Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu của một hoặc nhiều căn bệnh khác nhau. Trong đó, rong kinh kéo dài gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của các chị em. Mặc dù mức độ không nghiêm trọng nhưng vấn đề này lại có thể liên quan đến khả năng sinh sản. Những thông tin cơ bản sau đây góp phần cung cấp hiểu biết cho các chị em về rong kinh.
1. Rong kinh là gì?
Một chu kỳ kinh nguyệt ở một phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh bình thường sẽ kéo dài trong khoảng từ 28 đến 32 ngày. Trong đó, thời gian hành kinh xuất hiện từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba hoặc ngày thứ năm của chu kỳ. Máu kinh đỏ sẫm, không đông, bao gồm máu tử cung và niêm mạc bong tróc của âm đạo - tử cung và nhiều vi khuẩn có sẵn trong cơ quan sinh dục nữ.
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên bảy ngày, có tính chu kỳ lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, lượng máu mất đi sau mỗi kỳ kinh nguyệt nhiều hơn chu kỳ bình thường, thường trên 80ml máu kinh cho mỗi chu kỳ (bình thường là khoảng 50 - 80 ml/ chu kỳ).
Khái niệm này cần phân biệt với rong huyết. Đây cũng là tình trạng ra máu kéo dài trên bảy ngày nhưng lại không mang tính chu kỳ. Lượng máu có thể ít, trung bình hoặc nhiều. Trong trường hợp rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày sẽ trở thành rong huyết và được gọi là rong kinh rong huyết.
2. Rong kinh là biểu hiện của bệnh gì?
Rong kinh là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý không chỉ thuộc lĩnh vực sản – phụ khoa mà còn gặp trong các chuyên khoa khác.
Để tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân, triệu chứng này được phân loại thành hai nhóm: Rong kinh do nguyên nhân cơ năng và rong kinh do nguyên nhân thực thể.
2.1. Rong kinh cơ năng
Rong kinh cơ năng là hệ quả của những rối loạn trong sự điều hòa hoạt động của các hormone sinh dục nữ. Theo đó, tại mỗi lứa tuổi khác nhau, lý giải nguyên nhân của rong kinh là hoàn toàn khác nhau.
Rong kinh thường gặp nhất ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối tại thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh. Ngay sau chu kỳ hành kinh đầu tiên, cột mốc dậy thì được đánh dấu. Trong vòng hai năm sau đó, các thiếu nữ thường có vòng kinh không đều vì không có phóng noãn. Nguyên nhân là do hoạt động nội tiết của vùng dưới đồi hoặc buồng trứng chưa trưởng thành. Estrogen tăng lên kéo dài, không có hoàng thể và cũng không có hiện tượng bong nội mạc tử cung. Nội mạc cứ dày lên mãi trong khi mạch máu không tăng trưởng kịp nên không đủ máu nuôi, dẫn đến hoại tử và bong ra từng mảng, gây ra huyết nhiều và kéo dài.
Đến tuổi quanh mãn kinh, hiện tượng các chu kỳ kinh nguyệt không kèm phóng noãn lặp lại, do sự thoái hóa của buồng trứng kéo theo sụt giảm nồng độ hormone. Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu thưa dần trước khi mất hẳn. Mặt khác, chu kỳ cũng có thể thất thường, không đều và hành kinh kéo dài, lượng máu kinh ít nhiều không giống nhau.
2.2. Rong kinh thực thể
Rong kinh thực thể là biểu hiện khi có những tổn thương, bệnh lý thực sự tại tử cung hoặc buồng trứng như: u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, polyp nội mạc tử cung, tăng sinh niêm mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư nguyên bào nuôi,...
Bên cạnh đó, rong kinh còn có nguyên nhân từ nhiễm khuẩn sau sinh, sau nạo thai, sảy thai, thai lưu, thai ngoài tử cung,... Những chấn thương trên đường sinh dục, dị vật đường sinh dục cũng gây ra rong kinh.
Ngoài ra, rong kinh cũng là triệu chứng thực thể của các bệnh lý toàn thân khác như rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, bệnh lý tuyến yên, bệnh tuyến giáp, xuất huyết giảm tiểu cầu hay các rối loạn đông cầm máu, bệnh tự miễn, bệnh bạch cầu, bệnh gan, bệnh thận... và do sử dụng thuốc như estrogen, aspirin, heparin, tamoxifen,... Trong những trường hợp này, rong kinh thường đi kèm với rong huyết.
3. Rong kinh có gây nguy hiểm gì không?
Rong kinh nếu để kéo dài gây mất máu rỉ rả, về lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu mạn nặng dần với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, giảm khả năng lao động gắng sức, kém tập trung, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng...
Tình trạng ra máu kéo dài sẽ tạo nên môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến viêm nhiễm sinh dục. Vi khuẩn sẽ lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và có thể lên vòi trứng gây viêm phần phụ, thậm chí gây vô sinh sau này.
Rong kinh đôi khi còn kèm theo ra khí hư, đau bụng dưới, căng tức ngực,... làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Về mặt tâm lý, người phụ nữ sẽ luôn có cảm giác khó chịu, thậm chí sợ hãi mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt cũng như về quan hệ vợ chồng.
Ngoài ra, có thể do thiếu kiến thức và chủ quan, tư tưởng e ngại, nhiều chị em nghĩ rằng những bất thường này do thay đổi thời tiết, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi... Do đó, họ đã vô tình trì hoãn điều trị, bệnh lý ngày càng phát triển trong cơ thể và gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Lúc này, việc điều trị đôi khi đã muộn màng.
Tóm lại, dù mức độ không nghiêm trọng nhưng không được chủ quan khi bị rong kinh, nhất là trong độ tuổi sinh sản hay đã mãn kinh do những nguyên nhân thực thể. Lúc này, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám xác định bệnh lý, định hướng điều trị phù hợp, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.