Biện pháp chẩn đoán viêm dạ dày cấp

Viêm dạ dày cấp có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Để phát hiện và điều trị bệnh này kịp thời, người bệnh cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán và can thiệp phù hợp. Người bệnh có thể tham khảo nguồn thông tin trong bài viết này để nắm rõ hơn về cách nhận biết và điều trị viêm dạ dày cấp. 

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Viêm dạ dày cấp là gì?

Viêm dạ dày cấp là thuật ngữ y học mô tả tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày. Người bệnh thường gặp triệu chứng đột ngột như sưng viêm và phù nề niêm mạc dạ dày dẫn đến những cơn đau bất thường vùng thượng vị

Khác với viêm dạ dày mãn tính, viêm loét dạ dày cấp thường gây đau bất thường trong thời gian ngắn. Một điều đáng lưu ý, tỷ lệ mắc bệnh viêm dạ dày cấp tính ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển, trong khi tỷ lệ viêm dạ dày mãn tính lại giảm.

Người bệnh cần phân biệt rõ viêm dạ dàyviêm dạ dày ruột. Viêm dạ dày chỉ ảnh hưởng đến chức năng dạ dày, thể hiện bằng buồn nôn và nôn mửa. Trong khi đó, viêm dạ dày ruột ảnh hưởng cả đến chức năng dạ dày và sức khỏe đường ruột, có thể gây tiêu chảy nước.

2. Nguyên nhân viêm dạ dày cấp tính

Viêm dạ dày cấp là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc dạ dày, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong số đó, những nguyên nhân phổ biến bao gồm:

2.1 Nhiễm vi sinh vật

Vi khuẩn Helicobacter pylori là tác nhân phổ biến nhất, gây nhiễm trùng và viêm dạ dày ở khoảng 2/3 dân số thế giới. Ngoài ra, một số vi khuẩn, virus hay nấm khác cũng có khả năng dẫn đến viêm dạ dày nhưng với tỷ lệ thấp hơn.

2.2 Phản ứng với các tác nhân gây kích ứng

  • Trào ngược mật: Mật vốn được tiết ra để hỗ trợ tiêu hóa ở ruột non nhưng nếu trào ngược lên dạ dày sẽ làm tổn thương niêm mạc.
  • Lạm dụng rượu bia: Cồn có trong đồ uống có cồn sẽ kích ứng và gây tổn hại niêm mạc dạ dày.
  • Lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Loại thuốc này như aspirin, ibuprofen... làm tăng axit dạ dày do ức chế prostaglandin - chất bảo vệ niêm mạc. Do đó, người bệnh có thể bị viêm dạ dày cấp nếu sử dụng lâu dài thuốc liều cao.  
  • Chất sắt: Uống sắt lúc đói có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

2.3 Rối loạn hệ miễn dịch

Một số rối loạn miễn dịch có thể khiến cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày bị tấn công, dẫn đến viêm mạn tính. Nguy cơ này thường cao ở người bệnh đái tháo đường type 1, bệnh Hashimoto, thiếu vitamin B12...

2.4 Vấn đề về lưu lượng máu

Những bất thường hiếm gặp của mạch máu hoặc biến chứng từ suy tim mãn tính có thể ảnh hưởng đến lượng máu di chuyển đến dạ dày. Trong một số trường hợp, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm dạ dày cấp tính.

2.5 Thiếu máu cục bộ tại dạ dày

Khi lượng máu cung cấp cho dạ dày không đủ, tình trạng viêm có thể xảy ra. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Lạm dụng cocaine.
  • Mất nước nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Chấn thương hoặc bỏng nặng.

2.6 Dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm

Tình trạng dị ứng với thực phẩm trong dạ dày sẽ làm cho tăng cao lượng bạch cầu, kích ứng và gây tổn thương niêm mạc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp của viêm dạ dày cấp tính.

2.7 Bệnh u hạt

Viêm dạ dày cấp tính có thể là biến chứng của bệnh u hạt. Tình trạng bệnh lý này ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, gây tổn thương dạ dày.

3. Triệu chứng viêm loét dạ dày cấp

Hầu hết trong các trường hợp, bệnh nhân mắc viêm dạ dày cấp thường không có những triệu chứng đặc hiệu hoặc đáng chú ý. Tuy nhiên, viêm loét dạ dày cấp có thể gây ra một loạt các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như sau:

Ngoài ra, các triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp cũng có thể gây ra bởi các tình trạng sức khỏe khác như bệnh Crohn, sỏi mật hoặc các vấn đề liên quan đến túi mật, ngộ độc thực phẩm gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy nặng.

Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy viêm loét dạ dày cấp, người bệnh cần đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Đặc biệt, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần hoặc có dấu hiệu nôn máu, đi ngoài phân đen, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức. 

Chán ăn là một trong các triệu chứng chẩn đoán viêm dạ dày cấp
Chán ăn là một trong các triệu chứng chẩn đoán viêm dạ dày cấp

4. Chẩn đoán viêm dạ dày cấp

Để chẩn đoán viêm dạ dày cấp một cách toàn diện và chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi, đặt câu hỏi để tìm hiểu về tiền sử, bệnh sử và các triệu chứng cơ năng của người bệnh. Tiếp theo, người bệnh sẽ được khám toàn diện, đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu ở vùng bụng, trong đó quan trọng nhất là đau khi ấn vùng thượng vị.

Sau khi hỏi bệnh, khám kỹ lưỡng và có chẩn đoán sơ bộ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để khẳng định chẩn đoán viêm dạ dày cấp như sau:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để đánh giá sức khỏe tổng quát.
  • Kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn H.pylori trong dạ dày bằng các xét nghiệm như tìm kháng thể H.pylori trong máu, test hơi thở ure hoặc test mẫu nước bọt.
  • Xét nghiệm phân tìm sự hiện diện của hồng cầu, gợi ý có tình trạng chảy máu từ các vết viêm loét dạ dày.
  • Nội soi dạ dày là biện pháp quan sát trực tiếp, giúp đánh giá mức độ và vị trí vết loét trên niêm mạc dạ dày.
  • Sinh thiết mô dạ dày để khẳng định chẩn đoán.

Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định các cận lâm sàng hỗ trợ khác như siêu âm bụng tổng quát hoặc chụp X-quang.

5. Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày cấp tính?

Viêm dạ dày cấp là một tính trạng có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao có khả năng mắc phải bệnh này nhiều hơn, bao gồm:

  • Những người sử dụng thuốc chống viêm không Steroid (NSAID).
  • Những người sử dụng Corticosteroid.
  • Những người nghiện rượu.
  • Những người vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn.
  • Những bệnh nhân đang gặp phải các vấn đề về thận, gan hoặc hô hấp.

Việc nhận biết và tránh những yếu tố nguy cơ này sẽ giúp người bệnh giảm thiểu khả năng mắc phải viêm dạ dày.

6. Biến chứng của bệnh

Biến chứng viêm dạ dày cấp có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Tình trạng này có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như loét dạ dày, xuất huyết hoặc thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.  

Trong một số trường hợp hiếm gặp, niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng nề. Do đó, việc kiểm tra và điều trị kịp thời viêm dạ dày cấp là rất quan trọng để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

7. Điều trị viêm loét dạ dày cấp

Sau khi chẩn đoán xác định bệnh nhân bị viêm loét dạ dày cấp tính, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần vừa sử dụng thuốc vừa thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Các loại thuốc thường được kê đơn để điều trị viêm dạ dày cấp tính bao gồm:

  • Thuốc kháng axit: Giúp trung hòa axit dư thừa tại dạ dày.
  • Thuốc kháng histamin H2: Giảm tiết axit dạ dày, cần dùng trước bữa ăn khoảng 30 phút.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Ngăn chặn quá trình sản xuất axit dạ dày, chỉ dùng 1 lần/ngày, không nên sử dụng quá 14 ngày liên tục.
  • Các loại kháng sinh: Được kê nếu có nhiễm vi khuẩn H.pylori. Điều trị viêm loét do H.pylori thường kết hợp kháng sinh, ức chế bơm proton và Bismuth trong 10-14 ngày.

Nếu viêm dạ dày liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid hoặc corticoid, người bệnh cần ngưng dùng theo hướng dẫn. Trường hợp bắt buộc phải dùng, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dự phòng bằng thuốc ức chế axit dạ dày. 

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để đánh giá sức khỏe tổng quát, hỗ trợ chẩn đoán viêm dạ dày cấp
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để đánh giá sức khỏe tổng quát, hỗ trợ chẩn đoán viêm dạ dày cấp

8. Cách phòng ngừa viêm loét dạ dày cấp

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị, người bệnh cần thay đổi lối sống để giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngừa viêm dạ dày cấp. Dưới đây là một số lời khuyên cần thực hiện:

  • Hạn chế hoặc không sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu.
  • Tạo thói quen ăn thực phẩm chín, uống nước đã đun sôi.
  • Hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc có vị chua.
  • Chia nhỏ các bữa ăn.
  • Hạn chế ăn khuya.
  • Duy trì tâm trạng thoải mái, giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc có khả năng kích ứng niêm mạc dạ dày.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể.

9. Các thắc mắc về bệnh

9.1 Thời gian bệnh kéo dài bao lâu?

Khoảng thời gian viêm dạ dày cấp tính diễn ra phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thời điểm bắt đầu và phương pháp điều trị được áp dụng. Trong trường hợp bình thường, các triệu chứng sẽ có dấu hiệu giảm dần trong vòng từ vài ngày đến vài tuần nếu tình trạng chưa trở nên nghiêm trọng.

9.2 Chế độ ăn uống phù hợp khi bị bệnh

  • Nhóm thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau củ, các loại đậu.
  • Nhóm thực phẩm ít chất béo: Rau củ, thịt nạc, cá.
  • Nhóm thực phẩm có độ axit thấp: Rau củ, các loại đậu.
  • Đồ uống không có khí carbonic, caffeine, rượu.
  • Nhóm thực phẩm chứa Probiotic tốt cho sức khỏe: Kim chi, sữa chua, trà nấm thủy sâm (kombucha)... 
Chế độ ăn phù hợp khi trị bệnh viêm dạ dày cấp là bổ sung cá và rau củ
Chế độ ăn phù hợp khi trị bệnh viêm dạ dày cấp là bổ sung cá và rau củ

9.3 Viêm dạ dày cấp có thể lây lan qua một số đường lây truyền nhất định

Viêm dạ dày cấp có khả năng lây nhiễm nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Helicobacter Pylori. Các đường lây truyền phổ biến bao gồm:

  • Tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm như bơi ở sông, suối, hồ bơi.
  • Ăn uống thực phẩm chưa được nấu chín đầy đủ.
  • Tiếp xúc gần gũi với người thân trong gia đình đã mắc bệnh.

Mặc dù chưa có bằng chứng khẳng định việc tiếp xúc với nước bọt của người bệnh là một yếu tố lây nhiễm nhưng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe cá nhân vẫn là điều cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe