Bị ngáp nhiều là bệnh gì?

Ngáp vốn là một phản ứng bình thường của cơ thể, tuy nhiên nếu bệnh nhân ngáp quá nhiều, ngáp liên tục thì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Vậy nguyên nhân khiến người bệnh ngáp liên tục là gì? Có giải pháp nào để phòng tránh tình trạng này không?

1. Ngáp nhiều là bệnh gì?

Ngáp là một phản xạ bình thường của cơ thể khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ. Tuy nhiên ngáp quá nhiều là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có một số vấn đề bất thường. Một số nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân ngáp liên tục bao gồm:

1.1 Cơ thể thiếu oxy

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây ngáp là sự gia tăng nồng độ carbon dioxide hoặc giảm nồng độ oxy trong máu. Khi đó, ngáp chính là phản xạ của cơ thể nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho phổi và máu.

1.2 Bệnh lý tim mạch

Ngáp quá nhiều liên quan cũng có thể liên quan đến hoạt động của dây thần kinh phế vị - dây thần kinh chạy tự đáy não xuống tim và dạ dày. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị các vấn đề về tim mạch có thể ngáp nhiều, khó thở.

1.3 Đột quỵ

Ngáp liên tục có thể xảy ra trước hoặc sau khi đột quỵ. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác như tê, mặt rủ xuống, yếu tay, khó nói, nói ngọng. Một số chuyên gia y tế cho rằng, những người ngáp liên tục khi tập thể dục, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng cũng sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

1.4 Rối loạn đường huyết

Rối loạn đường huyết có thể gây ra ngáp và buồn ngủ, nhất là sau bữa ăn. Glucose trong thức ăn đi vào máu sẽ kích thích tuyến tụy tiết ra insulin - hormone giúp đưa glucose vào tế bào. Nếu lượng đường nạp vào cơ thể quá nhiều và tế bào đề kháng với hoạt động của insulin thì tế bào tụy vẫn liên tục tiết ra insulin và khi đó insulin dư thừa sẽ dẫn đến ức chế thần kinh, gây ra cảm giác mệt mỏi, ngáp liên tục.

1.5 Bệnh lý thần kinh

Ngáp nhiều, ngáp liên tục cũng là dấu hiệu của một hoặc nhiều chứng bệnh như bệnh đa xơ, bệnh thoái hóa thần kinh vận động của cột sống, bệnh Parkinson..

.Parkinson là bệnh liên quan đến rối loạn trong hệ thần kinh trung ương. Một trong những triệu chứng của bệnh là rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng và bệnh nhân có thể ngáp liên tục vào ban ngày, buồn ngủ không cưỡng lại được.

1.6 Suy tuyến giáp

Nếu bệnh nhân luôn cảm thấy buồn ngủ (có thể ngủ từ 14 - 16 tiếng mỗi ngày), ngáp liên tục thì đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh suy tuyến giáp. Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa... Khi chức năng của tuyến giáp bị suy giảm sẽ làm cơ thể mệt mỏi, uể oải và thường xuyên cảm thấy buồn ngủ.

1.7 Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ chẳng hạn như thuốc kháng histamin thế hệ 1, thuốc ho dextromethorphan, thuốc điều trị trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs),...

1.8 Thiếu sắt

Sắt là nguyên liệu tham gia tổng hợp nên hemoglobin trong hồng cầu. Hemoglobin có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển oxy đến các mô sẽ giảm sút, nhất là não, làm cho cơ thể thường xuyên mệt mỏi và dẫn đến hiện tượng ngáp nhiều.

1.9 Nhiễm phóng xạ

Các chất phóng xạ có trong đất, năng lượng mặt trời, từ các nguồn nhân tạo như máy chụp X-quang, máy móc y tế dùng phóng xạ để chẩn đoán điều trị hoặc dùng các thiết bị thăm dò. Bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ có thể có biểu hiện giống như say sóng và biểu hiện đầu tiên là ngáp nhiều.

1.10 Rối loạn giấc ngủ

Một số bệnh nhân rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ hoặc chứng ngủ rũ cũng có biểu hiện ngáp nhiều khó thở liên tục.

2. Cách điều trị ngáp nhiều như thế nào?

Để phòng ngừa tình trạng ngáp nhiều, chúng ta cần xử lý nguyên nhân gây ra nó. Nếu nguyên nhân gây ngáp nhiều là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể điều chỉnh liều thấp hơn hoặc đổi sang một loại thuốc khác. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý ngừng dùng thuốc hoặc thay đổi liều mà không có sự chấp thuận của bác sĩ. Nếu ngáp nhiều xảy ra do rối loạn giấc ngủ, lo âu hoặc trầm cảm... bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ đơn thuần, thuốc điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu,...

Bên cạnh đó bệnh nhân cũng nên thay đổi chế độ sinh hoạt, cố gắng ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, tập thể dục để tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng. Bệnh nhân cần tránh sử dụng các đồ ăn thức uống như cafe, trà sữa, trà, nước tăng lực, nước ngọt..., ăn nhiều rau xanh và các loại hạt giàu omega tốt cho hệ tim mạch. Tuy nhiên nếu ngáp quá mức là triệu chứng của một vấn đề tế nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim mạch, suy tuyến giáp thì cần có sự can thiệp y tế để chẩn đoán và điều trị nguyên nhân.

Tóm lại, nếu bệnh nhân nhận thấy sự gia tăng đột ngột của việc ngáp mà không có nguyên nhân rõ ràng thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe