Biến chứng của rối loạn lipid máu

Cholesterol không phải là xấu, bởi cơ thể vẫn cần có cholesterol để tổng hợp ra các loại hormone, vitamin D và các loại dịch giúp tiêu hóa. Cholesterol cũng tạo môi trường trao đổi chất cho các cơ quan hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, nồng độ cholesterol cao lại gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, hiểu biết về rối loạn lipid máu và biến chứng giúp chúng ta sớm có các biện pháp điều chỉnh nồng độ mỡ máu, phòng tránh bệnh tật, đảm bảo chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ về sau.

Những biến chứng rối loạn lipid máu trên các hệ cơ quan như sau:

1. Hệ tim mạch

Khi nồng độ cholesterol trong máu quá cao, chúng sẽ hình thành các mảng xơ vữa, tích tụ trên các thành động mạch. Hậu quả một mặt là làm tắc nghẽn sự lưu thông máu trong lòng mạch, một mặt làm cho thành mạch trở nên xơ cứng hơn. Tình trạng này thường được biết với tên gọi là xơ vữa động mạch. Đây chính là biểu hiện thường gặp nhất và cũng là biểu hiện đáng lo ngại nhất của tăng lipoprotein.

Động mạch tại cơ quan nào bị tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng ngay tại cơ quan đó. Nếu tổn thương động mạch tại tim cấp tính sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, người bệnh đột ngột đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, khó thở phải nhập viện. Trong trường hợp mạch máu nuôi tim tiến triển lâu dài, bệnh nhân thường giảm khả năng gắng sức một cách đáng kể, đi lại hay leo cầu thang thường nặng ngực, phải ngồi nghỉ mới giảm được.

Nếu động mạch tại não tắc hẹp sẽ gây nhồi máu não, người bệnh nhập viện trong hoàn cảnh đột ngột nói đớ, yếu liệt tay chân,... Khi được đưa đến bệnh viện tái thông dòng máu kịp thời, nhu mô não tổn thương hạn chế, bệnh nhân có thể hồi phục chức năng các cơ quan một phần nào. Nếu để muộn hay vùng nhồi máu não quá lớn, di chứng để lại rất nặng nề, người bệnh có thể đột quỵ nằm liệt giường, mọi sinh hoạt phụ thuộc người khác, suy giảm chất lượng cuộc sống.

Mảng bám do xơ vữa cũng có thể làm hạn chế dòng máu đến các động mạch cung cấp máu cho các cơ quan ở xa như chân, bàn chân. Đây là cơ sở của bệnh động mạch ngoại biên. Ban đầu, người bệnh có triệu chứng đi khập khiễng, đau cách hồi, phải ngồi nghỉ lại mới tiếp tục di chuyển. Sau đó, khoảng đường sẽ ngắn lại dần, bàn chân sờ thấy lạnh, giảm cảm giác, bắt mạch không thấy; nặng hơn là hoại tử do thiếu máu nuôi, đôi khi phải đoạn chi.


Các mảng xơ vữa tích tụ trên các thành động mạch làm mạch trở nên xơ cứng
Các mảng xơ vữa tích tụ trên các thành động mạch làm mạch trở nên xơ cứng

2. Hệ nội tiết

Một số tuyến nội tiết sản xuất ra các hormone cho cơ thể phải sử dụng cholesterol như estrogen, testosterone và cortisol. Vì vậy, nồng độ hormone trong máu cũng có mối tương tác với nồng độ cholesterol.

Thực vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nồng độ estrogen tăng trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, nồng độ cholesterol HDL cũng tăng lên và mức cholesterol LDL giảm. Ngược lại, khi đến tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm và lượng lipid trong máu không được sử dụng sẽ tăng lên. Đây là lý do vì sao phụ nữ trung niên sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch tương tự nam giới.

3. Hệ thần kinh

Cholesterol là một thành phần thiết yếu của bộ não con người. Trên thực tế, não chứa khoảng 25% lượng cholesterol cung cấp cho toàn bộ cơ thể. Chất béo này rất cần thiết cho sự phát triển và bảo vệ các tế bào thần kinh, cho phép não làm việc điều khiển các hoạt động sống.

Mặc dù cơ thể luôn cần một lượng cholesterol để não hoạt động tối ưu, nhưng khi quá nhiều cholesterol lại có thể gây hại. Lượng cholesterol dư thừa tạo mảng xơ vữa trong thành động mạch có thể dẫn đến đột quỵ gây nhồi máu não, dẫn đến mất trí nhớ, giảm khả năng vận động, khó nuốt, khó nói và ảnh hưởng tới các chức năng khác.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ cholesterol trong máu cao và sự mất trí nhớ cũng như chức năng tinh thần. Nguyên nhân là vì khi cholesterol trong máu cao có thể đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng beta-amyloid gây tổn thương não ở những người mắc bệnh Alzheimer.


Các mảng xơ vữa trong thành động mạch có thể dẫn đến đột quỵ gây nhồi máu não
Các mảng xơ vữa trong thành động mạch có thể dẫn đến đột quỵ gây nhồi máu não

4. Hệ tiêu hóa

Tại hệ tiêu hóa, cholesterol là nguyên liệu chính để gan sản xuất dịch mật - một loại dịch tiêu hóa giúp cơ thể phân hủy thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng xuyên qua thành ruột vào trong máu. Tuy nhiên, khi có quá nhiều cholesterol trong dịch mật, phần dư thừa sẽ thúc đẩy hình thành các tinh thể, lâu dài sẽ tạo thành sỏi cứng trong túi mật, đường mật trong gan. Hệ quả sẽ gây tắc nghẽn làm người bệnh đau quặn từng cơn hoặc sốt cao do nhiễm trùng - nhiễm độc từ đường mật.

Chính vì những biến chứng rối loạn lipid máu nguy hiểm nêu trên, việc điều trị giảm lipid máu là vô cùng cần thiết. Chế độ ăn uống lành mạnh kèm theo thói quen tích cực rèn luyện cơ thể sẽ giúp mọi người phòng tránh các bệnh lý tim mạch cũng như những hậu quả xấu do tăng lipid máu gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe