Viêm họng mãn tính còn được gọi là đau họng kéo dài. Khác với viêm họng cấp tính, viêm họng mãn tính tồn tại trong một thời gian dài hơn đáng kể và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.
1. Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng là tình trạng viêm ở phía sau họng, hầu họng. Viêm họng cấp tính thường phổ biến hơn so với viêm họng mãn tính, các triệu chứng thường khỏi trong vòng 10 ngày. Việc điều trị viêm họng cấp tính thường tập trung vào điều trị triệu chứng.
Hầu hết các trường hợp viêm họng cấp tính là do virus, nhưng một số trường hợp có thể là vi khuẩn. Thuốc kháng sinh chỉ hữu ích khi vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm. Vì vậy việc điều trị bằng kháng sinh không nhất thiết được khuyến nghị cho tất cả các bệnh nhân.
Đối với viêm họng mãn, ngoài yếu tố nhiễm trùng thì bệnh còn có thể gây ra bởi các yếu tố khác. Khi bệnh nhân mắc bệnh viêm họng mãn tính, triệu chứng đau nhức thường kéo dài hoặc tái phát thường xuyên, nhất là viêm họng 3 tháng không khỏi. Viêm họng được xem là mãn tính nếu triệu chứng đau họng kéo dài hơn một vài tuần. Việc điều trị viêm họng mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
2. Triệu chứng viêm họng mãn tính
Các triệu chứng của viêm họng mãn tính tương tự như viêm họng cấp tính bao gồm:
- Khó chịu hoặc đau ở cổ họng
- Ho
- Khàn tiếng
- Cảm giác nhột trong cổ họng
- Cảm giác một cái gì đó bị mắc kẹt trong cổ họng
- Khó nuốt
- Mệt mỏi khi nói, phổ biến ở những người ca hát hoặc cần phải sử dụng giọng nói trong công việc hàng ngày
- Đau đầu
- Sốt
3. Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính kéo dài có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra. Nếu viêm họng 3 tháng không khỏi, tình trạng đau họng kéo dài kể cả sau một đợt điều trị bằng kháng sinh thì bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn thêm. Các nguyên nhân gây viêm họng mãn tính:
- Khói hoặc chất ô nhiễm từ môi trường
- Sự nhiễm trùng (viêm amidan kéo dài...)
- Dị ứng (viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan...)
- Trào ngược axit (trào ngược thanh quản, trào ngược dạ dày)
- Ung thư vòm họng (hiếm)
3.1. Khói và các chất ô nhiễm môi trường
Khói chứa các hạt chất rắn, khí, chất lỏng mịn trong không khí và các hóa chất độc hại cũng như các mảnh vật liệu bị cháy. Khói có thể là khói thuốc lá, đốt gỗ, đốt cỏ, đốt than, nhựa, khói ở các công trình, hố đốt, cháy bãi rác, khí thải giao thông, khí thải công nghiệp... liên quan đến việc đốt cháy carbon. Ô nhiễm hạt mịn là một vấn đề phổ biến ở các khu vực đô thị.
Mức độ mà khói thuốc và các chất ô nhiễm có trong không khí có thể gây đau họng và các vấn đề về phổi. Biểu hiện ban đầu là khô, đau họng, chảy nước mũi và ho, lâu dài sẽ gây viêm họng kéo dài.
3.2. Viêm amidan dai dẳng
Một nguyên nhân phổ biến khác của đau họng kéo dài là nhiễm trùng các cấu trúc trong hoặc xung quanh cổ họng. Amidan là cấu trúc thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các triệu chứng của viêm amidan bao gồm:
- Ho
- Sốt
- Buồn nôn và ói mửa
- Nuốt đau
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau đầu
- Đau bụng
3.3. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng mạnh mẽ với các hạt vô hại như phấn hoa, nấm mốc hoặc vẩy da thú cưng. Tùy thuộc vào những tác nhân gây ra phản ứng miễn dịch, viêm mũi dị ứng có thể gây ra các triệu chứng theo mùa hoặc cả năm.
Trong bệnh lý viêm mũi dị ứng, cơ thể phản ứng với tác nhân gây dị ứng bằng cách giải phóng histamines, khiến niêm mạc xoang, mắt và niêm mạc mũi bị viêm. Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi và ngứa họng là những triệu chứng phổ biến của viêm mũi dị ứng.
Khi đó, các tuyến chất nhầy của mũi và cổ họng tạo ra quá nhiều chất nhầy dày đặc, làm cho hầu họng bị sưng và kích thích. Chảy mũi, ngứa, đau họng liên quan đến viêm mũi dị ứng có thể gây đau họng tái phát hoặc liên tục.
3.4. Trào ngược thanh quản
Trào ngược thanh quản (LPR) là một rối loạn liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hiện tượng trào ngược axit tiêu hóa từ dạ dày đến phía sau họng và đường thở mũi thường được nhận biết bởi các triệu chứng bao gồm:
- Cảm giác nóng rát hoặc đau cổ họng.
- Khàn tiếng.
- Khó nuốt
- Cảm giác mắc kẹt trong cổ họng.
LPR có thể gây ra bởi các vấn đề về chế độ ăn uống, bất thường của cơ thắt thực quản và thừa cân. Trong nhiều trường hợp, một số loại thực phẩm có liên quan đến LPR gồm:
- Rượu
- Caffeine
- Thức ăn nhiều chất béo
- Thức ăn cay
- Căng thẳng và hút thuốc lá
Có thể có LPR mà không cần GERD, hoặc có GERD mà không có LPR.
3.5. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một rối loạn của thực quản, trong đó các phản ứng dị ứng diễn ra làm cho thực quản bị kích thích và thu hẹp. Kích ứng này có thể là do dị ứng thực phẩm hoặc dị ứng môi trường. Các triệu chứng của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan bao gồm:
- Đau họng
- Ợ nóng
- Khó nuốt, đặc biệt là thực phẩm khô hoặc đặc
- Nuốt đau
- Đau bụng tái phát
- Buồn nôn và ói mửa
- Thức ăn bị kẹt lại trong thực quản.
- Trẻ em biếng ăn, không phát triển hoặc nôn sau bữa ăn
3.6. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là một nguyên nhân khá hiếm gặp của viêm họng mãn tính, tuy nhiên lại là bệnh lý khá nghiêm trọng. Ung thư vòm họng thường bắt đầu ở thanh quản hoặc hầu họng, đau họng chỉ là một trong số các triệu chứng:
- Khó nuốt
- Đau họng
- Hụt hơi
- Ho mãn tính
- Thay đổi giọng nói/khàn giọng
- Cảm giác có gì đó mắc kẹt trong cổ họng
- Khối u ở cổ hoặc cổ họng
- Sưng cổ
- Chảy máu ở miệng hoặc mũi
- Giảm cân không có kế hoạch, không giải thích được
4. Chẩn đoán và điều trị viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính thường là dấu hiệu báo động của một vấn đề tiềm ẩn, cần xác định được nguyên nhân gây bệnh để tiến hành điều trị.
Để giảm cơn đau họng, bệnh nhân bị viêm họng mãn tính có thể súc miệng bằng dung dịch nước muối ấm, bổ sung nước đầy đủ, tránh hút thuốc. Thuốc chữa viêm họng mãn tính thường sử dụng là thuốc acetaminophen (còn gọi là paracetamol) giúp giảm đau họng, hạ sốt. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản gây bệnh phải được giải quyết kết hợp với thuốc viêm họng mãn tính.
- Viêm họng mãn tính do khói
Trong trường hợp viêm họng mãn tính do khói hoặc các chất ô nhiễm môi trường, người bệnh phải được đưa ra khỏi môi trường bị ô nhiễm.
- Viêm amidan
Thường được điều trị bằng một đợt kháng sinh. Nếu viêm amidan tái phát thường xuyên hoặc tình trạng viêm đặc biệt nghiêm trọng thì nên xem xét cắt amidan nếu có thể. Phẫu thuật cắt amidan là một thủ thuật tương đối nhỏ và không đau nhiều sau phẫu thuật.
- Viêm mũi dị ứng
Thường được điều trị bằng thuốc xịt mũi, nước muối nhỏ mũi và thuốc chống dị ứng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ tai mũi họng.
- Trào ngược thanh quản
Bệnh có thể được điều trị dứt điểm bằng thay đổi lối sống để loại bỏ các tác nhân như: căng thẳng, thừa cân..., thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc. Thuốc ức chế bơm proton (esomeprazole hoặc omeprazole) là những thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị trào ngược trong trường hợp thay đổi lối sống không đủ hiệu quả cải thiện bệnh. Những người có trào ngược thanh quản do bất thường về thể chất của thực quản thì cần phẫu thuật để làm giảm bớt rối loạn.
- Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Bệnh thường được điều trị bằng các kế hoạch ăn kiêng, corticosteroid để điều trị triệu chứng và thuốc ức chế bơm proton.
- Ung thư vòm họng
Điều trị ung thư vòm họng phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí và mức độ tiến triển. Nếu chẩn đoán xác định ung thư vòm họng, các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phẫu thuật giúp chữa khỏi 80% trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn đầu. Trong một số trường hợp, phẫu thuật và xạ trị có thể được sử dụng kết hợp.