Dị vật tiêu hóa là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong độ tuổi 6 tháng - 5 tuổi vì bản tính tò mò, hiếu động. Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện khi bé nuốt phải dị vật trong sinh hoạt hàng ngày để phát hiện và có hướng xử trí kịp thời.
1. Dị vật tiêu hóa ở trẻ
Dị vật tiêu hóa là những dị vật mà trẻ nuốt phải trong lúc vui chơi, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Trẻ thường vô tình nuốt phải các dị vật tiêu hóa như:
- Đồng xu: Đây là dị vật tiêu hóa gặp phổ biến nhất ở trẻ hóc dị vật.
- Pin: Các loại pin kích thước nhỏ như pin cúc áo thường được sử dụng trong đồ chơi trẻ em là những dị vật tiêu hóa cực kỳ nguy hiểm khi trẻ nuốt phải.
- Nam châm: Nam châm cũng là 1 trong những dị vật mà trẻ có thể nuốt phải.
- Các loại vật dụng, đồ chơi nhỏ: Các đồ chơi kích thước nhỏ hay các vật dụng như kim băng, kẹp tóc,... có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng hóc dị vật ở trẻ.
- Xương cá, xương gà,...: Xương cá hay xương của các loại thức ăn khác là dị vật tiêu hóa thường gặp nhất liên quan đến thức ăn. Sự bất cẩn, chủ quan trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị hóc dị vật.
- Các loại thức ăn khác: Những thức ăn cứng, tạo bã hoặc chưa được trẻ nhai kỹ trong khi ăn như: cục thịt, búi rau, miếng hoa quả, hạt trái cây,... cũng là những dị vật tiêu hóa có thể gặp ở trẻ.
Dị vật tiêu hóa thường là sự cố do trẻ vô tình nuốt phải. Tuy nhiên, một số trẻ mắc bệnh lý tâm thần kinh (như thiểu năng trí tuệ,...), trẻ có thể chủ động nuốt các dị vật nguy hiểm mà phụ huynh phải hết sức cảnh giác.
2. Biểu hiện khi bé nuốt phải dị vật
Trẻ nuốt phải dị vật biểu hiện triệu chứng đa dạng tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn của dị vật trên đường tiêu hóa. Phụ huynh hoặc những người xung quanh có thể chứng kiến trẻ nuốt phải dị vật, hoặc tình trạng này được phát hiện khi trẻ nói rằng bị hóc một loại dị vật nào đó. Vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn trẻ bị hóc dị vật mà không ai biết cho đến khi trẻ biểu hiện triệu chứng. Khoảng 75% trẻ hóc dị vật biểu hiện triệu chứng tắc nghẽn ngang mức cơ thắt thực quản trên.
2.1. Dị vật vùng hầu họng
Khoảng 60% dị vật tiêu hóa bị mắc lại tại vùng hầu họng khi trẻ nuốt phải. Trẻ thường có cảm giác khó chịu với các mức độ từ nhẹ đến nặng, đôi khi có thể cảm giác rõ ràng vị trí mà dị vật bị mắc lại. Một số trẻ biểu hiện triệu chứng chảy nước dãi hoặc khả năng nuốt bị hạn chế. Dị vật lớn khi mắc lại tại ngã ba hầu họng có thể gây bít tắc đường thở, dị vật nhỏ hơn có thể từ hầu họng đi vào thanh quản, khí quản gây khó thở nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ hóc dị vật bị mắc lại tại vùng hầu họng nếu không được phát hiện sớm và dị vật tiêu hóa vẫn còn tồn tại sau 1 thời gian có thể dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí là thủng loét tại vị trí này.
2.2. Dị vật thực quản
Dị vật tiêu hóa bị mắc lại tại thực quản thường ít biểu hiện triệu chứng ở trẻ. Dị vật có thể khiến trẻ khó nuốt, buồn nôn và nôn khan,... Đối với tình trạng tắc nghẽn thực quản không hoàn toàn, trẻ có thể ăn kém, chậm tăng cân, viêm phổi tái diễn,... nếu dị vật không được phát hiện và xử trí kịp thời. Còn trong những trường hợp tắc nghẽn thực quản hoàn toàn do dị vật tiêu hóa, trẻ thường có tình trạng tăng tiết nước bọt. Khác với dị vật vùng hầu họng, trẻ hóc dị vật bị nghẽn tại thực quản thường khó cảm nhận được vị trí cụ thể của dị vật trong đường tiêu hóa.
2.3. Dị vật dưới thực quản
Tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của dị vật sau khi đi qua thực quản mà trẻ có thể biểu hiện những triệu chứng khác nhau như: Khó chịu, chướng bụng, sốt, nôn mửa, đại tiện phân đen hoặc lẫn máu. Đặc biệt, dị vật tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng của tắc ruột, thủng ruột hoặc xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
3. Tiến triển và biến chứng của dị vật tiêu hóa ở trẻ
Nhìn chung, trẻ nuốt phải dị vật thường có tiên lượng tốt và ít để lại di chứng. Phần lớn dị vật tiêu hóa dễ dàng qua họng và xuống thực quản, dạ dày nhờ phản xạ nuốt tức thì của trẻ. Sau đó, dưới tác động của nhu động ruột, dị vật sẽ di chuyển theo ống tiêu hóa và được đào thải theo phân sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ nuốt phải dị vật có thể gặp phải biến chứng trước mắt hoặc về sau, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.
- Bít tắc đường thở: Dị vật tiêu hóa ở ngã ba hầu họng có thể gây bít tắc đường thở hoặc rơi vào thanh - khí - phế quản gây nên triệu chứng khó thở, suy hô hấp. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ nuốt phải dị vật, mà đôi khi chỉ 1 sự chậm trễ có thể ảnh hưởng tính mạng.
- Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và các cơ quan lân cận: Nếu trẻ nuốt phải dị vật sắc nhọn thì có nguy cơ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa: Xước, rách, nhiễm trùng, hoại tử,... Biến chứng nguy hiểm nhất trong trường hợp này là dị vật thực quản đâm vào động mạch chủ có thể dẫn đến tử vong tức thì. Ngoài ra, dị vật cũng có thể gây các biến chứng khác lên niêm mạc đường tiêu hóa và các cơ quan lân cận tùy vị trí tắc nghẽn như: nhiễm trùng mô mềm vùng hầu họng, áp-xe thành sau họng; hoại tử thực quản, áp-xe cạnh thực quản, viêm trung thất, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, viêm màng ngoài tim, dò thực quản - khí quản, thủng dạ dày, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, áp-xe ống tiêu hóa, áp xe ổ bụng, viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết,...
- Một biến chứng khác có thể gặp sau khi trẻ nuốt phải dị vật là tình trạng tắc ruột. Dị vật tiêu hóa có thể gây tắc nghẽn tại một vị trí nào đó trong ống tiêu hóa của trẻ gây nên các triệu chứng như: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, bí trung tiện, bí đại tiện và chướng bụng,...
- Một số dị vật tiêu hóa còn giải phóng các chất độc như pin, đồ chơi có thủy ngân,... gây ngộ độc, nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
4. Cần làm gì khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật?
Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật trong các trường hợp sau:
- Trẻ có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở: Trẻ nuốt phải dị vật cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức khi có dấu hiệu suy hô hấp, tắc nghẽn đường thở, chảy nước dãi,... nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
- Trẻ có dấu hiệu tắc nghẽn đường tiêu hóa trên hoặc các biến chứng nguy hiểm khác do dị vật như nhiễm trùng, thủng ruột, xuất huyết,...: Các trường hợp này cũng cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
- Trẻ nuốt phải dị vật nguy hiểm: Phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải các dị vật nguy hiểm như: pin cúc áo hay các loại pin khác, nam châm, gói chống ẩm, dị vật chứa chì hay dị vật chứa các thành phần độc hại khác, dị vật sắc nhọn, dị vật có đường kính ≥ 20mm hoặc dài ≥ 50mm, dị vật tồn tại trong dạ dày mà chưa được đào thải sau 2-4 tuần.
- Trẻ xuất hiện triệu chứng sau khi nuốt dị vật: Sau khi nuốt phải dị vật, nếu trẻ có biểu hiện triệu chứng thì cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, đánh giá tình trạng dị vật.
- Trẻ có tiền sử bệnh lý ống tiêu hóa, thần kinh: Trẻ có bất thường cấu trúc ống tiêu hóa (hẹp thực quản, hẹp tá tràng, tiền sử phẫu thuật ống tiêu hóa) hoặc mắc các bệnh lý khác như viêm thực quản tăng bạch cầu acid, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh lý tâm thần kinh,... dễ bị ảnh hưởng bởi dị vật hơn các trẻ khác, do đó cần đưa trẻ đến bệnh viện khi phát hiện trẻ nuốt phải dị vật ngay cả khi trẻ không có triệu chứng hay dấu hiệu bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.