Hội chứng ruột kích thích là 1 rối loạn chức năng đường ruột tái đi tái lại nhiều lần các triệu chứng như đau bụng, co thắt, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón... Trong đó, đau bụng là triệu chứng chính dùng để chẩn đoán xác định tình trạng này. Tìm hiểu về cơ chế, biểu hiện và vị trí của triệu chứng đau bụng trong hội chứng ruột kích thích sẽ hỗ trợ cho việc chẩn đoán sớm và điều trị tình trạng này.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
1.1 Định nghĩa
Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable bowel syndrome) là 1 loại rối loạn chức năng của đường tiêu hóa thường gặp ở đại tràng (ruột già). Hội chứng này đặc trưng bởi các triệu chứng đau bụng kèm rối loạn nhu động ruột hay thay đổi thói quen đại tiện, không kèm theo bất kỳ tổn thương thực thể hay một bất thường nào về giải phẫu trên đường ruột. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích còn được gọi là hội chứng đại tràng co thắt.
1.2 Nguyên nhân
Cơ chế bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích này thường liên quan đến những yếu tố sau :
- Chế độ ăn: Hầu hết các rối loạn tiêu hoá hiện nay nói chung và hội chứng ruột kích thích nói riêng đều có liên quan đến chế độ ăn không hợp lý hay ăn phải đồ ăn hỏng hoặc các loại thực phẩm chứa các chất độc hại.
- Tâm sinh lý: Người thường xuyên suy nghĩ, lo lắng, stress hay người có vấn đề về tâm thần kinh như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ... rất dễ mắc phải hội chứng ruột kích thích. Nguyên nhân này còn có ảnh hưởng đến việc theo dõi và điều trị hội chứng này.
- Các nguyên nhân khác: Các bệnh nhân từng mắc các bệnh lý trên đường tiêu hóa, tiền sử gia đình, phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng các thuốc nội tiết... là những yếu tố này làm phát sinh những nhu động ruột bất thường, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành hội chứng ruột kích thích.
2. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
2.1. Lâm sàng
Theo tiêu chuẩn Rome IV (2016), hội chứng ruột kích thích đặc trưng bởi đau bụng tái phát, thường xảy ra ít nhất 1 ngày mỗi tuần và trong 3 tháng gần đây, kết hợp với 2 hoặc 3 yếu tố sau :
- Đau bụng liên quan đến đi đại tiện.
- Thay đổi hình dạng phân khi đại tiện.
- Thay đổi về số lần đại tiện.
2.2. Cận lâm sàng
- Không có biểu hiện bất thường trong công thức máu.
- Xét nghiệm phân tìm máu ẩn hay ký sinh trùng.
- Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) bụng hay chụp cộng hưởng từ bụng để xác định các khối u hay tổn thương choáng chỗ trong đường ruột.
- Nội soi đại tràng là một công cụ cần thiết trong việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở đại tràng.
- Xét nghiệm sinh thiết, mô bệnh học đại tràng nhằm xác định chính xác các tổn thương.
3. Hội chứng ruột kích thích đau ở đâu?
Các cơn đau trong hội chứng ruột kích thích liên quan đến đường ruột, cụ thể là ở đại tràng. Đau trong hội chứng ruột kích thích thường là những cơn đau cơ năng, nghĩa là nó xuất hiện mà không kèm theo bất kỳ tổn thương thực thể hay 1 bất thường nào về giải phẫu trên đường ruột.
Các cơn đau trong hội chứng ruột kích thích có thể được cảm thấy ở nhiều nơi trên cơ thể, nhưng thường xảy ra nhất ở vùng bụng dưới (hạ vị). Triệu chứng này thường xảy ra sau khi ăn và có thể thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn sau khi đi tiêu. Nó có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ đến trầm trọng, có thể dữ dội đến mức đôi khi bị nhầm với đau ruột thừa hoặc đau tim.
3.1. Cơ chế đau trong hội chứng ruột kích thích
Nghiên cứu về hội chứng ruột kích thích cho thấy rằng cơn đau có thể do các dây thần kinh quá nhạy cảm trong ruột gây ra. Các thụ thể thần kinh cực nhạy này thường phản ứng quá mức với các kích thích vật lý, sau đó sẽ gửi thông điệp đến não, thông báo rằng nó đang bị đau. Hàng triệu dây thần kinh và tế bào thần kinh chạy giữa ruột và não, được gọi là trục não-ruột. Điều này có nghĩa là não có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra trong ruột và ruột có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra trong não. Việc nhận các kích thích liên tục khiến não nhạy cảm với từng thay đổi nhỏ đến từ ruột, từ đó khiến các cơn đau xảy ra với tần suất nhiều hơn và tái đi tái lại nhiều lần.
3.2. Vị trí xuất hiện các cơn đau trong hội chứng ruột kích thích
3.2.1. Đau bụng
Đau bụng hội chứng ruột kích thích là một triệu chứng thường xuyên xảy ra, có thể đi kèm với buồn nôn, đau bụng và đầy hơi. Các cảm giác đau bụng thường bắt nguồn từ các cơn co thắt hay ứ khí trong ruột, từ đó dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
Đau bụng do rối loạn đại tiện cũng có thể do yếu tố tâm lý như căng thẳng hoặc lo lắng. Trong những lúc căng thẳng, hệ thống thần kinh giao cảm chuyển hướng và làm giảm các dòng máu đến ruột, làm chậm chức năng của nó.
Đau bụng thường đau ở xung quanh của khung đại tràng:
- Đau hạ vị: Khoảng 25% bệnh nhân đau tại vị trí này, thường giảm sau khi đi đại tiện.
- Đau bụng bên phải: Chiếm khoáng 20%.
- Đau bụng bên trái: Chiếm khoảng 20%.
- Đau quanh rốn: Chiếm khoảng 25%.
- Đau thượng vị: Chiếm khoảng 10 % bệnh nhân, thường đi kèm với chướng bụng và có thể nặng hơn sau bữa ăn.
Các yếu tố làm tăng tình trạng đau bụng:
- Căng thẳng, lo âu, rối loạn tâm thần, mất ngủ...
- Ăn nhiều thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường...
- Bệnh nhân nữ trong chu kỳ kinh nguyệt.
3.2.2. Đau lưng
Đau lưng không phải là một triệu chứng nghĩ nhiều do hội chứng ruột kích thích, nhưng nó thường xảy ra do sự tích tụ khí và co thắt đại tràng. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 68% đến 81% những người bị hội chứng ruột kích thích sẽ bị đau lưng. Các cơn đau này thường xuất hiện đầu tiên trên đường ruột, được dẫn truyền theo hệ thống thần kinh vùng chậu bụng và cuối cùng tác động lên thần kinh cảm giác đau ở lưng.
Tần suất các cơn đau lưng ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích có kèm theo các bệnh lý như thoái hóa cột sống, viêm khớp dạng thấp, viêm bàng quang kẽ, và đau cơ xơ hóa... thường nhiều hơn ở người bình thường.
3.2.3. Đau ngực
Đau ngực có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh mạch vành. Tuy nhiên, đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, đau ngực có thể là triệu chứng do ứ khí trong đường ruột, đặc biệt là ở dạ dày hoặc đại tràng trái.
Một lý do khác khiến những người bị hội chứng ruột kích thích có thể bị đau ngực là do họ có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cao gấp 4 lần người bình thường. Ngoài ra, các phân tích về giải phẫu học cho thấy các dây thần kinh ở vùng tim cũng liên quan đến thực quản. Vì vậy, bệnh nhân có thể nghĩ rằng họ đang trải qua cơn đau có nguồn gốc từ tim khi cơn đau thực chất là đến từ thực quản.
3.2.4. Đau đầu hoặc đau nửa đầu
1 giả thuyết cho rằng đau đầu trong hội chứng ruột kích thích là kết quả của mối quan hệ giữa hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương, còn được gọi là trục não - ruột. Dây thần kinh phế vị (dây thần kinh lang thang – dây thần kinh số X), dây thần kinh sọ não dài nhất trong cơ thể, kết nối não với ruột dọc theo trục ruột - não. Dây thần kinh này truyền tín hiệu theo hai hướng, có nghĩa là nó có thể chuyển tiếp tín hiệu và thông tin về cơn đau từ não đến ruột và ngược lại. Vì dây thần kinh phế vị có liên quan đến cả cơn đau đầu và các triệu chứng trong hội chứng ruột kích thích, nó thường được cho là có liên quan đến các triệu chứng chồng chéo.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh học và Phẫu thuật Thần kinh Ba Lan cho thấy từ 23% đến 53% những người bị hội chứng ruột kích thích thường xuyên bị đau đầu. Nghiên cứu bổ sung, được công bố trên Tạp chí BMC Gastroenterology, báo cáo rằng những người bị hội chứng ruột kích thích có khả năng bị đau nửa đầu cao hơn khoảng 60% so với những người không mắc phải hội chứng này.
3.2.5. Đau hậu môn, trực tràng
Các triệu chứng đau hậu môn và trực tràng ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích thường liên quan đến bệnh trĩ và nứt hậu môn, một biến chứng của táo bón mạn tính. Vì táo bón có thể gây ra phân cứng, khô và khó đi ngoài, đau hậu môn do bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn gây ra thường nặng hơn khi đi đại tiện.
Một nghiên cứu năm 2017 sàng lọc 255 người bị hội chứng ruột kích thích ghi nhận rằng 27,8% những người được chẩn đoán mắc hội chứng này cũng có tiền sử biến chứng hậu môn, chẳng hạn như nứt hậu môn hay bệnh trĩ.
3.2.6. Đau hàm mặt
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những người mắc hội chứng ruột kích thích có nguy cơ bị đau và tổn thương chuyển động của khớp hàm và các cơ xung quanh. Điều này cũng được giải thích là có liên quan đến dây thần kinh phế vị. Tuy nhiên, triệu chứng này thường ít xảy ra hơn so với các cơn đau tại vị trí khác.
4. Điều trị đau trong hội chứng ruột kích thích
4.1. Điều trị không dùng thuốc
- Đối với cơn đau bụng, hãy thử dùng dầu bạc hà, dùng thuốc chống co thắt (như Buscopan), chườm nóng hoặc thử điều trị tâm lý bằng liệu pháp thôi miên (Hypnotherapy).
- Các bài tập như gập bụng nhẹ nhàng và một số tư thế Yoga được biết là sẽ giúp loại bỏ tình trạng ứ khí trong đường ruột. Tránh nằm quá nhiều trong ngày.
- Hạn chế chất xơ lúa mì, hạn chế ăn chất béo và tránh đồ uống có gas và chất làm ngọt nhân tạo.
- Sử dụng các thuốc kháng Axit khi xuất hiện hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên việc điều trị cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị các cơn đau đầu, đau hàm mặt thường được chỉ định sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và Acetaminophen (Tylenol, Paracetamol). Tuy nhiên, một số thuốc nhóm NSAIDs như Advil, Motrin hoặc Aleve có thể làm các triệu chứng đường ruột trở nên tồi tệ hơn.
- Điều trị đau hậu môn trực tràng thường liên quan đến việc điều trị bệnh trĩ và nứt hậu môn.
- Các thuốc khác dùng để điều trị giảm hội chứng ruột kích thích cần được thông qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Các cơn đau, đặc biệt là đau bụng là một trong những triệu chứng thường gặp của hội chứng ruột kích thích. Việc phát hiện sớm và đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả hiệu quả điều trị, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và người nhà.