Biểu hiện ngoài đường tiêu hóa của bệnh viêm loét đại tràng chảy máu

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh lý viêm ruột mãn tính tác động đến đại tràng với cơ chế bệnh sinh chưa thật sự rõ ràng. Bệnh có các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa như tổn thương da, viêm mủ hoại thư da, tổn thương khớp,...

1. Cơ chế bệnh sinh

Cho đến nay, mặc dù cơ chế bệnh sinh của viêm loét đại trực tràng chảy máu chưa thật sự rõ ràng nhưng giả thuyết được đề cập đến nhiều nhất là tình trạng bệnh lý do nhiều yếu tố phối hợp tạo ra bao gồm yếu tố di truyền, môi trường, hệ vi sinh đường ruột tác động dẫn đến các đáp ứng viêm không phù hợp.

2. Các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

2.1. Tổn thương da

Cũng giống như trong Crohn, các tổn thương da hay gặp trong viêm loét đại trực tràng chảy máu bao gồm hồng ban nút và viêm mủ hoại thư da.

2.1.1. Hồng ban nút

Hồng ban nút là dạng tổn thương da hay gặp trong bệnh viêm ruột, tỉ lệ gặp trong Crohn ước tính là 15% và trong viêm loét đại trực tràng chảy máu là 10%. Sự xuất hiện của tổn thương da này có thể liên quan đến mức độ hoạt động của bệnh viêm ruột.

Trên da bệnh nhân thường xuất hiện các nốt xung huyết, mềm, kích thước 1-5cm, đối xứng hai bên ở vùng đầu gối, cẳng chân, mắt cá, ít gặp ở chi trên. Các nốt này thường không loét. Về tiến triển, các nốt thường biến mất sau 2 - 6 tuần hoặc lâu hơn mà không để lại sẹo.


Tỉ lệ gặp hồng ban nút trong viêm loét đại trực tràng chảy máu là 10%
Tỉ lệ gặp hồng ban nút trong viêm loét đại trực tràng chảy máu là 10%

2.1.2. Viêm mủ hoại thư da

Đây là bệnh lý tổn thương da không thường gặp với đặc trưng là tình trạng viêm da do thâm nhiễm bạch cầu đa nhân với các tổn thương loét lan rộng, tiến triển nhanh và gây đau nhiều. Tỷ lệ mắc hàng năm ước tính là 3-10 triệu người trong đó 50% các bệnh nhân mắc có các bệnh lý hệ thống. Khoảng 1⁄3 bệnh nhân có tổn thương da này mắc bệnh viêm ruột trong đó viêm loét đại trực tràng chảy máu có tỉ lệ gặp phổ biến hơn so với Crohn.
Có nhiều thể của chứng mủ hoại thư bao gồm: Thể điển hình, thể mụn mủ, thể viêm mủ niêm mạc, thể nốt phỏng rộp và thể u hạt bề mặt.
Đối với bệnh nhân bệnh viêm ruột, thể điển hình thường có biểu hiện tạo thành các vết loét ở ngay xung quanh vùng hậu môn nhân tạo hoặc các vết mổ đưa quai ruột ra ngoài da. Các tổn thương này có thể tồn tại từ một vài tháng đến hàng năm và đáp ứng với điều trị bôi corticosteroid tại chỗ.

Thể mụn mủ trên da hay gặp ở bệnh nhân bệnh viêm ruột giai đoạn hoạt động với các nốt mụn mủ riêng biệt, vô khuẩn, có kích thước thường từ 0,5 - 2cm với các quầng đỏ xung quanh. Bệnh nhân hay có thêm các triệu chứng khác như sốt và đau khớp. Mức độ nặng của tổn thương da có liên quan đến mức độ hoạt động của bệnh lý bệnh viêm ruột. Do vậy khi điều trị được ổn bệnh lý đường ruột, các tổn thương da cũng cải thiện.

Thể viêm mủ niêm mạc khá hiếm gặp nhưng lại hay xuất hiện ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu với đặc trưng là các nốt mủ ở niêm miệng, mũi, quanh mắt, âm đạo. Khi vỡ các nốt mủ này sẽ tạo thành các vết trợt hoặc loét.

