Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, đi đại tiện nhiều lần trong ngày. Có 2 dạng tiêu chảy chính là tiêu chảy cấp tính và mãn tính. Nguyên tắc chung khi điều trị tiêu chảy cấp là hạn chế nguy cơ mất nước, mất điện giải ngay thời điểm đó. Cách trị tiêu chảy như thế nào? Bị tiêu chảy uống thuốc gì nhanh khỏi là vấn đề được nhiều người quan tâm.
1. Phân loại dạng tiêu chảy: Tiêu chảy cấp tính & mãn tính
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân sống từ 3 lần/ ngày trở lên. Đi kèm với tiêu chảy người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Đau bụng, đầy hơi, nôn mửa, khó tiêu, mỏi mệt,...
Tiêu chảy có 2 dạng chính là:
- Tiêu chảy cấp tính: Thường thuyên giảm sau 1 - 2 ngày, không kéo dài quá 1 tuần;
- Tiêu chảy mãn tính (tiêu chảy kéo dài): Có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần, thậm chí có thể đến 4 tuần gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, từ nguyên nhân cơ bản nhất như rối loạn tiêu hóa do ăn uống thực phẩm không hợp vệ sinh, thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: Stress, uống nhiều rượu bia, cà phê,...
Ngoài ra, tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều loại bệnh lý như:
- Nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng;
- Tiêu chảy do dùng thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh);
- Dị ứng hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm;
- Hội chứng ruột kích thích (IBS);
- Bệnh Celiac (không dung nạp Gluten);
- Bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
2. Cần lưu ý gì khi điều trị tiêu chảy cấp tại nhà?
Trong trường hợp tiêu chảy không quá nghiêm trọng (tiêu chảy cấp tính), người bệnh có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Khi điều trị tiêu chảy tại nhà, cần chú ý những điều sau:
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn tình trạng tiêu chảy cấp hiện tại không phải là nguyên nhân của bất kỳ bệnh lý nguy hiểm nào và đủ điều kiện điều trị tại nhà;
- Tăng cường bù nước và điện giải: Đây được xem là cách trị tiêu chảy quan trọng nhất mà mọi người bệnh nên nhớ. Do tiêu chảy khiến bệnh nhân phải đi ngoài nhiều lần dễ dẫn đến nguy cơ mất nước. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước và tăng cường bổ sung chất điện giải để bồi hoàn lượng nước và chất điện giải bị hao hụt đi. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể uống thêm 1 số loại nước ép trái cây, nước ép rau củ quả;
- Chế độ dinh dưỡng: Để tránh kiệt sức người bệnh nên tăng cường bổ sung dưỡng chất. Chú ý lựa chọn những thực phẩm có lợi như sữa chua, khoai tây, thịt gà bỏ da, các thực phẩm dễ tiêu hóa và tránh những thực phẩm có nhiều dầu mỡ, có nguy cơ gây đầy bụng như: thức ăn cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, bia rượu,...;
- Bổ sung men vi sinh đúng cách giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, phòng ngừa nhiễm trùng và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Các men vi sinh thường có trong sữa chua và nhiều loại thực phẩm lên men khác.
3. Bị tiêu chảy uống thuốc gì nhanh khỏi? Gợi ý các thuốc tiêu chảy có thể dùng
Sau khi thay đổi chế độ dinh dưỡng hầu hết bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp sẽ có những cải thiện rõ rệt và không cần sử dụng thuốc tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu cần bạn cũng có thể cân nhắc dùng một số loại thuốc điều trị tiêu chảy không kê đơn, chẳng hạn như:
3.1. Thuốc tiêu chảy Berberin
Berberin là loại thuốc cầm tiêu chảy khá nổi tiếng và được nhiều người quen sử dụng. Thuốc được chiết xuất chủ yếu từ các thành phần thảo dược có khả năng kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả, giúp điều trị một số tổn thương do viêm nhiễm. Thuốc này được bày bán ở hầu hết các nhà thuốc, khi sử dụng người dùng chỉ cần tuân thủ đúng hướng dẫn in trên hộp thuốc để cắt cơn tiêu chảy.
3.2. Thuốc tiêu chảy Diphenoxylate
Diphenoxylate là thuốc mang lại tác dụng giảm co bóp, nhu động ruột hiệu quả nên thường được chỉ định để điều trị chứng đau bụng, đi ngoài nhiều lần. Ngoài ra thuốc này còn có khả năng gây ức chế khiến lượng nước và chất điện giải trong ruột di chuyển chậm hơn, từ đó gia tăng khả năng hấp thụ 2 loại chất trên, hạn chế tình trạng mất nước và giúp phân tạo khuôn rắn.
3.3. Thuốc tiêu chảy Loperamid
Loperamid thường được sử dụng để điều trị tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân, tiêu chảy du lịch, một số tình trạng tiêu chảy mãn tính. Thuốc giúp giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa, giảm lượng nước trong phân. Nhờ đó tăng kích thước cho phân thành khuôn và giảm dần số lần đi ngoài mà không gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.
Lưu ý: Thuốc chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
3.4. Thuốc tiêu chảy Codein
Codein là thuốc trị tiêu chảy có thành phần chính là Codein phosphat giúp giảm đau bụng, điều hòa nhu động ruột. Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp tiêu chảy kèm các cơn đau co thắt ở bụng hoặc tiêu chảy do vi khuẩn.
3.5. Thuốc tiêu chảy Pepto Bismol
Thuốc Pepto Bismol thường được dùng để điều trị các vấn đề về tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tiêu chảy du lịch) và tình trạng khó chịu ở dạ dày (như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, khó tiêu). Thành phần Bismuth subsalicylate có trong thuốc Pepto Bismol giúp làm lành vùng niêm mạc dạ dày bị thương tổn, thúc đẩy quá trình co bóp của dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Nhờ đó giảm dần số lần đi ngoài, cải thiện tình trạng đau dạ dày do ăn nhiều, khó tiêu, buồn nôn, ợ nóng...
Lưu ý: Không dùng thuốc Pepto Bismol nếu bị tiêu chảy kèm sốt, đi ngoài có phân lẫn máu hoặc dịch nhầy, loét dạ dày, dị ứng aspirin hoặc các salicylat khác. Chống chỉ định dùng Pepto Bismol cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên đang sốt, có triệu chứng cúm hoặc thủy đậu.
3.6. Thuốc tiêu chảy Racecadotril
Thuốc Racecadotril hoạt động dựa trên cơ chế ức chế enzyme Enkephalinase trong đường tiêu hóa, nhờ đó giảm tiết dịch và ngăn chặn tình trạng mất chất điện giải, làm giảm số lần tiêu chảy.
Racecadotril được bào chế ở dạng viên nén, viên nang và hỗn dịch uống liền với tác dụng chính là điều trị các triệu chứng tiêu chảy cấp.
3.7. Thuốc Smecta
Thuốc Smecta (Diosmectit) có tác dụng tạo ra một lớp mỏng bao phủ niêm mạc đại tràng giúp bảo vệ niêm mạc, giảm tình trạng kích ứng và giảm số lần đi ngoài. Bên cạnh đó, thuốc còn có công dụng hấp thụ nước, hơi và ngăn không cho các tác nhân tiêu chảy như vi khuẩn, virus bám tiếp vào niêm mạc ống tiêu hóa. Nhờ vậy đẩy nhanh quá trình hồi phúc, cải thiện khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian đau bụng, tiêu chảy.
3.8. Kẽm
Tuy kẽm không phải là thuốc trị tiêu chảy nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, bổ sung kẽm giúp bệnh nhân tiêu chảy giảm thời gian và mức độ nặng của bệnh. Ngoài ra kẽm còn giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ tái phát bệnh sau khi điều trị. Người bình thường nếu được bổ sung kẽm đầy đủ cũng giúp cải thiện vị giác, kích thích sự thèm ăn và hạn chế nguy cơ mắc tiêu chảy.
Phía trên là một số loại thuốc trị tiêu chảy phổ biến giúp độc giả giải đáp thắc mắc “Bị tiêu chảy uống thuốc gì?”. Tuy nhiên cần lưu ý rằng những loại thuốc trên chỉ có thể tập trung điều trị triệu chứng tạm thời chứ không điều trị nguyên nhân. Do vậy nếu đã dùng thuốc nhưng tình trạng tiêu chảy vẫn không thuyên giảm thì bạn nên sớm đi thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.