Các phản ứng dị ứng dầu dừa hoặc dị ứng dừa tương đối hiếm. Tình trạng này thường xảy ra với các biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban hoặc thậm chí là sốc phản vệ.
1. Tìm hiểu về tình trạng dị ứng dừa và dầu dừa
Dừa là loài cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, có giá trị kinh tế lớn. Lớp xơ của vỏ dừa được dùng để làm dây thừng hoặc chiếu, phần thịt màu trắng bên trong quả dừa có thể ăn được, nước dừa có thể uống được. Ngoài ra, các sản phẩm chiết xuất từ dừa cũng được thêm vào nhiều loại thực phẩm (bánh ngọt), một số loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hoặc dùng trong mỹ phẩm.
Dừa là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng cũng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào, nó có thể gây nguy hiểm cho người bị dị ứng dừa. Dị ứng dừa và dầu dừa không phổ biến như các loại dị ứng khác nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
2. Triệu chứng dị ứng dừa và dầu dừa
Các triệu chứng của dị ứng dầu dừa tương tự bất kỳ loại dị ứng nào khác, bao gồm buồn nôn, nôn mửa, mẩn ngứa, nổi mề đay, chàm da, tiêu chảy, phát ban hoặc thậm chí là sốc phản vệ (trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng, có triệu chứng gồm thở khò khè và khó thở).
Sốc phản vệ do dầu dừa là rất hiếm. Người bị dị ứng với dầu dừa có thể bị viêm da tiếp xúc với các triệu chứng như phát ban hoặc phồng rộp trên da. Các trường hợp viêm da tiếp xúc thường gặp ở người sử dụng sản phẩm mỹ phẩm có chứa dầu dừa.
Các sản phẩm có nguồn gốc từ dừa (như coconut diethanolamide, cocamide sulfate, cocamide DEA, và CDEA) có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Những chất này tồn tại trong mỹ phẩm, dầu gội đầu, chất làm ẩm, xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay. Với bất kỳ bệnh viêm da tiếp xúc nào, người bệnh có thể có triệu chứng xuất hiện sau 1 - 2 ngày khi tiếp xúc với chất gây dị ứng và mất vài ngày để điều trị dứt điểm. Nếu nghi ngờ viêm da tiếp xúc với các sản phẩm từ dừa thì test áp bì (xét nghiệm dị ứng bằng một miếng dán) là phương pháp chẩn đoán thích hợp.
3. Nên tránh gì khi bị dị ứng dừa và dầu dừa?
Dị ứng với dầu dừa và dừa là rất hiếm, protein dừa là duy nhất. Từ đó, hạn chế tối đa các trường hợp dị ứng chéo, xảy ra ở người có cơ địa dị ứng phản ứng với các loại thực phẩm có protein tương tự. Hầu hết những người bị dị ứng hạt cây đều có thể sử dụng dừa một cách an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo, nếu trẻ bị dị ứng nghiêm trọng với các loại hạt cây, phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ ăn dừa.
Nếu bạn hoặc con bạn bị dị ứng dừa, bạn nên đọc kỹ nhãn thực phẩm mà mình mua để đảm bảo không chứa dừa hoặc dầu dừa. Các loại thực phẩm có thể chứa dừa hoặc dầu dừa gồm: Bắp rang bơ, bánh ngọt, kẹo, socola, sữa bột trẻ em,... Ngoài ra, dầu dừa còn là một thành phần được sử dụng phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm. Vì vậy, bạn nên kiểm tra kỹ nhãn của các loại mỹ phẩm trước khi mua chúng.
4. Dị ứng dầu dừa phải làm sao?
Nếu bạn có các triệu chứng dị ứng nhẹ như nổi mề đay hoặc phát ban và nghi ngờ là do dị ứng dừa, bạn nên bắt đầu ghi lại nhật ký thực phẩm để theo dõi chế độ ăn uống và các triệu chứng của mình trước khi trao đổi với bác sĩ. Bạn cần liệt kê tất cả các loại thực phẩm mà mình ăn, kể cả các loại gia vị nấu ăn như dầu dừa. Đồng thời, cần viết tất cả các triệu chứng kể từ thời điểm liên quan tới loại thực phẩm mà mình tiêu thụ. Ví dụ, nếu bạn ăn thịt gà nấu với dầu dừa, 1 giờ sau bị phát ban thì cần ghi lại điều đó.
Bạn cũng nên viết ra mọi sản phẩm mà bạn sử dụng thường xuyên có thể chứa thành phần gây dị ứng. Có thể là những thay đổi gần đây trong cuộc sống của bạn như lựa chọn một liệu pháp làm đẹp mới hoặc thay đổi loại bột giặt,...
Trong khi theo dõi thực phẩm mình sử dụng và các triệu chứng xuất hiện, bạn hãy trao đổi với bác sĩ và cần thiết nên thực hiện xét nghiệm dị ứng để có câu trả lời rõ ràng về việc bạn có bị dị ứng với dầu dừa và dừa hay không. Trường hợp sau khi dùng các sản phẩm từ dừa bạn có phản ứng tức thì và khó thở thì cần gọi cấp cứu ngay.
Bị dị ứng uống nước dừa được không? Nước dừa rất tốt nhưng người bị dị ứng không nên uống thường xuyên. Nguyên nhân vì các dưỡng chất có trong nước dừa như vitamin D, canxi, các loại vitamin,... có thể kích thích tới quá trình dị ứng của cơ thể, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Người bị dị ứng khi uống nước dừa vào có thể cảm thấy ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, sưng tấy khó chịu hơn. Do đó, để hạn chế tình trạng này, bạn nên hạn chế nước dừa hoặc chế phẩm làm từ dừa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: allergy.org.au