Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí bị tích tụ giữa phổi và thành ngực. Không khí vào khoang màng phổi có thể có từ phổi hoặc từ bên ngoài cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, tràn khí màng phổi để lại biến chứng nguy hiểm.
1. Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi chia làm 2 loại, được chia theo nguyên nhân của nó bao gồm:
1.1 Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát
Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát là dạng tràn khí màng phổi xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng ở một người khỏe mạnh. Tràn khí màng phổi nguyên phát là dạng tràn khí màng phổi thường gặp, được cho là do rách một phần nhỏ của màng phổi tạng thường ở gần đỉnh phổi. Thường không có lý do rõ ràng giải thích điều này xảy ra.
Tuy nhiên, vết rách thường xảy ra tại vị trí có các bóng khí cạnh màng phổi. Cạnh màng phổi có thể xuất hiện những bóng khí nhỏ, các thành của bóng khí không đủ mạnh như nhu mô phổi bình thường và có thể gây rách. Không khí sau đó sẽ thoát ra khỏi phổi nhưng lại bị mắc kẹt giữa thành ngực và phổi .
Hầu hết các trường hợp tràn khí màng phổi nguyên phát thường gặp ở người lớn trẻ khỏe mạnh mà không có bất kỳ bệnh lý phổi nào, gặp nhiều hơn ở những người cao và gầy.
Khoảng 2 trong số 10.000 người trưởng thành trẻ tuổi ở Anh bị tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát mỗi năm. Ở nam giới thường gặp tràn khí màng phổi nhiều hơn phụ nữ. Ở những người trên 40 tuổi sẽ hiếm xảy ra tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát. Nó cũng thường gặp hơn ở những người hút thuốc so với người không hút thuốc. Khói thuốc lá dường như làm cho thành của các bóng khí yếu và dễ bị rách.
Khoảng 3 trong 10 người có tràn khí màng phổi nguyên phát sẽ có hơn một lần bị tái phát sau khi điều trị tại một số thời điểm nào đó trong tương lai. Tràn khí màng phổi xảy ra thường là cùng bên và thường xảy ra trong vòng ba năm đầu.
1.2 Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát
Tràn khí màng phổi thứ phát có nghĩa là tràn khí màng phổi là một biến chứng của một bệnh lý phổi đang mắc. Nếu bệnh phổi làm suy yếu màng phổi sẽ xảy ra hiện tượng tràn khí màng phổi. Tình trạng suy yếu màng phổi làm cho màng phổi dễ rách và làm không khí thoát khỏi phổi.
Do vậy, tràn khí màng phổi có thể là biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có bóng khí phát triển nhiều. Ngoài ra, các bệnh phổi khác cũng có thể gây biến chứng tràn khí màng phổi, bao gồm: viêm phổi, bệnh sarcoid, xơ nang, lao phổi, ung thư phổi và xơ hóa phổi vô căn.
1.3 Những nguyên nhân khác gây tràn khí màng phổi
Những nguyên nhân khác như chấn thương ngực có thể gây tràn khí màng phổi. Thậm chí, phẫu thuật vùng ngực cũng có thể gây tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi cũng là một biến chứng hiếm gặp của lạc nội mạc tử cung.
Chụp X-quang ngực có thể xác định được có tràn khí màng phổi. Nếu nghi ngờ tràn khí màng phổi là do một bệnh lý về phổi gây nên, bác sĩ có thể cho thực hiện thêm các xét nghiệm khác.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chụp X quang lồng ngực được tiến hành với các máy X-quang số hóa hoàn toàn (Digital Radiography). Điều này giúp giảm tới 50% liều tia so với các máy X quang “truyền thống” trước đây. Nhờ đó đảm bảo tối đa tính an toàn cùng hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
2. Biến chứng có thể gặp của tràn khí màng phổi
- Tái phát: Gần một nửa những người có tiền sử tràn khí màng phổi đều có tái phát, thông thường trong khoảng ba năm đầu tiên.
- Không khí liên tục bị rò rỉ: Mặc dù đã được đặt ống dẫn lưu để hút không khí ra nhưng đôi khi không khí có thể tiếp tục bị rò rỉ. Sau khoảng vài ngày đến một tuần hay lâu hơn, có thể người bệnh cần phải phẫu thuật vá lỗ rò rỉ khí.
- Thiếu oxy: Tràn khí màng phổi gây chèn ép phổi, không khí vào phổi ít hơn dẫn đến ít oxy đi vào máu. Thiếu oxy có thể dẫn đến tình trạng thiếu Oxy cung cấp đến các cơ quan và ở mức độ nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
- Chèn ép tim: Nếu không được điều trị sớm, tràn khí màng phổi sẽ gây chèn ép tim. Tràn khí màng phổi có thể ảnh hưởng đến lượng máu về tim. Chèn ép tim có thể gây tử vong nếu không được hỗ trợ điều trị ngay lập tức.
- Suy hô hấp: xảy ra khi mức độ oxy trong máu giảm quá nhiều. Oxy máu giảm nhiều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim và gây rối loạn tri giác như bất tỉnh, lẫn lộn, ngủ gà và hôn mê. Cuối cùng, suy hô hấp có thể gây tử vong.
- Shock: Tình trạng này khá nguy kịch, xảy ra khi huyết áp giảm xuống rất thấp và các cơ quan quan trọng của cơ thể bị tước oxy cũng như chất dinh dưỡng. Shock là một cấp cứu y tế và đòi hỏi phải chăm sóc ngay lập tức.
3. Điều trị tràn khí màng phổi
3.1 Có thể không cần thiết điều trị
Nếu tràn khí màng phổi nhẹ, lượng khí vào phổi ít, có thể không cần thiết phải điều trị. Do tràn khí màng phổi lượng ít có khả năng tự hết trong khoảng vài ngày. Sau khoảng 7-10 ngày bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang để kiểm tra. Nếu bệnh nhân bị đau nhiều thì có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau trong vài ngày.
3.2 Đôi khi cần thiết phải dẫn lưu không khí bị tích tụ
Nếu tràn khí màng phổi lượng lớn hơn hoặc nếu bệnh nhân có mắc bệnh phổi trước đó hoặc gây khó thở thì sẽ phải dẫn lưu không khí bị tích tụ. Trong trường hợp tràn khí màng phổi áp lực thì bắt buộc phải thực hiện dẫn lưu một cách nhanh chóng.
Phương pháp phổ biến thường làm là đưa một ống dẫn lưu rất mỏng xuyên qua thành ngực với sự hướng dẫn của một cây kim. Một ống tiêm lớn có một van ba chiều sẽ được gắn vào ống nhỏ để luồn qua thành ngực. Sau khi không khí vào ống tiêm, thì vặn van ba chiều để đuổi không khí trong ống tiêm ra ngoài. Điều này sẽ được thực hiện cho đến khi không khí trong khoang màng phổi được lấy ra.
Trong trường hợp tràn khí màng phổi thứ phát có bệnh phổi kèm theo, thì cần một ống lớn hơn được đâm xuyên qua thành ngực để dẫn lưu tràn khí màng phổi lượng lớn. Thông thường, ống dẫn lưu khí màng phổi đặt một vài ngày để cho phép mô phổi đã bị rách có thể lành lại
3.3 Tái phát sau điều trị
Một số người bị tràn khí màng phổi tự phát xảy ra nhiều lần. Khoảng 3 trong 10 người có tràn khí màng phổi nguyên phát sẽ có hơn một lần bị tái phát sau khi điều trị tại một số thời điểm nào đó trong tương lai.
Khi đó bác sĩ sẽ tư vấn cách phòng ngừa, ví dụ phẫu thuật là một lựa chọn cho bệnh nhân nếu rách màng phổi và rò rỉ khí đã được xác định. Bác sĩ sẽ bơm một chất bột gây kích thích, thường là một loại bột talc trên bề mặt phổi. Điều này sẽ gây ra tình trạng viêm, nhưng sau đó giúp bề mặt phổi dính vào thành ngực tốt hơn.
Những người từng bị tràn khí màng phổi nên tránh lặn sâu, bởi vì sự thay đổi áp suất có thể dẫn tới nguy cơ không thở được. Không nên bay mà không có dẫn lưu màng phổi. Nếu thường xuyên lặn hoặc bay, ví dụ như những người làm việc trong ngành hàng không, là phi công hoặc phi hành đoàn, hoặc làm thợ lặn chuyên nghiệp, cần phải yêu cầu các biện pháp đặc biệt và có thể phải thực hiện làm dính màng phổi. Cần bỏ hút thuốc lá để giảm nguy cơ tái phát tràn khí màng phổi.
Tràn khí màng phổi có thể để lại biến chứng nguy hiểm, có thể tái phát lại sau khi điều trị. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc điều trị, tránh thay đổi áp suất. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như đau ngực, khó thở,... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.