Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý hô hấp.
Bệnh áp xe phổi chiếm khoảng 4,8% trong tổng số tất cả các bệnh phổi. Đây là tình trạng bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó lứa tuổi trung niên chiếm tỷ lệ cao hơn. Nhờ vào sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, áp xe phổi được phát hiện sớm và chẩn đoán chắc chắn hơn.
1. Bệnh áp xe phổi là gì?
Áp xe phổi là bệnh nhiễm trùng phổi. Bệnh gây ra tình trạng sưng mủ, hoại tử mô phổi và hình thành của các khoang chứa các mảnh vụn hoại tử hoặc dịch do bị nhiễm vi sinh vật. Sự hình thành của nhiều áp xe có thể dẫn đến viêm phổi hoặc hoại tử phổi.
2. Biến chứng của bệnh áp xe phổi
Áp xe phổi nếu không được điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách đều có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Áp xe phổi ho ra máu: Do tình trạng vỡ mạch máu, đặc biệt nghiêm trọng khi ổ áp xe ở gần rốn phổi. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
- Tràn mủ màng phổi: Xảy ra khi ổ áp xe bị vỡ thông với màng phổi.
- Nhiễm trùng máu: Khi vi khuẩn trong ổ áp xe xâm nhập vào máu, gây sốc nhiễm trùng và có thể tử vong.
- Ngoài ra, áp xe phổi còn gây ra những biến chứng khác như: Xơ phổi, giãn phế quản, áp xe não...
3. Triệu chứng của bệnh áp xe phổi
Triệu chứng lâm sàng của bệnh áp xe phổi thường phát triển trong vòng nhiều tuần đến nhiều, được chia làm các giai đoạn sau: Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho có mùi hôi và nước bọt có vị khó chịu. Bệnh nhân thường mệt mỏi, yếu ớt, chán ăn và sút cân.
- Ổ mủ kín: Ho khan, sốt cao, ớn lạnh, có thể lên đến 39-40 độ C, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Bệnh nhân thường đau ngực ở vị trí có tổn thương, có thể có khó thở.
- Ộc mủ: Triệu chứng ho và đau ngực biểu hiện nặng nề hơn. Ho ộc ra nhiều mủ đặc quánh. Đặc điểm của mủ có thể gợi ý nguyên nhân gây bệnh: mủ màu sôcôla thường do amip, mủ hôi thối thường do vi khuẩn kỵ khí, mủ màu xanh thường do liên cầu. Toàn thân mệt mỏi, vã mồ hôi. Sau khi ho ộc ra được mủ, toàn trạng cải thiện, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, ăn uống được.
- Ổ mủ mở thông với phế quản: người bệnh vẫn tiếp tục cơn ho, nhất là khi thay đổi tư thế, khạc mủ ra ít hơn.
4. Đường lây truyền của bệnh áp xe phổi
"Áp xe phổi có lây không?". Câu trả lời là áp xe phổi có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành nếu tác nhân gây bệnh trong ổ áp xe lây lan ra môi trường bên ngoài. Các đường lây truyền bệnh có thể gặp:
- Đường khí - phế quản: Người bệnh hít vi khuẩn vào phổi từ không khí, từ các chất tiết nhiễm trùng ở mũi họng, răng miệng, các thủ thuật phẫu thuật ở tai mũi họng, dị vật đường thở, đặt nội khí quản, trào ngược dạ dày...
- Đường máu: Các bệnh lý viêm nội tâm mạc, viêm tĩnh mạch, gây thuyên tắc, nhồi máu và nhiễm trùng huyết, có thể gây áp xe ở cả hai phổi.
- Đường kế cận: Áp xe dưới cơ hoành, áp xe gan do amip, áp xe đường mật, áp xe trung thất, áp xe thực quản,... Khi vỡ có thể gây áp xe phổi.
5. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh áp xe phổi
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh áp xe phổi bao gồm:
- Tuổi tác: Những người lớn trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Nghiện rượu, thuốc lá, sử dụng ma túy
- Tổng trạng suy kiệt, mệt mỏi, suy dinh dưỡng
- Mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh phổi mãn tính khác như u phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, lao phổi, kén phổi bẩm sinh, thuyên tắc phổi
- Cơ địa suy giảm miễn dịch
- Sau gây mê, đặt nội khí quản, lưu đường truyền tĩnh mạch lâu ngày
- Sau phẫu thuật vùng răng hàm mặt, tai mũi họng
- Chấn thương ngực hở, có dị vật kèm theo
- Khó nuốt, rối loạn chức năng hầu họng.
6. Chẩn đoán áp xe phổi
6.1 Chẩn đoán xác định
- Giai đoạn nung mủ kín thường khó khăn vì triệu chứng nghèo nàn, không điển hình, nếu có thể thì chỉ dựa vào X quang và siêu âm.
- Trong giai đoạn ộc mủ thì chẩn đoán tương đối dễ dàng hơn. Nói chung chẩn đoán dựa vào:
- Hội chứng nhiễm trùng cấp
- Khái mủ nhiều (hoặc đàm hình đồng xu), hôi thối
- Hội chứng hang, quan trọng là X quang phổi có hình ảnh mức hơi nước
- Ngón tay hình dùi trống.
6.2 Chẩn đoán nguyên nhân
- Chủ yếu là cấy đờm, làm kháng sinh đồ (khi chưa sử dụng kháng sinh) nếu tìm amip thì phải lấy đàm có máu và đem xét nghiệm ngay.
- Lưu ý hỏi kỷ bệnh sử, để tìm yếu tố thuận lợi gây bệnh.
6.3 Chẩn đoán phân biệt
- Giai đoạn nung mủ kín:
- Viêm phổi: Có thể diễn tiến lành hẳn hay có thể sẽ viêm phổi áp xe hóa.
- Các khối u ở phổi: Có thể lành tính hay ác tính,hội chứng nhiễm trùng không có, có khái huyết, lâm sàng, X quang và soi phế quản... giúp chẩn đoán phân biệt.
- Giai đoạn nung mủ hở:
- Ung thư phế quản - phổi hoại tử, hay cũng có thể là nguyên nhân của áp xe phổi. Trường hợp này thì trong lòng khối u hoại tử không đều, không có mức hơi-nước, nội soi, sinh thiết và tìm tế bào lạ trong đàm để xác định.
- Giãn phế quản bội nhiễm: Trong tiền sử có ho khạc đờm kéo dài, chụp phế quản có cản quang giúp chẩn đoán. Lưu ý áp xe phổi thường là biến chứng của giãn phế quản.
- Hang lao bội nhiễm: Thường nằm ở vùng đỉnh phổi, ho ra máu, BK đàm thường dương tính, phim phổi không thấy mức hơi nước
- Áp xe gan vỡ vào phổi: Quá trình bệnh lý là triệu chứng ở gan trước sau đó đến phổi. Siêu âm, Xquang giúp chẩn đoán.
Đối với áp xe phổi, khi không được điều trị sớm, người bệnh chủ quan hoặc điều trị không đúng cách đều sẽ có khả năng gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Để phòng bệnh cần vệ sinh răng miệng, mũi, họng. Điều trị tốt các nhiễm khuẩn răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng. Thận trọng khi tiến hành các thủ thuật ở các vùng này để tránh các mảnh tổ chức rơi vào khí phế quản. Khi cho bệnh nhân ăn bằng ống thông dạ dày phải theo dõi chặt chẽ, tránh để sặc thức ăn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.