Bị ho ra máu uống thuốc gì? Đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với những người khi có dấu hiệu ho ra máu. Để biết được cách chữa ho ra máu bằng thuốc đạt hiệu quả tốt nhất thì mọi người hãy cùng tìm hiểu và tham khảo những thông tin về chứng ho ra máu trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân ho ra máu
Muốn biết bị ho ra máu uống thuốc gì? Thì trước hết mọi người cần biết được nguyên nhân gây ho ra máu là do đâu?
Ho ra máu là tình trạng máu được thoát từ trong cơ thể ra ngoài theo đường hô hấp (mũi, miệng) khi người bệnh ho khạc. Máu thường sẽ chảy từ vị trí thanh môn trở xuống.
Nếu ho ra máu không được kiểm soát sớm và đúng cách thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ huyết động và thận chí có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là trụy tuần hoàn. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhân có thể sẽ rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.
Nguyên nhân gây ho ra máu có thể bắt nguồn từ một trong số những bệnh lý sau đây:
- Giãn phế quản: Bệnh nhân sẽ thường xuyên bị tái diễn tình trạng ho và khạc đờm thành đợt, lượng đờm nhiều đôi khi có lẫn cả máu. Thậm chí bệnh nhân nặng còn có thể ho ộc ra máu hoặc ho ra máu sét đánh và thường dễ nhầm lẫn với bệnh lao phổi.
- Nhiễm trùng hô hấp: Ho ra máu thường xảy ra ở những những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: viêm phổi hoại tử, nấm phổi hay u nấm phổi, áp xe phổi hay viêm phế quản cấp. Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng khác đi kèm như: ho ra đờm và mủ lâu ngày không khỏi, đau ngực...
- Lao phổi: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây triệu chứng ho ra máu. Triệu chứng này xảy ra khi tổn thương phổi tạo thành hang và gây đứt vỡ các mạch máu phổi. Khi bị lao phổi, bệnh nhân thường ho ra đờm có lẫn máu với số lượng có thể ít hoặc nhiều và kèm theo các triệu chứng khác như: khó thở, mệt mỏi, chán ăn...
- Ung thư phế quản: Những người có thói quen hút thuốc lá là đối tượng dễ bị ung thư phế quản. Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu nên rất khó nhận biết. Đối với trường hợp bị ung thư phế quản thường sẽ có những dấu hiệu như: ho ra máu kéo dài, khó thở, đau ngực...
- Các bệnh tim mạch: Bệnh nhân bị suy thất trái, hẹp van tim hai lá hoặc bị nhồi máu phổi, phù phổi cấp... cũng thường có triệu chứng ho ra máu.
Trên đây là một số nguyên nhân gây tình trạng ho ra máu. Tuy nhiên, để biết chính xác nguyên nhân gây ho ra máu nhằm có biện pháp điều trị, sử dụng thuốc phù hợp và hiệu quả thì người bệnh cần phải trực tiếp thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chỉ định phù hợp.
2. Bị ho ra máu uống thuốc gì?
Khi có dấu hiệu bị ho ra máu thì vấn đề được người bệnh quan tâm nhất ngay lúc này đó chính là bị ho ra máu uống thuốc gì?
Trước khi điều trị ho ra máu thì người bệnh cần được thăm khám để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ho ra máu do đâu? Có những nguyên nhân có thể sử dụng thuốc điều trị ho ra máu. Nhưng cũng có những nguyên nhân ho ra máu cần phải xử trí bằng biện pháp nút mạch hoặc nặng thì thực hiện phẫu thuật.
Căn cứ vào nguyên nhân gây ho ra máu, các bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ cân nhắc chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị sau:
2.1. Giảm ho an thần
Bị ho ra máu uống thuốc gì? Thì dựa trên mức độ ho ra máu cũng như tình trạng hô hấp của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê các thuốc an thần sao cho phù hợp.
Một số loại thuốc an thần thường được dùng cho những trường hợp bị ho ra máu như là: Seduxen hay Gardenal dùng theo dạng viên hoặc đường tiêm. Mục đích của việc dùng thuốc này là giúp ổn định tinh thần, đồng thời giảm thiểu phản xạ ho cho bệnh nhân.
2.2. Sử dụng thuốc giúp cầm máu, truyền máu
Chữa ho ra máu bằng thuốc gì? Có thể bác sĩ sẽ sử dụng thuốc giúp cầm máu hoặc truyền máu cho bệnh nhân. Phương pháp này là hiệu quả khi áp dụng để cầm máu và co mạch.
Những loại thuốc như: Cyclonamine, hay Transamin có tác dụng làm chậm tiêu sợi tơ huyết và ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
2.3. Sử dụng kháng sinh cho trường hợp bị nhiễm khuẩn
Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh đối với những trường hợp bị nhiễm khuẩn.
Khi bệnh nhân bị ho ra máu sẽ khiến một phần máu bị đọng lại trong lòng phế quản và đây chính là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi phát triển. Do đó để dự phòng nguy cơ bị nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc kháng sinh nhằm ngăn ngừa bội nhiễm.
2.4. Điều trị ho ra máu nhẹ
Đối với những người bệnh bị ho ra máu nhẹ thì cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và nên ăn những loại thức ăn lỏng như súp, cháo và kèm theo dùng thuốc an thần. Bệnh nhân tuyệt đối không được dùng đồ uống có cồn và sử dụng các chất kích thích.
2.5. Điều trị ho ra máu bằng nội soi
Phương pháp điều trị ho ra máu bằng nội soi thường sẽ ứng dụng trong việc cầm máu và loại bỏ những cục máu đông tích tụ trong phổi.
2.6. Điều trị phẫu thuật cấp cứu
Trong trường hợp đã áp dụng hết các biện pháp nội khoa nhưng không mang lại hiệu quả điều trị thì sẽ lựa chọn điều trị phẫu thuật cấp cứu. Kỹ thuật này với mục đích mở lồng ngực, thắt lại mạch máu hoặc cắt bỏ thùy phổi đã bị tổn thương.
2.7. Điều trị ho ra máu nặng
Đối với trường hợp ho ra máu nặng thì người bệnh cần được nằm nghỉ ngơi ở khu vực yên tĩnh và thoáng mát, giữ tư thế hoàn toàn bất động mà không được di chuyển. Bệnh nhân cần nằm ở tư thế nghiêng về bên phía phổi đang bị tổn thương và cần được cầm máu kịp thời.
Trong trường hợp bệnh nhân bị mất quá nhiều máu thì phải có phương án bổ sung lượng máu đã mất. Bên cạnh đó cần theo dõi sát sao những trường hợp ho ra máu nặng. Cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, ăn thức ăn lỏng và dễ tiêu và tuyệt đối không dùng chất kích thích, đồ uống có cồn trong thời gian điều trị.
Như vậy, với thắc mắc mắc bị ho ra máu uống thuốc gì? Thì việc điều trị ho ra máu còn phụ thuộc vào từng nguyên nhân, mức độ của bệnh và tình trạng cụ thể của từng trường hợp bệnh nhân.
Khi bị ho ra máu và kèm theo các dấu hiệu bất thường khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn hãy nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn, cũng như có chỉ định điều trị phù hợp và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.