ thống miễn dịch. Thí nghiệm ở chuột cho thấy, việc tiếp xúc với BPA có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, giảm số lượng tinh trùng và giảm khả năng sinh sản. Phơi nhiễm với BPA cũng có liên quan đến tình trạng béo phì, tiểu đường và dậy thì sớm.
Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã tập hợp các chuyên gia xem xét 700 nghiên cứu được công bố về BPA. Họ phát hiện ra rằng mức BPA ở người cao hơn mức gây ra tác dụng phụ trong các nghiên cứu trên động vật.
3. Phòng tránh tiếp xúc BPA cho trẻ bằng cách nào?
Để tránh những tác động do BPA gây ra, tốt nhất là tránh tiếp xúc trực tiếp khi không cần thiết với các hóa chất này và lựa chọn các phương pháp thay thế phù hợp.
Nếu mẹ lo lắng về việc trẻ tiếp xúc với BPA có trong bình sữa bằng nhựa và các hóa chất khác, mẹ có thể lựa chọn các giải pháp sau:
- Cho trẻ bú sữa mẹ nếu có thể: Điều này sẽ giúp trẻ tránh được hóa chất trong bình sữa. Nếu bạn không thể cho con bú , hãy làm theo các hướng dẫn dưới đây để chọn bình sữa.
- Nếu bạn cho bé bú bình, hãy tránh bình sữa bằng nhựa và chọn bình làm bằng thủy tinh.
- Nếu bạn chọn sử dụng bình nhựa, nên tránh những bình sữa bằng nhựa có mã tái chế 3, 6 và 7. Để làm sạch an toàn, hãy sử dụng miếng bọt biển không ăn mòn hoặc bàn chải bình sữa, cọ rửa bằng nước ấm, xà phòng và rửa sạch.
- Để làm ấm bình sữa bằng nhựa cho trẻ bú, hãy đặt bình sữa vào một bát nước ấm hoặc để dưới vòi nước ấm.
- Vứt bỏ bình sữa trẻ em và cốc sippy chuyển sang màu đục hoặc bị xước hoặc nứt. Bình sữa bị mòn có thể giải phóng hóa chất một cách dễ dàng hơn.
Để tiết kiệm thời gian pha sữa, làm ấm bình sữa cho bé và vẫn đảm bảo không chứa PBA, mẹ có thể tham khảo sử dụng các loại bình đun nước thông minh trên thị trường, ví dụ loại bình đun nước thông minh Moaz BéBé MB - 002. Bên cạnh 1 số tính năng nổi trội như đun sôi nước nhanh chóng sau 4 phút, khử clo tự động 2 phút, giữ nhiệt theo mong muốn 24h; bình nước được thiết kế dạng bình thủy tinh Borosilicate cao cấp, an toàn, không chứa PBA, an toàn cho trẻ.
Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện để giảm tiếp xúc với BPA và các hóa chất khác trong gia đình:
- Tránh sử dụng hộp nhựa và bao bì thực phẩm.
- Không cho bát đĩa nhựa hoặc hộp đựng thực phẩm vào lò vi sóng hoặc máy rửa bát, và không rửa chúng bằng chất tẩy rửa mạnh. Chất tẩy rửa có tính ăn mòn và nhiệt cao có thể làm hỏng nhựa, khiến các hóa chất được giải phóng nhiều hơn.
- Dùng khăn giấy hoặc đĩa sứ thay vì dùng màng bọc thực phẩm để làm nóng trong lò vi sóng.
- Khi mua hộp nhựa và bao bì thực phẩm như màng bọc thực phẩm, hãy kiểm tra đáy hộp và tránh những đồ có mã tái chế sau: 3 (có thể chứa phthalates), 6 (có thể chứa chất độc styrene) và 7 (có thể chứa BPA) trừ khi được dán nhãn là "biobased" hoặc "greenware".
- Tiêu thụ thực phẩm từ nhiều nguồn khác nhau để không phụ thuộc vào đồ đóng hộp. (Hầu hết hàng hóa đóng hộp đều có lớp lót chứa BPA.)
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com