Viêm xoang nói chung hay viêm xoang sàng nói riêng là bệnh lý thường gặp quanh năm, đặc biệt là vào lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi. Mặc dù không nguy hiểm nhưng những triệu chứng của viêm xoang sàng thường gây rất nhiều khó chịu đến người bệnh và có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính.
1. Viêm xoang sàng là bệnh gì?
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng lớp niêm mạc lót trong các xoang. Khi bị viêm sẽ gây phù nề và dịch ứ đọng trong xoang không thoát ra được sẽ làm thu hẹp không gian lỗ xoang. Xoang liên hệ trực tiếp với mũi nên bệnh viêm xoang còn gọi là viêm mũi xoang. Viêm xoang rất dễ tái phát nên cần điều trị lâu dài để phòng nguy cơ tiến triển thành mạn tính sau này.
Xoang sàng là 1 trong 4 xoang ở khu vực đầu- mặt, nằm ở vị trí dưới trán và giữa hai bên mắt. Cấu tạo xoang sàng gồm 4 xoang rỗng thông với nhau. Khi bị viêm xoang sàng, vùng niêm mạc của xoang sàng sẽ bị phù nề, viêm nhiễm, tăng tiết dịch nhầy và dịch mủ ứ đọng, gây bít tắc, tạo áp lực lớn cho những khu vực lân cận.
Dựa trên vị trí xoang bị viêm, viêm xoang sàng lại chia thành 3 dạng chính, đôi khi bệnh nhân có thể viêm cả 4 khoang cùng lúc. Viêm xoang sàng bao gồm:
- Viêm xoang sàng trước: Xoang sàng trước là hang xoang nằm tiếp giáp giữa xoang trán và xoang hàm, khu vực hốc mũi - hốc mắt. Triệu chứng đặc trưng khi xoang sàng trước bị viêm là tình trạng đau sưng viêm ở khu vực sống mũi và quanh 2 hốc mắt.
- Viêm xoang sàng sau: Xoang sàng sau là hang xoang nằm ngay phía sau xoang sàng trước, hướng phía sau gáy. Triệu chứng thường gặp khi bị viêm xoang sàng sau là những cơn đau vùng sau gáy, từ đó lan xuống vai. Tuy nhiên, viêm xoang sàng sau cũng có thể gây ra các triệu chứng ở mắt như đỏ mắt, sưng, viêm mắt, chảy ghèn.
- Viêm xoang sàng 2 bên: Đây là tình trạng cùng lúc viêm và tắc nghẽn cả xoang sàng trước và sau nên bên cạnh những cơn đau ở cả hai vùng, viêm xoang sàng hai bên còn khiến người bệnh thường xuyên chảy nước mũi, nghẹt mũi và có đờm ở cổ.
Viêm xoang sàng nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thị lực của bạn. Ngoài ra, vì xoang sàng nằm trong hệ thống liên kết với các xoang khác nên khi bị viêm xoang sàng kéo dài thì những xoang còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2. Nguyên nhân viêm xoang sàng
Viêm xoang sàng khởi bệnh do sự xâm nhập và tấn công của các vi khuẩn, virus trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi liên quan là:
- Suy nhược cơ thể: Khi cơ thể bị suy nhược, sức đề kháng suy giảm và không có khả năng chống đỡ trước sự tấn công và gây bệnh của các yếu tố tác động cũng như khả năng tự hồi phục yếu kém. Những đối tượng hay gặp tình trạng suy nhược cơ thể là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính hoặc phụ nữ đang mang thai.
- Bất thường cấu trúc: Những người có cấu trúc xoang đặc biệt như có nhiều hốc, vách ngăn bị hẹp hơn bình thường, polyp mũi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đó là bởi vì lúc này tình trạng ứ đọng dịch nhầy và mảng bám vi khuẩn sẽ xảy ra thường xuyên hơn tạo điều kiện cho sự phát triển của viêm xoang. Ngoài ra, người có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm amidan mãn tính,... cũng là những yếu tố nguy cơ của viêm xoang sàng.
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi như vào mùa chuyển giao, nhiệt độ đột ngột thay đổi nhiệt độ từ lạnh sang nóng hoặc từ nóng sang lạnh là cơ hội để cho những tác nhân gây bệnh sinh sôi, phát triển và tấn công cơ thể. Bên cạnh đó, vì cơ thể chưa kịp thích ứng với những thay đổi bên ngoài nên hệ miễn dịch rất dễ bị rối loạn và không còn cơ chế bảo vệ cơ thể.
- Môi trường ô nhiễm: Tương tự như các bệnh đường hô hấp khác, viêm xoang sàng chịu tác động của các yếu tố không khí nhiều khói bụi, khí thải, khói thuốc lá, rác thải sinh hoạt độc hại, chất thải hóa học và ô nhiễm.... Môi trường không sạch chính là nơi tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh cho con người.
3. Các triệu chứng khi bị viêm xoang
Viêm xoang sàng có những triệu chứng đặc trưng có thể giúp phân biệt với các viêm xoang khu vực khác. Đặc trưng này chủ yếu dựa vào khu vực đau nhức và những cơ quan bị ảnh hưởng. Những triệu chứng thường gặp gồm:
- Đau đầu, nhức đầu: Đặc trưng của những cơn đau đầu trong viêm xoang sàng là cơn đau âm ỉ khó chịu, nhất là khu vực hai bên thái dương và giữa hai khóe mắt dưới trán. Cơn đau tập trung nhiều hơn giữa hai khóe mắt và sống mũi nhiều sẽ giúp phân biệt với viêm xoang trán hoặc mũi.
- Hơi thở có mùi hôi: Dịch viêm trong xoang sàng chảy xuống họng là nguyên nhân gây ra hôi miệng, thấy rõ nhất qua hơi thở. Khi bị hơi thở có mùi sẽ làm người bệnh mất tự tin trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày. Nếu đi kèm với tình trạng uống ít nước, vệ sinh răng miệng kém sẽ làm tình trạng hôi miệng càng nghiêm trọng hơn.
- Nặng hai bên tai: Viêm xoang sàng cũng có thể ảnh hưởng đến tai gây ra triệu chứng ù tai nghiêm trọng kèm cảm giác choáng váng.
- Giảm thị lực: Xoang sàng nằm ngay gần nơi có nhiều mạch máu và dây thần kinh của mắt nên khi bị viêm có thể gây ảnh hưởng đến vùng này, gây ra tình trạng đau nhức mắt kèm suy giảm thị lực. Khi người bệnh bị tình trạng này thì bên cạnh việc điều trị viêm xoang sàng cũng cần phải kiểm tra và can thiệp vùng mắt nếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Đọng đờm trong cổ họng: Dịch nhầy, dịch viêm do xoang sàng bị viêm tiết ra và chảy xuống cổ họng sẽ gây cảm giác ngứa ngáy, vướng víu và khó chịu. Khi bị vướng đờm nơi cổ họng sẽ làm người bệnh ho nhiều, khó thở, mệt ngực, thở khò khè, khó ngủ. Tuy nhiên, cũng cần loại trừ những nguyên nhân khác cũng gây vướng đờm trong cổ họng.
- Ho nhiều về đêm: Dịch nhầy trong viêm xoang sàng thường có xu hướng chảy xuống cổ họng nhiều hơn là chảy ra mũi. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm nhiễm vùng họng dẫn với các triệu chứng ngứa cổ họng và ho nhiều. Trường hợp này, ho sẽ kéo dài và thường tăng lên vào ban đêm.
- Triệu chứng đường hô hấp: Các triệu chứng ở đường hô hấp khi bị viêm xoang sàng cũng tương tự như viêm xoang nói chung, thường bao gồm nghẹt mũi, tắc một bên mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi... Điều này sẽ làm không khí không thể đi qua mũi được và khiến người bệnh phải thở bằng đường miệng. Ngoải ra, còn có các triệu chứng như viêm họng, ho khan, mất tiếng, ho có đờm, thậm chí dẫn đến các biến chứng áp xe họng, viêm cầu thận...
4. Bị viêm xoang sàng uống thuốc gì?
Viêm xoang sàng là bệnh lý nhiễm khuẩn vùng xoang sàng nên hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được điều trị đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4.1. Điều trị nội khoa
Các trường hợp viêm xoang sàng thể nhẹ có thể cải thiện triệu chứng bằng cách điều trị nội khoa. Các thuốc này sẽ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm nhiễm,... Bên cạnh đó cũng cần chú ý điều trị để tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng.
Các loại thuốc trị viêm xoang sàng:
Thuốc kháng sinh:
Những loại kháng sinh thường được chỉ định khi bị viêm xoang sàng là:
- Kháng sinh nhóm Penicillin: Amoxicillin, Ampicillin;
- Kháng sinh nhóm Cephalosporin: Cefuroxime, Cefoxitin, Cefpodoxime, Cefazolin, ,... hoặc các penicillin tổng hợp.
- Kháng sinh Trimethoprim, Sulfamethoxazole;
- Kháng sinh nhóm Macrolid: Azithromycin, Clarithromycin.
Người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều dùng, thời gian sử dụng và tần suất. Các thuốc kháng sinh giúp kìm hãm, tiêu diệt và loại trừ các loại vi khuẩn có hại là tác nhân chính gây bệnh, từ đó giúp giảm các triệu chứng của viêm xoang sàng.
Bên cạnh kháng sinh, có nhiều loại thuốc khác cũng được sử dụng khi bị viêm xoang sàng giúp điều trị hỗ trợ các triệu chứng như:
- Thuốc hạ sốt giảm đau: Giúp giảm các triệu chứng sốt cao, đau rát cổ, đau đầu, ...
- Thuốc chống viêm: Giúp làm lành những vùng bị viêm, sưng tấy, phù nề vùng niêm mạc mũi, hầu họng,...
- Thuốc long đờm: Có tác dụng làm lỏng các dịch nhầy vùng mũi, họng, giảm triệu chứng tắc mũi, nghẹt mũi, vướng đờm ở cổ họng như: Acetylcysteine, Bromhexin...
- Thuốc giảm ho: Cải thiện các triệu chứng ho khan, ho có đờm, ho nhiều về đêm như Atussin, Neo Codion, Rhumenol và Codepect...
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ để giúp giảm các triệu chứng khi điều trị viêm xoang sàng tại nhà như xông mũi với tinh dầu, ăn tỏi, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý.
4.2. Điều trị ngoại khoa
Nếu điều trị nội khoa không có hiệu quả, viêm xoang sàng sẽ trở nên nặng và nguy hiểm hơn. Lúc này, bệnh nhân có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Hiện nay, phương pháp ngoại khoa để điều trị viêm xoang sàng thường được sử dụng là phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng. Sau khi thực hiện, người bệnh sẽ được phục hồi lưu thông khí và dẫn lưu, từ đó làm thông mũi xoang giúp giảm các triệu chứng, hạn chế dịch nhầy, dịch viêm cũng như hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.
Viêm xoang nói chung và viêm xoang sàng nói riêng là những bệnh lý khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát, vì thế, việc điều trị tích cực, đúng cách ngay từ đầu sẽ giúp hạn chế nguy cơ tiến triển thành mạn tính và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Viêm xoang sàng có thể gặp phải những biến chứng như: viêm họng, áp xe họng, viêm amidan, viêm mí mắt, suy giảm thị lực, viêm dây thần kinh thị giác,...
5. Cách phòng bệnh viêm xoang sàng
Khi đã bị viêm xoang sàng thì sẽ khả năng tái phát là khá cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn nên thực hiện các biện pháp đơn giản và hiệu quả để chủ động phòng ngừa viêm xoang sàng.
- Giữ ấm cơ thể, bảo vệ đường hô hấp trước sự thay đổi của thời tiết giao mùa. Có thể sử dụng khăn choàng, mũ, khẩu trang.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với giàu vitamin, thực phẩm sạch xanh trọng thực đơn hàng ngày.
- Ngủ nghỉ đúng giờ, hạn chế căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái đồng thời có chế độ luyện tập thể thao hiệu quả nâng cao sức khỏe.
- Nếu làm việc trong môi trường có máy điều hòa thì không nên để nhiệt độ quá lạnh và trước khi ra vào phòng nên điều chỉnh để nhiệt độ phòng không quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời .
- Dọn dẹp nhà cửa, môi trường sống, nơi làm việc thường xuyên để hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các tác nhân gây bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm vì có khả năng gây nên tình trạng dị ứng như khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá,...
- Khi bắt đầu có các triệu chứng nghi ngờ viêm xoang sàng, người bệnh cần đi thăm khám để được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp để điều trị.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc uống dùng trong điều trị viêm xoang sàng rất hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đúng những hướng dẫn về cách dùng, liều dùng và tần suất sử dụng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần chú ý những dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm để được xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.