Sỏi mật là những viên sỏi được hình thành bên trong túi mật hoặc đường mật. Nguy cơ tạo sỏi mật tăng lên khi có tuổi hoặc với những người có chế độ ăn giàu chất béo. Trong một số trường hợp, bệnh sỏi mật diễn tiến nặng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và cần được thực hiện phẫu thuật cắt túi mật.
1. Tổng quan về mổ mở cắt túi mật
Có 2 phương pháp phẫu thuật cắt túi mật, đó là nội soi và mổ mở. Đối với kỹ thuật mổ mở cắt túi mật, túi mật được lấy đi thông qua đường mổ trực tiếp lớn trên thành bụng. Đây là phương pháp mang tính xâm lấn hơn so với phẫu thuật nội soi, người bệnh sẽ cần lưu viện lâu hơn và phục hồi chậm hơn.
Có khoảng 1% trường hợp sẽ phải chuyển từ mổ nội soi sang mổ mở. Các yếu tố tăng khả năng phải chọn mổ mở cắt túi mật bao gồm: Bệnh nhân bị béo phì, có tiền căn phẫu thuật trước đây gây sẹo dính nhiều; khó quan sát rõ các tạng, chảy máu trong mổ hay mổ cấp cứu.
2. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước mổ?
Cả 2 phương pháp nội soi và mổ mở cắt túi mật đều thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân (người bệnh ngủ trong quá trình mổ). Do vậy trước khi thực hiện phẫu thuật vài ngày, bệnh nhân cần thực hiện khám tiền mê, xét nghiệm máu, khám sức khỏe tổng quát để đảm bảo đáp ứng đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.
Kể từ nửa đêm trước ngày phẫu thuật, bệnh nhân không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì ngoại trừ các loại thuốc mà bác sĩ cho phép dùng với một ít nước vào sáng ngày phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được yêu cầu tắm vào đêm trước và sáng ngày phẫu thuật bằng dung dịch sát trùng Betadine.
Phẫu thuật cắt túi mật sẽ được thực hiện dưới hình thức gây mê và diễn ra trong khoảng 1 giờ. Phẫu thuật viên sẽ rạch 1 đường ở phần bụng trên và tách rời ống túi mật ra khỏi gan và tiến hành cắt bỏ.
3. Biến chứng sau phẫu thuật cắt túi mật
Sau khi phẫu thuật cắt túi mật, trong một số trường hợp hiếm vẫn có thể xảy ra biến chứng bao gồm: Chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương ống mật chủ, viêm phổi, thuyên tắc do huyết khối hay vấn đề tim mạch. Ngoài ra, trong quá trình mổ cắt túi mật, ruột hoặc các mạch máu lớn xung quanh có thể vô tình tổn thương khi các dụng cụ được đưa vào trong ổ bụng. Các biến chứng cụ thể khác gồm:
- Rò mật hoặc rớt sỏi;
- Còn sót sỏi mật;
- Đau kéo dài;
- Chấn thương ống mật;
- Tiêu chảy;
- Viêm phúc mạc;
- Nhiễm trùng hô hấp;
- Dị ứng;
- Liệt ruột kéo dài;
- Chấn thương ruột;
- Tổn thương gan nghiêm trọng.
Nhìn chung, trong khi nhiều loại phẫu thuật đều tiềm ẩn nguy cơ biến chứng thì bệnh nhân mổ cắt túi mật rất hiếm khi gặp biến chứng và có thể nhanh chóng trở lại sinh hoạt thường ngày.
4. Phục hồi sau mổ mở cắt túi mật
Sau khi phẫu thuật cắt túi mật, đôi khi bệnh nhân sẽ tiêu hóa mỡ không dễ dàng như trước. Nhưng may mắn là cơ thể con người rất kỳ diệu, gan sẽ đảm nhận cả vai trò của túi mật và sản xuất mật nhiều hơn hỗ trợ cho việc tiêu hóa.
Bệnh nhân có thể được về nhà sau 2 - 4 ngày và có khả năng quay trở lại làm việc sau khoảng 6 tuần tùy thuộc vào mức độ xâm lấn (can thiệp) của cuộc phẫu thuật lên cơ thể và loại công việc của bạn. Bệnh nhân nên đi lại sau mổ, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn sẽ giúp bệnh nhân quay lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Trước khi bắt đầu tập, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Nói chung, bệnh nhân được mổ mở cắt túi mật thường có thể sinh hoạt bình thường sau 4-6 tuần.
Ngoài ra, nếu sau khi xuất viện người bệnh thấy dấu hiệu sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng liên tục, chướng bụng, nôn và buồn nôn không giảm, quan sát thấy có dịch chảy từ vết mổ thì khả năng là đã có biến chứng và người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.