Biến chứng và cách điều trị bàng quang thần kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bàng quang thần kinh là tình trạng chức năng bàng quang bị mất do tổn thương của hệ thống thần kinh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy thận, thậm chí tử vong.

1. Bàng quang thần kinh là gì?

1.1 Tìm hiểu hoạt động của bàng quang

Bàng quang là một tạng rỗng hình cầu, có chức năng chính là lưu trữ và tống xuất nước tiểu. Chu kỳ tiểu tiện bình thường của bàng quang là lưu trữ và tống xuất. Bàng quang chứa nước tiểu dưới một mức áp suất thấp vì thành bàng quang có khả năng đàn hồi và các cơ bàng quang đều có thể giãn rộng dưới áp suất thấp. Đồng thời, bàng quang cũng có các cơ thắt để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ nước tiểu. Khi bàng quang bài xuất nước tiểu, cơ vòng phải được thư giãn sau khi co thắt bàng quang. Và bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong chu kỳ tiểu tiện đều dẫn đến rối loạn chức năng bàng quang.

1.2 Bàng quang thần kinh là gì?

Bàng quang thần kinh là bệnh lý gây mất chức năng của bàng quang do tổn thương một phần của hệ thống thần kinh. Bệnh khiến bàng quang hoạt động kém, không thể co lại và tống xuất hoàn toàn nước tiểu ra ngoài hoặc ngược lại là bàng quang hoạt động quá mức, co lại thường xuyên, không có khả năng phối hợp với các cơ co thắt bàng quang.

2. Nguyên nhân gây bệnh bàng quang thần kinh

  • Tổn thương não: Tai biến mạch máu não, u não, bệnh Parkinson, hội chứng Shy-Drager syndrome đều có thể gây bệnh bàng quang thần kinh;
  • Tổn thương tủy sống: Bệnh nhân chấn thương tủy sống, tổn thương tủy sống, xơ tủy rải rác dễ mắc bàng quang thần kinh;
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên: Do tiểu đường, giang mai thần kinh, thoát vị đĩa đệm, herpes zoster, phẫu thuật vùng chậu,... đều có thể bị mất phản xạ cơ bàng quang.

3. Triệu chứng bệnh bàng quang thần kinh


Tiểu không tự chủ là triệu chứng của bệnh bàng quang thần kinh
Tiểu không tự chủ là triệu chứng của bệnh bàng quang thần kinh
  • Tiểu không tự chủ;
  • Nước tiểu nhỏ giọt, tiểu khó hoặc bí tiểu;
  • Triệu chứng nhiễm khuẩn lặp đi lặp lại;
  • Thận ứ nước.

4. Biến chứng bàng quang thần kinh

Bệnh nhân bàng quang thần kinh bị ứ đọng nước tiểu lâu ngày, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận, viêm bể thận, sỏi tiết niệu, trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận. Hậu quả là bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu liên tục, sẹo thận không có khả năng phục hồi, dẫn đến suy thận, làm tăng nguy cơ tử vong. Trong khi đó, căn bệnh này không được chỉ định ghép thận.

5. Điều trị bệnh bàng quang thần kinh

Mục tiêu điều trị hội chứng bàng quang thần kinh nhằm ngăn chặn tổn thương thận và giảm thiểu các biến chứng. Việc điều trị bệnh cần tuân thủ 3 nguyên tắc: đảm bảo chức năng thận, đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân và bệnh nhân có khả năng sinh hoạt độc lập khi trưởng thành.

Các phương pháp điều trị bàng quang thần kinh gồm:

  • Liệu pháp tâm lý: Có thể làm giảm sự hoạt động quá mức của bàng quang nhờ sự kết hợp giữa sức mạnh ý chí và việc tập thể dục. Cụ thể, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ghi lại nhật ký bài tiết, về thời gian và lượng nước uống vào, số lần đi tiểu. Nhờ đó, bệnh nhân có thể xác định thời gian phù hợp để đi tiểu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được hướng dẫn tập bài tập Kegel để tăng cường vận động cơ vùng xương chậu, cơ Valsalva nhằm hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả;
  • Liệu pháp điện kích thích: Đặt các điện cực gần dây thần kinh, gây ra các kích thích giống những xung điện được dẫn truyền bởi dây thần kinh không bị tổn thương để bàng quang hoạt động bình thường;
  • Dùng thuốc: Sử dụng thuốc giảm co thắt cơ và chấn động, thuốc gây ra các cơn co thắt hoặc thuốc điều trị bàng quang hoạt động quá mức để cải thiện, làm giảm triệu chứng khó chịu, tình trạng tiểu không kiểm soát,...;
  • Thông tiểu ngắt quãng sạch: Là phương pháp làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Khi thực hiện kỹ thuật, một ống thông sạch sẽ được đặt qua niệu đạo bàng quang rồi rút ra, lặp lại nhiều lần trong ngày (mỗi lần cách nhau khoảng 3 - 4 tiếng). Ưu điểm của phương pháp này là ít gây biến chứng, giảm nhiễm khuẩn tiết niệu, hạn chế sỏi bàng quang, kiểm soát nước tiểu tốt và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân;
  • Phẫu thuật: Đặt ống thông để giúp bàng quang đào thải nước tiểu tốt hơn.

Có thể phải kết hợp các phương pháp điều trị trên tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ tổn thương thần kinh để giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng.


Có thể dùng thuốc điều trị bệnh bàng quang thần kinh
Có thể dùng thuốc điều trị bệnh bàng quang thần kinh

6. Biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm bàng quang thần kinh

Bàng quang thần kinh do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm cả nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Do vậy, để phòng tránh căn bệnh này, cần khám sàng lọc các dị tật bẩm sinh có ảnh hưởng tới chức năng bàng quang như tật nứt đốt sống, bất sản xương cùng, các khối u trong tủy sống hoặc xương chậu.

Với những bệnh nhân đã bị các chấn thương tủy sống, u hệ thống thần kinh trung ương, từng phẫu thuật cột sống, bị đột quỵ, ngộ độc kim loại nặng, mắc bệnh giang mai, đái tháo đường,... khi gặp một trong những triệu chứng bệnh kể trên cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, phòng ngừa biến chứng suy thận.

Trong quá trình điều trị bàng quang thần kinh, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sớm hồi phục sức khỏe, giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

Bác sĩ Võ Thiện Ngôn đã có trên 7 năm kinh nghiệm làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật Ngoại Niệu tại các Bệnh viện: Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.

Bác sĩ Ngôn với khả năng điều trị chuyên sâu về lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý về hệ Tiết niệu và Nam khoa, phẫu thuật hệ Tiết niệu, phẫu thuật nội soi tiết niệu, phẫu thuật Laparo đường niệu, nội soi đường tiết niệu. Phẫu thuật điều trị các bệnh lý Nam khoa

Hiện nay, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn là bác sĩ Ngoại Tiết Niệu – Nam học, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe