Suy nhược cơ thể là bệnh lý có thể do rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây nên, đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi kéo dài. Suy nhược cơ thể kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trọng cơ thể và trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
1. Suy nhược cơ thể là gì?
Suy nhược cơ thể là triệu chứng mệt mỏi toàn thân, có thể kèm theo các dấu hiệu khác như mất ngủ kèm theo đau đầu trong thời gian có thể kéo dài ít nhất 6 tháng. Suy nhược cơ thể có thể xảy ra mọi lứa tuổi ở nam và nữ, trong đó độ tuổi từ 20 – 40 có nguy cơ cao nhất. Suy nhược cơ thể nếu như không được khắc phục kịp thời, bệnh có thể nặng lên và xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác như sợ hãi vô cớ, sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người khác, ác mộng về đêm khiến người bệnh không thể ngủ được hoặc khó ngủ.
Đa số trong các trường hợp không tìm được nguyên nhân gây ra suy nhược cơ thể, nhưng có thể một số nguyên nhân có thể khiến cơ thể bị suy nhược như:
- Bệnh nhân bị thiếu máu thiếu sắt;
- Thường xuyên hạ đường huyết;
- Rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng nặng toàn thân;
- Tăng bạch cầu đơn nhân, suy giảm miễn dịch, sự thay đổi nồng độ hormone của vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận;
- Cơ thể suy nhược cũng có thể do nhiễm virus, bệnh viêm khớp dạng thấp hay Lupus.
- Một số người lao động quá sức, ăn uống quá kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật, sinh đẻ... dễ dẫn đến bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết suy nhược cơ thể:
- Mệt mỏi, kiệt sức, thường xuyên bị đổ mồ hôi trộm, da xanh xao, đôi khi bị ngất xỉu.
- Đau yếu kéo dài hơn 6 tháng.
- Viêm họng, đau cơ, đau khớp nhưng không sưng đỏ.
- Nhức đầu, khó ngủ.
- Khó nhớ hoặc kém tập trung về một vấn đề nào đó.
- Lo lắng, bối rối, bi quan, thường dễ bị cáu gắt.
- Cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân.
- Tính khí thất thường.
- Suy giảm khả năng tình dục...
2. Suy nhược cơ thể có nguy hiểm không?
Có thể nhiều người vẫn còn khá chủ quan trước tình trạng bệnh suy nhược cơ thể nên không hề để tâm và tìm cách điều trị. Trên thực tế, suy nhược cơ thể nhẹ có thể không gây nguy hiểm, nhưng nếu như không điều trị bệnh suy nhược cơ thể sớm thì sẽ dẫn tới suy nhược cơ thể nặng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống. Những ảnh hưởng của suy nhược cơ thể mà bạn có thể gặp phải như:
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Khi cơ thể bị suy nhược tác động không nhỏ đến hệ thần kinh, hậu quả là người bệnh sẽ bị suy giảm trí nhớ. Họ thường rất hay quên những việc mình cần làm, những kiến thức mình cần học. Như vậy, chất lượng làm việc và học tập sẽ suy giảm đáng kể, người bệnh thường mất tập trung khi làm bất cứ việc gì và hay lo lắng suy nghĩ.
- Ảnh hưởng tinh thần và giấc ngủ: Người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi vì thiếu ngủ, thiếu năng lượng trong cuộc sống, chịu nhiều áp về lực công việc. Vì thế, tâm lý của họ thường bất ổn, không kiểm soát được cảm xúc và rất dễ bị kích động, cáu giận hoặc buồn bực vô cớ. Tình trạng này nếu như kéo dài có thể khiến bạn bị suy nhược thần kinh hoặc mắc một số bệnh lý tâm thần khác.
- Suy giảm sức khỏe: Những người bị suy nhược cơ thể suy giảm rõ rệt, sau khi vận động cơ thể dường như người bệnh thấy mất hết sức lực, năng lượng. Thậm chí, ở một số bệnh nhân còn thấy khó thở, ngất xỉu trong khi làm việc hoặc vận động. Những người bị suy nhược cơ thể thường có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch rất cao. Nếu như không điều trị sớm bệnh sẽ tiến triển ngày một nặng hơn và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
- Ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản: Một số người bị suy nhược cơ thể và sức khỏe sinh sản cũng có ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Cụ thể, phụ nữ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi có thể gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Còn đàn ông sẽ gặp vấn đề khi quan hệ tình dục, thường xuất tinh sớm.
- Nếu không điều trị sớm khi suy nhược cơ thể nặng sẽ khó cải thiện và điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Khi đó người bệnh có thể không chỉ có bệnh suy nhược cơ thể, mà các bệnh lý khác kèm theo. Điều này khiến người bệnh phải tăng chi phí điều trị cho bệnh.
Như vậy, suy nhược cơ thể là bệnh lý ít nguy hiểm khi được phát hiện và điều trị sớm. Nhưng khi bệnh đã diễn biến nặng thì có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ cần thăm khám và có các biện pháp điều trị phù hợp.
3. Cách phòng ngừa suy nhược cơ thể
Cách phòng ngừa và điều trị suy nhược cơ thể bạn có thể áp dụng như sau:
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm glucid, lipid, protein, vitamin và khoáng chất, không bỏ bữa. Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, các chất béo ngọt, kích thích.
- Uống đủ ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày, có thể uống nước lọc, nước hoa quả để bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế căng thẳng kéo dài, có thể tập thêm bài tập giúp thư giãn như yoga, thiền, đi bộ...
- Nên tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Nên ngủ đủ ít nhất từ 6-8h mỗi ngày. Thiếu ngủ kéo dài khiến cơ thể bạn mệt mỏi và lâu dần sẽ gây suy nhược cơ thể.
- Cần đi khám nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc thay đổi nào của cơ thể. Điều này giúp bạn xác định và điều trị sớm những vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tình trạng suy nhược tiến triển xấu đi.
Như vậy, suy nhược cơ thể cũng là bệnh nguy hiểm nếu không được quan tâm và điều trị đúng cách, vì có thể gây ra hậu quả ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trọng cơ thể. Chính vì vậy, khi mới có những dấu hiệu còn nhẹ bạn nên chú ý điều chỉnh và thăm khám khi các biện pháp điều chỉnh không mang lại hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.