Bảng phân loại các thể của viêm mủ da hoại thư

Mức độ Đặc điểm
Điển hình Các vết loét trên da với ranh giới không rõ, gây đau nhiều, thường thấy ở chi dưới. Ở bệnh nhân bệnh viêm ruột, có thể gặp tổn thương quanh vùng miệng nối đưa quai ruột ra ngoài da
Mụn mủ Các nốt mụn mủ riêng biệt, vô trùng, bệnh nhân có thể kèm đau khớp, sốt. Có liên quan đến bệnh viêm ruột. Sự xuất hiện của tổn thương da liên quan đến mức độ nặng của bệnh lý nền
Viêm mủ niêm mạc Tổn thương ở các niêm mạc, hay gặp trong viêm loét đại trực tràng chảy máu
Nốt phỏng rộp Các nốt phỏng rộp, mụn nước gây đau. Ít gặp trong bệnh viêm ruột, hay gặp trong các bệnh máu ác tính
U hạt bề mặt Tổn thương khu trú, thường không liên quan đến các bệnh lý khác

2.2. Tổn thương khớp

Có từ 25 - 40% bệnh nhân bệnh viêm ruột có tổn thương ngoài đường tiêu hóa, trong đó tổn thương khớp gặp khá đa dạng: 5 - 20% có tổn thương viêm khớp ngoại vi;1-26% có tổn thương viêm đốt sống và 24% số bệnh nhân có viêm khớp cùng chậu nhưng không có triệu chứng (phát hiện trên phim chụp CHT). Tổn thương khớp mặc dù hay gặp trong Crohn hơn nhưng một số nghiên cứu ở cộng đồng đã ghi nhận tỉ lệ tổn thương khớp ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu dao động từ 15 - 21%.

Phân loại tổn thương khớp trong các bệnh lý bệnh viêm ruột đã được đề cập chi tiết trong bài bệnh Crohn bao gồm các thể chính: Viêm cột sống, viêm khớp ngoại vi type, type II.

Type có đặc trưng là tổn thương cấp tỉnh, ảnh hưởng tới < 5 khớp trong đó có một khớp lớn, chịu lực chủ yếu. Type I hay gặp ở những bệnh nhân TBD đang ở giai đoạn bệnh hoạt động và có biểu hiện khác ngoài đường tiêu hóa (hồng ban nút, viêm màng bồ đào...).

Type II thường gặp ở nhiều khớp, không phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh lý viêm ruột. Trong một nghiên cứu mô tả cắt ngang có cỡ mẫu tương đối lớn trên 976 bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu, tỉ lệ bệnh nhân có tổn thương khớp ngoại vi type I là 3,6%, type II là 2,5%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với các kết quả nghiên cứu từ cộng đồng do trong tiêu chuẩn loại trừ đã không lựa chọn những bệnh nhân có triệu chứng đau cơ xương khớp.

2.3. Tổn thương mắt

Cũng giống như trong Crohn, có thể gặp các tổn thương mắt ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu với các thể điển hình bao gồm: Viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc, viêm màng bồ đào. Hiếm hơn có thể gặp viêm dây thần kinh thị hoặc viêm mạch giác mạc.

Tìm hiểu rõ hơn các tổn thương mắt, các biểu hiện ở mắt do bệnh viêm loét đại tràng chảy máu gây ra trong bài viết sau đây.

XEM THÊM: Biểu hiện ở mắt của bệnh viêm loét đại tràng chảy máu


Tổn thương mắt thường gặp là viêm màng bồ đào, viêm củng mạc, viêm thượng củng mạc
Tổn thương mắt thường gặp là viêm màng bồ đào, viêm củng mạc, viêm thượng củng mạc

2.4. Viêm xơ đường mật tiên phát

Viêm xơ đường mật tiên phát là bệnh lý mạn tính, tiến triển của đường mật với đặc trưng là sự xơ hóa gây hẹp đường mật từ đó dẫn tới xơ gan. Năm 1874, chỉ 7 năm sau khi viêm xơ đường mật tiên phát được định nghĩa, CH Thomas lần đầu tiên đề cập đến mối liên quan giữa viêm xơ đường mật tiên phát với viêm loét đại trực tràng chảy máu, khi mô tả một trường hợp tử vong với sự xuất hiện của cả hai bệnh lý này.
Trong các nghiên cứu chùm ca bệnh tại khu vực Bắc Âu và Bắc Mỹ, tỉ lệ đồng mắc bệnh viêm ruột ở bệnh nhân viêm xơ đường mật tiên phát dao động từ 60 - 80%, trong đó chủ yếu là viêm loét đại trực tràng chảy máu với tỉ lệ khoảng 85%. Bệnh viêm ruột thường được chẩn đoán trước viêm xơ đường mật tiên phát một vài năm và điểm đặc biệt là kể cả ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng ghép gan vẫn có nguy cơ tiến triển bệnh viêm ruột. Do vậy đối với tất cả những trường hợp viêm xơ đường mật tiên phát mới được chẩn đoán, đều cần được nội soi đại tràng và sinh thiết kể cả khi chưa có các triệu chứng đường tiêu hóa.

Một số nghiên cứu ghi nhận tiến triển của viêm loét đại trực tràng chảy máu ở nhóm bệnh nhân viêm xơ đường mật tiên phát có xu hướng lành tính hơn mặc dù tỷ lệ tổn thương toàn bộ đại tràng cao hơn.
Ngược lại, tỉ lệ viêm xơ đường mật tiên phát ở nhóm bệnh nhân bệnh viêm ruột chưa có dữ liệu đầy đủ để có chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần được chụp đường mật. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, ước tính khoảng 5% bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu đồng mắc viêm xơ đường mật tiên phát và trong quá trình theo dõi, tiến triển và mức độ nặng của hai bệnh lý này có vẻ như là độc lập. Việc chẩn đoán viêm xơ đường mật tiên phát dựa vào các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm, đặc điểm trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết gan.

2.5. Các biểu hiện về huyết học

2.5.1. Thiếu máu

Thiếu máu hay gặp trong bệnh viêm ruột, do vậy trong các khuyến cáo đều nhắc đến việc theo dõi hemoglobin định kỳ 6 tháng/lần khi bệnh nhân ở giai đoạn ổn định và 3 tháng/lần nếu bệnh nhân đang trong giai đoạn tiến triển bệnh. Thiếu máu do thiếu sắt hoặc do mắc bệnh lý mạn tính gặp chủ yếu ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu. Thiếu máu do thiếu vitamin B12, folate ít gặp hơn; thiếu máu do sử dụng các thuốc ức chế tủy xương cần được chú ý ở những bệnh nhân sử dụng sulfasalazine hoặc thiopurine. Thiếu máu do tan máu tự miễn hoặc rối loạn tăng sinh tủy hiếm gặp.

2.5.2. Hình thành huyết khối

Ở bệnh nhân bệnh viêm ruột có tình trạng tăng đông do nhiều yếu tố: Tình trạng viêm cấp/mạn tính làm tăng tiền chất của các yếu tố đông máu (fibrinogen, yếu tố V, VIII, IX), giảm các yếu tố chống đông (protein C, S, antithrombin III), tăng ngưng tập tiểu cầu... Ngoài ra những bệnh nhân sau phẫu thuật bị hạn chế đi lại một thời gian cũng góp phần làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân bệnh viêm ruột tăng gấp 8,4 lần trong vòng 120 ngày khi có đợt bùng phát các triệu chứng tiêu hóa cần điều trị steroid.

3. Tiến triển

Tiến triển của viêm loét đại trực tràng chảy máu phụ thuộc vào phương thức điều trị. Trong một nghiên cứu cộng đồng, thời gian trung bình bệnh nhân có triệu chứng trước, cắt đại tràng trong năm đầu. Nếu không điều trị, hơn 90% bệnh nhân có các đợt bệnh tái phát các triệu chứng dai dẳng. Có khoảng một phần ba số bệnh nhân viêm loét toàn bộ đại tràng phải phẫu thuật cũng như gần 30% bệnh nhân điều trị corticosteroid sẽ phải phẫu thuật trong năm tiếp theo. Tỉ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này không có sự khác biệt so với tỉ lệ trong cộng đồng.

Cho tới nay, chưa có thuốc đặc trị khỏi bệnh hoàn toàn viêm loét đại trực tràng chảy máu. Chỉ có thể điều trị giúp hạn chế bệnh, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress và cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.

Ngay khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm để được điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng. Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, cùng với trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, bạn đọc có thể tin tưởng lựa chọn làm điểm đến để khám và điều trị cho bản thân và gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: NagreF, Gionchetti PR, Eliakim R., De Dombal F.T. (1968), Ulcerative colitis: definition, historical background, aetiology, diagnosis, naturel history and local complications, Postgrad Med, Crohn B.B. (1962). An historic note on ulcerative colitis. Gastroenterology

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe