Bị suy nhược cơ thể có nên truyền nước?

Một thói quen thường thấy ở nhiều người là đi truyền nước mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, sau khi ốm dậy,... Vậy khi người bệnh suy nhược cơ thể có nên truyền nước không, hãy cùng tìm hiểu các thông tin trên qua bài viết sau.

1. Suy nhược cơ thể là tình trạng gì ?

Suy nhược cơ thể là trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, không còn năng lượng để làm bất cứ việc gì, người bệnh kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Tình trạng này hay gặp ở người hoạt động quá mức, người ăn uống không đầy đủ, người già, phụ nữ sau sinh hoặc người mới ốm dậy. Triệu chứng ban đầu ở người suy nhược cơ thể là tình trạng mệt mỏi, chán ăn, xanh xao, sụt cân, nếu để lâu ngày không điều trị sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tinh thần, bệnh tim mạch,...

2. Truyền nước là gì ?

Truyền dịch hay thường được người dân gọi là truyền nước là việc đưa một lượng dịch từ bên ngoài vào thẳng trong tĩnh mạch của cơ thể thông qua kim truyền. Thông thường các loại dịch truyền có thể là: Nước muối (NaCl 0,9%), dung dịch đường (Glucose), các chất điện giải, đạm (acid amin) hoặc vitamin,...

Ở những người bị suy nhược cơ thể, dung dịch truyền thường là Glucose, đạm, vitamin với dung tích mỗi chai dịch là 500ml và được truyền trong 6 - 8h.

3. Suy nhược cơ thể có nên truyền nước không?

Truyền nước hay truyền dịch là chỉ định của bác sĩ và bạn chỉ nên truyền dịch sau khi đã được bác sĩ thăm khám và tư vấn. Thực tế, hầu hết các bác sĩ đều rất thận trọng khi quyết định truyền dịch cho bệnh nhân vì bên cạnh những lợi ích mang lại, khi một lượng lớn dịch bên ngoài được đưa trực tiếp vào tĩnh mạch có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, trước khi cho bệnh nhân truyền dịch, bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe và dựa vào đó để chỉ định loại dịch cần truyền. Không chỉ vậy, quá trình truyền dịch còn phải tuân thủ theo những quy định về tốc độ truyền, lượng dịch, thời gian truyền và những yêu cầu về đảm bảo vô khuẩn cũng như sự giám sát các phản ứng bất thường trong quá trình truyền. Chính vì vậy, truyền nước không hề đơn giản là bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể để bất kỳ ai cũng có thể tự làm tại nhà.

Thông thường, dịch truyền vào tĩnh mạch được sử dụng trong những trường hợp cấp cứu khi cơ thể thiếu hụt một lượng dịch lớn mà việc bù bằng đường ăn uống không thể đảm bảo như: Mất máu cấp tính, sốt cao, tiêu chảy mất nước nặng hoặc truyền dịch để đưa thuốc vào cơ thể với mục đích điều trị,...

Trong khi đó, trong phần lớn các trường hợp bị suy nhược cơ thể, người bệnh vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có thể ăn uống được bình thường. Như vậy, việc truyền dịch là không cần thiết vì bạn hoàn toàn có thể bù nước, bổ sung các chất dinh dưỡng và năng lượng để hồi phục cơ thể bằng đường ăn uống. Trong một số trường hợp suy nhược cơ thể nặng, người bệnh không thể tự ăn uống được thì sẽ được bác sĩ chỉ định ăn qua sonde dạ dày hoặc truyền dịch để cung cấp năng lượng cũng như điều trị bệnh.

4. Những biến chứng có thể xảy ra khi truyền dịch

Không phải ngẫu nhiên mà các bác sĩ rất thận trọng khi quyết định cho bệnh nhân truyền dịch. Đầu tiên, đây là hành động không tự nhiên, các mạch máu luôn cần được đảm bảo vô khuẩn và không bị tổn thương. Tiếp theo, đường truyền tĩnh mạch thường chỉ được sử dụng cho những trường hợp thật sự cần thiết như cấp cứu hoặc các rối loạn không hồi phục nguy cơ dẫn đến rối loạn huyết động. Cuối cùng, trong và sau quá trình truyền có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm mà nếu việc này được thực hiện tại nhà sẽ không có nhân viên y tế cũng như trang thiết bị đầy đủ cho việc xử trí cấp cứu. Một số nguy cơ và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi truyền dịch là:

  • Sốc phản vệ: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, có thể xảy ra ở bất cứ ai và bất cứ đâu, ngay cả trong bệnh viện. Những dấu hiệu đầu tiên của sốc phản vệ là nổi mày đay, khó thở, đau bụng,... nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn, suy đa cơ quan không hồi phục và dẫn đến tử vong. Đối với những người tự truyền nước ở nhà, nguy cơ xảy ra sốc phản vệ có thể cao hơn vì nhiều nguyên nhân như: Truyền không đúng loại dịch, cơ địa dị ứng với các thành phần trong dịch truyền, đâm kim quá nhanh, không có nhân viên y tế giám sát chặt chẽ, không có phương tiện cấp cứu kịp thời.
  • Nhiễm trùng: Bất cứ can thiệp nào lên cơ thể cũng đều có nguy cơ gây ra nhiễm trùng. Khi truyền nước, kim tiêm sẽ xâm lấn trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh và lúc này, nếu không tuân thủ đúng các nguyên tắc vô khuẩn sẽ rất dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nguyên nhân là vì khi đâm kim vào cơ thể đã mở một con đường cho hàng triệu vi khuẩn trên da, kim tiêm, môi trường xung quanh đi trực tiếp vào máu người bệnh. Trong khi đó, người bị suy nhược cơ thể lại có sức đề kháng rất yếu, vậy nên một khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công thì rất khó để chống trả, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tại nơi tiêm, nhiễm trùng cơ quan và nặng nề nhất là nhiễm trùng máu.
  • Quá tải dịch: Ở những người bình thường có thể tự ăn uống sinh hoạt được thì hầu như không có tình trạng thiếu dịch. Vì vậy, nếu lúc này truyền dịch vào lòng mạch sẽ khiến tế bào và hệ thống tuần hoàn bị quá tải dịch. Khi bị quá tải sẽ dẫn đến dịch từ lòng mạch tràn vào các khoang gian bào gây phù và tăng gánh nặng cho tim. Nguy hiểm hơn, dịch truyền có thể tràn vào màng phổi gây phù phổi, tràn vào màng tim gây phù tim và dẫn đến nguy cơ chèn ép tim, khó thở, thậm chí tử vong.
  • Hủy hoại cầu thận: Thận đảm nhận nhiệm vụ thải các chất không cần thiết ra khỏi cơ thể sau khi ăn uống hoặc cả khi truyền dịch. Nếu truyền dịch với tốc độ nhanh quá mức cho phép sẽ buộc thận phải tăng hoạt động để thải hết lượng nước thừa ra ngoài để đảm bảo hoạt động bình thường cho cơ thể. Trong khi ở người suy nhược cơ thể, các cơ quan trong đó có cả thận đang trong trạng thái suy kiệt, giảm chức năng, nay lại phải tải một lượng dịch lớn như vậy sẽ khiến thận quá tải dẫn đến nguy cơ thận ứ nước, viêm cầu thận hoặc hư tổn không hồi phục.

Tóm lại, từ những thông tin đã cung cấp cho thấy việc truyền nước không phải là giải pháp an toàn và hiệu quả cho hầu hết những người bị suy nhược cơ thể. Bệnh nhân truyền nước cần được thăm khám kỹ càng và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe