Ù tai có thể được mô tả là sự nhận biết âm thanh (thường ở dạng tiếng chuông hoặc tiếng rít) mà không có nguồn âm thanh từ bên ngoài. Mặc dù một số lượng đáng kể các bệnh nhân cho biết ù tai kéo dài dường như có ít hoặc không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nhưng một số khác lại không ngừng khó chịu vì tình trạng này và phải liên tục tìm kiếm ù tai liên quan đến bệnh gì để điều trị triệt để.
1. Ù tai kéo dài là gì?
Ù tai là cảm nhận về âm thanh khi không có tiếng ồn thực tế bên ngoài. Mặc dù tình trạng này thường được gọi chung là "ù tai", chứng ù tai có thể biểu hiện dưới nhiều nhận thức khác nhau về âm thanh, bao gồm tiếng ù, rít, huýt sáo, véo von và lách cách. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân ù tai cho biết họ nghe thấy tiếng như âm nhạc. Ù tai có thể là một tình trạng cấp tính (tạm thời) hoặc một tình trạng sức khỏe mãn tính (ù tai kéo dài), được phân loại thành 2 nhóm chính:
- Ù tai chủ quan: Tiếng ồn ở trong đầu hoặc tai mà chỉ có bệnh nhân mới nhận biết được. Ù tai chủ quan thường là dấu hiệu của các phản ứng thính giác và thần kinh đối với việc mất thính giác nhưng cũng có thể do một loạt các chất xúc tác khác gây ra. Hơn 99% các trường hợp ù tai kéo dài được báo cáo là do chủ quan.
- Ù tai khách quan: Tiếng ồn ở trong đầu hoặc tai mà bệnh nhân và người khác cũng có thể nghe thấy. Những âm thanh này thường được tạo ra bởi các chức năng nội bộ trong hệ thống tuần hoàn và hệ thống cơ thể do chuyển động cơ-xương. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể đi khám và mô tả là ù tai phải kéo dài hay ù tai trái kéo dài. Dù bên nào bị ảnh hưởng, u tai khách quan đều là rất hiếm gặp, chỉ chiếm dưới 1% tổng số trường hợp ù tai.
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp chữa trị được chứng thực về mặt khoa học cho hầu hết các loại ù tai. Tuy nhiên, có những lựa chọn điều trị có thể giảm bớt gánh nặng nhận thức về chứng ù tai kéo dài, cho phép bệnh nhân có cuộc sống thoải mái và hiệu quả hơn.
2. Triệu chứng của ù tai kéo dài
Mặc dù thường được gọi là "ù tai", tình trạng này thực sự có thể biểu hiện bằng nhiều loại âm thanh do người bệnh cảm nhận khác nhau, cả âm sắc và nhịp đập.
Theo đó, trong hầu hết các trường hợp, ù tai kéo dài là một tiếng ồn chủ quan, nghĩa là chỉ người bị ù tai mới có thể nghe được và mô tả việc nghe thấy các âm thanh khác nhau, từ tiếng chuông, rít, dế kêu, gió thổi vù, gầm, rung, sóng biển vỗ, vo ve, âm thanh quay số trong điện thoại, thậm chí cả âm nhạc.
3. Ù tai liên quan đến bệnh gì?
Trong nhiều trường hợp, ù tai kéo dài có thể là một triệu chứng liên quan đến một loạt các tình trạng sức khỏe khác. Chính vì thế, tìm kiếm nguyên nhân gây ù tai bằng những công cụ và nghiệm pháp chuyên biệt có thể giảm thiểu gánh nặng của chứng ù tai, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
3.1. Ù tai do mất thính lực
Mất thính giác thần kinh thường kèm theo ù tai. Một số nhà nghiên cứu tin rằng chứng ù tai chủ quan không thể tồn tại nếu không có một số tổn thương trước đó đối với hệ thống thính giác. Suy giảm thính lực cơ bản có thể là kết quả của:
- Suy giảm thính lực liên quan đến tuổi tác: Thính lực thường kém đi khi mọi người già đi, thường bắt đầu vào khoảng tuổi 60. Dạng mất thính lực này có xu hướng xảy ra ở hai bên, gây ù tai phải kéo dài và cả ù tai trái kéo dài, có liên quan đến việc mất cảm giác với âm thanh tần số cao. Suy giảm thính lực liên quan đến tuổi tác giải thích một phần lý do tại sao chứng ù tai lại phổ biến ở người cao niên.
- Giảm thính lực do tiếng ồn: Tiếp xúc với tiếng ồn lớn, trong một biến cố chấn thương duy nhất hoặc theo thời gian, có thể làm giảm hay mất thính lực. Lúc này, giảm thính lực do tiếng ồn đôi khi là một bên tai và thường khiến bệnh nhân mất thính giác xung quanh tần số của chấn thương âm thanh gây ra.
3.2. Có vật cản ở tai giữa
Sự tắc nghẽn trong ống tai có thể gây ra áp lực tích tụ trong tai trong, ảnh hưởng đến hoạt động của màng nhĩ. Hơn nữa, các vật thể chạm trực tiếp vào màng nhĩ cũng có thể gây kích ứng cơ quan và gây ra triệu chứng ù tai. Các vật cản phổ biến xảy ra tại chỗ thường gặp là:
- Ráy tai nhiều (chứng viêm tai giữa xuất tiết);
- Rụng lông trong ống tai;
- Bụi bẩn hoặc vật thể lạ trong ống tai.
Trong nhiều trường hợp, việc loại bỏ tắc nghẽn sẽ làm giảm bớt các triệu chứng ù tai một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong một số tình huống, sự tắc nghẽn có thể đã gây ra tổn thương vĩnh viễn dẫn đến ù tai mãn tính trước khi được phát hiện.
3.3. Chấn thương đầu và cổ
Chấn thương nặng ở vùng đầu hoặc cổ đều có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, lưu lượng máu và cơ bắp, dẫn đến chứng ù tai. Những bệnh nhân thường cho thấy tình trạng ù tai khởi phát sau chấn thương đầu và cổ, cũng như sự thay đổi lớn hơn về cả âm thanh, tần số.
3.4. Rối loạn khớp thái dương hàm
Một ví dụ khác của ù tai liên quan đến bệnh gì là do rối loạn khớp thái dương hàm. Tổn thương cơ, dây chằng hoặc sụn trong khớp có thể dẫn đến triệu chứng ù tai. Cấu trúc này tiếp giáp với hệ thống thính giác và chia sẻ một số dây chằng và kết nối thần kinh với các cấu trúc trong tai giữa.
Bệnh nhân ù tai mắc phải chứng rối loạn khớp thái dương hàm sẽ bị đau ở mặt và / hoặc hàm, hạn chế khả năng cử động hàm và thường xuyên phát ra âm thanh lốp bốp khi nhai hay nói. Nha sĩ, bác sĩ phẫu thuật sọ mặt hoặc chuyên gia sức khỏe răng miệng khác có thể đưa ra chẩn đoán này một cách nhanh chóng và sẽ có cách khắc phục vấn đề hiệu quả.
3.5. Áp lực xoang và chấn thương khí áp
Nghẹt mũi do cảm lạnh nặng, cúm hoặc nhiễm trùng xoang có thể tạo ra áp lực bất thường trong tai giữa, ảnh hưởng đến thính giác bình thường và gây ra triệu chứng ù tai.
Bệnh chấn thương vùng tai - mũi - họng cấp tính, do áp suất không khí hoặc nước thay đổi quá nhanh cũng có thể làm tổn thương tai giữa và tai trong. Ngoài ra, các nguồn gốc tiềm ẩn của chứng ù tai thực thể này còn xảy ra khi:
- Bơi lặn sâu với ống thở dưới biển;
- Tham gia hàng không, chỉ khi thay đổi độ cao bất thường;
- Sau vụ nổ chấn động;
- Chấn thương sọ não.
3.6. Dùng thuốc gây độc tai
Trong hầu hết các trường hợp và đối với hầu hết các loại thuốc, ù tai là một tác dụng phụ cấp tính, tồn tại trong thời gian ngắn. Nếu bệnh nhân ngừng dùng thuốc, các triệu chứng ù tai thường biến mất.
Tuy nhiên, có một số loại thuốc gây độc cho tai được biết là gây ra các triệu chứng ù tai kéo dài hơn, bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
- Một số loại thuốc kháng sinh;
- Một số loại thuốc điều trị ung thư;
- Thuốc lợi tiểu;
- Thuốc có thành phần gốc là quinine.
3.7. Ù tai liên quan đến các bệnh lý khác
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, ù tai kéo dài còn là một triệu chứng được báo cáo của các tình trạng y tế sau:
- Rối loạn chuyển hóa: suy giáp, cường giáp, thiếu máu;
- Rối loạn tự miễn dịch: Bệnh Lyme, đau cơ xơ hóa;
- Rối loạn tâm thần: trầm cảm, lo lắng, căng thẳng;
- Rối loạn tiền đình: bệnh Ménière, hội chứng thoát vị ống tai, xơ vữa tai;
- Rối loạn liên quan đến khối u (rất hiếm): u thần kinh âm thanh, Schwannoma tiền đình, các khối u khác phát triển trong khu vực tiền đình.
4. Các cách điều trị ù tai kéo dài
Mặc dù có rất nhiều phương pháp điều trị ù tai kéo dài đã được báo cáo và sử dụng, nhưng chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể làm giảm các triệu chứng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp nhận thức hành vi đã cho thấy là có thể giúp người bệnh đối phó tốt hơn với âm thanh ù tai và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể được cân nhắc chỉ định sử dụng máy trợ thính nếu chứng ù tai kéo dài đi kèm mất thính lực. Máy trợ thính sẽ khuếch đại sóng âm thanh đến tai, giúp bệnh nhân dễ dàng nghe và tham gia lại vào các cuộc trò chuyện. Một số chuyên gia tin rằng thính lực được cải thiện có thể giúp che đi âm thanh ù tai để chúng bớt gây khó chịu lại.
Tóm lại, ù tai có thể là tình trạng mãn tính hoặc tạm thời. Trong đó, ù tai kéo dài thường có nguyên nhân gây bệnh. Việc tìm hiểu ù tai liên quan đến bệnh gì có thể giúp phát hiện một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác. Vì vậy, bệnh nhân bị ù tai kéo dài nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe thính giác để được kiểm tra toàn bộ. Trong rất nhiều trường hợp, giải quyết nguyên nhân gốc rễ sẽ không chỉ làm giảm bớt cảm giác ù tai khó chịu mà còn giúp người bệnh hòa nhập lại với cộng đồng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.