Biến chứng của bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ là căn bệnh tự miễn hiếm gặp nhưng để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ làm các phương pháp điều trị trở lên dễ dàng, hạn chế tối đa biến chứng xảy ra với cơ thể con người.

1. Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?

Bệnh nhược cơ là bệnh lý nguy hiểm đặc trưng bởi sự giảm khả năng vận động các cơ. Các cơ yếu trong bệnh nhược cơ càng nặng hơn khi hoạt động và sẽ cải thiện, hồi phục nếu có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Theo đó, yếu cơ trên các vùng cơ bị ảnh hưởng có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Khó thở vì các cơ thành ngực bị suy yếu;
  • Khó nhai hoặc khó nuốt làm cho người bị nhược cơ khó đóng miệng, chai, hay chảy nước dãi;
  • Di chuyển lên cầu thang, lăn các vật thể hoặc làm tăng thêm vị trí ngồi trên ghế ngồi khó khăn;
  • Khó nói;
  • Rũ đầu xuống hoặc cúi gập đầu xuống;
  • Liệt cơ mặt hoặc yếu các cơ vùng mặt;
  • Suy nhược cơ thể;
  • Thay đổi tiếng nói;

Ngoài ra, yếu các cơ vùng quanh mắt còn gây nên triệu chứng nhìn đôi, khó duy trì nhìn chằm chằm, mí mắt rủ xuống.


Nhược cơ khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Nhược cơ khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược cơ thể

2. Biến chứng của bệnh nhược cơ

Trên nghiên cứu lâm sàng, bệnh nhược cơ có 4 giai đoạn cụ thể như sau:

  • Nhóm I (nhược các cơ vận nhãn), liệt chỉ hạn chế vận động ở vùng các cơ ngoài mắt như cơ nâng mi. Số ít các trường hợp thuộc nhóm này xuất hiện liệt các cơ ngoại vi nhưng có nguy cơ tiến triển bệnh nặng. Các triệu chứng thường giảm rất nhanh do đáp ứng tốt với các thuốc kháng cholinesterase, tỷ lệ tử vong thuộc nhóm này thấp.
  • Nhóm IIa (nhược cơ toàn thân mức độ nhẹ) có tổn thương các cơ sọ, chi và thân mình, cơ hô hấp.
  • Nhóm IIb (người bệnh bị nhược cơ toàn thân mức độ vừa) với biểu hiện: nhìn đôi, sụp mi, nói ngọng, nuốt hay bị sặc, nghẹn, ăn uống khó khăn, yếu các chi, không luyện tập được.
  • Nhóm III (nhược cơ đột ngột cấp tính), bệnh diễn biến nhanh với đầy đủ các triệu chứng và đạt mức độ nặng nhất trong 6 tháng. Tổn thương các cơ hô hấp xuất hiện sớm kèm theo yếu các cơ vận nhãn, cơ thân mình và cơ các chi, thường gặp u tuyến ức. Trái với bệnh nhược cơ nhóm I, người mắc bệnh nhược cơ thuộc nhóm này, các triệu chứng chỉ đáp ứng rất kém với thuốc kháng cholinesterase. Thường có các cơn nhược cơ nặng và có tỷ lệ tử vong cao.
  • Nhóm IV (nhược cơ muộn), bệnh cảnh lâm sàng nặng nhưng tiến triển từ từ, xuất hiện sau khi người bệnh đã có các triệu chứng của nhóm bệnh nhược cơ nhẹ từ hai năm trở lên, tỷ lệ người bệnh có khối u tuyến ức của nhóm này cao hơn của nhóm I và II.

Biến chứng bệnh nhược cơ nguy hiểm nhất là suy hô hấp cấp do liệt cơ hô hấp, nếu thấy lồng ngực xẹp khi thở vào mà cơ hoành vẫn di động bình thường. Nếu vùng thượng vị không phồng khi thở vào nhưng cơ ức đòn chũm, cơ thang co kéo là liệt cơ hoành, còn mất phản xạ nuốt và ứ đọng đờm dãi là liệt màn hầu. Suy hô hấp còn do tình trạng nuốt sặc và do tác dụng phụ của các thuốc kháng cholinesterase vì thuốc này gây co thắt phế quản và tăng tiết đờm dãi. Bên cạnh đó, nuốt sặc và ho khạc kém cũng là một nguyên nhân gây ra biến chứng bệnh nhược cơ như sặc phổi và viêm phổi, nghe phổi có nhiều tiếng ran ẩm góp phần làm cho tình trạng suy hô hấp trở nên nặng nề thêm.


Một trong những biến chứng nguy hiểm của nhược cơ là bệnh suy hô hấp cấp
Một trong những biến chứng nguy hiểm của nhược cơ là bệnh suy hô hấp cấp

Ngoài ra, một biến chứng bệnh nhược cơ khác là nhược cơ nặng giả liệt. Đây là tình trạng các cơ không bị liệt nhưng ở tình trạng rất dễ mệt mỏi. Khi yêu cầu người mắc bệnh nhược cơ thực hiện các động tác luân phiên nhau như mở mắt rồi nhắm mắt, hay duỗi rồi gập các ngón tay, sau một số động tác vận động trở nên càng khó khăn và lát sau không thể nào thực hiện được, không còn khả năng giữ cho các mi mắt trên ở trạng thái bình thường, mà có nguy cơ bị sa mi (ptosis). Tình trạng này khiến cho người mắc bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, giảm hoặc mất khả năng tập trung, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, khó hòa nhập với cộng đồng.

3. Xử trí biến chứng bệnh nhược cơ

Biến chứng bệnh nhược cơ có ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan trong cơ thể, vì thế việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ hạn chế tối đa được những biến chứng xảy ra. Để bệnh nhược cơ không trở thành nỗi ám ảnh lớn với con người thì bệnh được điều trị như sau:

  • Cơn nhược cơ: Bệnh nhược cơ có khả năng tiến triển nặng lên nhanh hoặc đột ngột yếu cơ tăng lên nhanh, vật vã, đặc biệt có rối loạn hô hấp. Lúc này, bạn cần được cần xử lý bằng cách tiêm ngay prostigmin 1mg bắp thịt hoặc 0,5mg tĩnh mạch. Sau đó, với những trường hợp nhược cơ vẫn còn thiểu năng hô hấp phải mở khí quản, luồn ống vào khí quản, hô hấp nhân tạo, đưa người bệnh tới cơ sở gây mê hồi sức kịp thời.
  • Cơn tiết cholin: Trường hợp dùng quá liều thuốc chống nhược cơ khiến cho người bệnh bị toát mồ hôi, chảy nước bọt, mệt lử, nôn, co thắt ruột, tiêu lỏng, cảm giác buốt mót bàng quang, co đồng tử, tăng tiết phế quản, khó thở, phù phổi, yếu các cơ, giật thớ cơ, cứng hàm, chuột rút, nói lắp bắp, rối loạn nuốt, rối loạn hô hấp, bộ mặt lãnh đạm, vô cảm. Thậm chí nhiều người mắc bệnh bị kích thích, vật vã, sợ hãi, chóng mặt, nhức đầu, co giật, lú lẫn, ý thức u ám, hôn mê. Trong trường hợp này cần tiêm ngay atropinum; ngừng sử dụng ngay thuốc ức chế cholinesterase. Nếu tiến triển bệnh không tốt lên rõ rệt, các bác sĩ sẽ phải áp dụng những biện pháp điều trị hồi sức tích cực và những chỉ định như trong cơn nhược cơ.

Để biến chứng bệnh nhược cơ không trở lên quá nguy hiểm thì người bệnh cần chú ý các yếu tố có thể góp phần làm tình trạng nhược cơ tăng lên, đầu tiên phải đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều kali, thứ hai cần tránh các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng, hầu họng,... khi đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có các phương pháp chẩn đoán nhược cơ hiện đại, do đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm thực hiện, với hệ thống trang thiết bị y tế đầy đủ, tiên tiến sẽ cho kết quả chẩn đoán bệnh nhược cơ chính xác.

Để được tư vấn chi tiết về các phương pháp chẩn đoán bệnh nhược cơ tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe