Xét nghiệm lipid máu là xét nghiệm cần thiết giúp phát hiện và điều trị kịp thời nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến rối loạn mỡ máu như: bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Vậy xét nghiệm lipid máu là gì và những ai nên đi xét nghiệm lipid máu? Hãy tìm hiểu các thông tin cần thiết qua bài viết dưới đây.
1. Lipid máu là gì?
Lipid máu (mỡ máu) là thành phần quan trọng của cơ thể người, gồm các thành phần chính là Cholesterol, Triglycerides và phospholipid. Trong đó, thành phần quan trọng nhất là Cholesterol.
Cholesterol là steroid chính trong cơ thể con người cũng như là thành phần có ở mọi bộ phận trên cơ thể , là nguyên liệu tạo nên muối mật và các hormon steroid khác đồng thời cũng là một thành phần của màng tế bào. Cholesterol là yếu tố quan trọng trong việc giúp cơ thể phát triển và phát triển bình thường. Cholesterol có 2 loại chính là loại xấu (LDL-Cholesterol – Cholesterol có tỷ trọng thấp) và loại tốt (HDL Cholesterol – Cholesterol có tỷ trọng cao).
Khi xảy ra sự rối loạn giữa các thành phần (chủ yếu là do cholesterol tăng cao) gây ra tình trạng rối loạn lipid máu mà bệnh lý đặc trưng ở đây là xơ vữa động mạch. Nó cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
Triglycerides cũng là một loại lipid trong cơ thể. Khi bạn ăn, cơ thể sẽ chuyển hóa bất kỳ lượng calo nào mà nó không cần sử dụng ngay thành chất béo trung tính này và được lưu trữ trong các tế bào mỡ của bạn. Những người bị Triglycerides trong máu tăng cao thường kèm theo tăng cholesterol toàn phần (cả loại xấu và loại tốt) (rối loạn lipid máu kết hợp) hoặc một số ít người sẽ có tăng triglyceride máu đơn độc.
2. Những ai cần xét nghiệm máu?
Xét nghiệm lipid máu nhằm phát hiện, chẩn đoán những nguy cơ mắc bệnh liên quan đến rối loạn lipid máu cũng như các bệnh lý do rối loạn lipid máu gây ra như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim... từ đó có thể giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh hợp lý.
Xét nghiệm lipid máu (tầm soát rối loạn lipid máu) được chỉ định cho những người:
- Có biểu hiện lâm sàng của bệnh tim mạch, các dấu hiệu liên quan đến tăng nguy cơ tim mạch.
- Tiến hành tầm soát rối loạn lipid máu bất kỳ khi nào cần tầm soát các yếu tố nguy cơ gây tim mạch.
- Xét nghiệm mỡ máu ở những người có tình trạng viêm mạn tự miễn như: viêm khớp thấp, lupus ban đỏ hệ thống, vảy nến.
- Ở phụ nữ đái tháo đường hoặc cao huyết áp trong thai kỳ cũng là đối tượng có nguy cơ về tim mạch.
- Những người hút thuốc lá.
- Nam giới bị rối loạn cương dương.
- Những người bị bệnh thận mạn tính.
- Những người bị rối loạn lipid máu di truyền với biểu hiện như u vàng (xanthoma), xanthelasma dưới 45 tuổi. Những người trong gia đình có tiền sử về rối loạn lipid máu cũng được chỉ định.
- Những người bị bệnh động mạch ngoại biên hoặc tăng độ dày lớp nội trung mạch, hoặc xơ vữa động mạch cảnh.
- Tất cả người trưởng thành (nam trên 40 tuổi nữ trên 50 tuổi, hoặc sau mãn kinh) đều nên đi xét nghiệm lipid máu, đặc biệt với những người có yếu tố mắc bệnh tim mạch.
3. Xét nghiệm máu là làm những gì?
Quá trình xét nghiệm máu tập trung đánh giá các thông số của các thành phần trong lipid máu (chủ yếu là cholesterol và triglycerid máu), qua đó xác định nồng độ lipid máu có nằm trong khoảng tham chiếu hay không, phát hiện các nguy cơ mắc bệnh liên quan đến rối loạn lipid máu và đưa ra hướng điều trị phù hợp tránh các biến chứng có thể xảy ra.
3.1. Các chỉ số xét nghiệm rối loạn mỡ máu
- HDL-C (Lipoprotein Cholesterol tỉ trọng cao – Cholesterol tốt): một trong các thành phần chính của Cholesterol máu, được chỉ định cùng với Cholesterol toàn phần và LDL-C, dùng để đánh giá trước khi bắt đầu điều trị.
- Non-HDL-C (Cholesterol không HDL-C): như tên gọi của nó, chỉ cần trừ số lượng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL, hoặc "tốt") khỏi tổng số cholesterol của bạn. Vì vậy, nó chứa tất cả các loại cholesterol "xấu” và được phân tích để mô tả thêm đặc điểm của rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường, người mắc hội chứng chuyển hóa hoặc bệnh thận mạn tính.
- LDL-C (Lipoprotein Cholesterol tỉ trọng thấp - Cholesterol xấu): là thành phần chủ yếu để phân tích lipid máu và đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các bệnh lý tim mạch khác.
- TG (Triglycerid): là thành phần bổ sung thông tin về tình trạng cân bằng giữa lượng lipd đưa vào và chuyển hóa lipid trong cơ thể, phản ánh tình trạng quá tải VLDL hoặc là hậu quả của một tích tụ bất thường khi đói của các chylomicron, đồng thời sử dụng trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.
3.2. Chi tiết đánh giá các thông số trong lipid máu
Dưới đây là bảng phân loại nồng độ cholesterol và triglyceride (mmol/l), là cơ sở để đánh giá nồng độ lipid máu có nằm trong khoảng tham chiếu hay không:
Xét nghiệm Lipid máu được các chuyên gia khuyến cáo: những người từ 20 tuổi trở lên nên đi xét nghiệm rối loạn mỡ máu định kỳ 5 năm 1 lần. Vừa chủ động trong phòng ngừa, phát hiện bệnh vừa giúp có những điều trị kịp thời tránh để lâu ngày có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Khi có những dấu hiệu của rối loạn mỡ máu bạn cần đến ngay những cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm và có chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó bác sỹ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của từng người.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.