Bị gan nhiễm mỡ độ 2 có thể chữa dứt điểm?

Trong trường hợp gan nhiễm mỡ độ 2, lượng mỡ tích tụ có thể lên đến 20% khối lượng gan, cùng với đó là tình trạng nhiều chức năng gan bị suy giảm nặng. Đây được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa mức độ gan nhiễm mỡ nhẹ (độ 1) và mức độ nghiêm trọng (cấp độ 3). Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư gan. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bệnh gan nhiễm mỡ là căn bệnh như thế nào?

Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh quen thuộc trong xã hội hiện đại ngày nay. Đây cũng là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người bị béo phì.  

Giống như các cơ quan khác trong cơ thể, gan cũng chứa một lượng mỡ nhất định được gọi là ngưỡng an toàn. Trong gan của người bình thường, lượng mỡ chiếm khoảng 3-5% trọng lượng gan, đủ để cho phép gan hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi lượng mỡ này tích tụ quá mức, gan sẽ bị nhiễm mỡ và gây ra nhiều bệnh lý lâm sàng.

Trên lâm sàng, gan nhiễm mỡ được chia thành ba cấp độ:

  • Cấp độ 1: Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh, còn ở mức độ nhẹ. Các triệu chứng nhẹ thường gặp bao gồm mệt mỏi, ăn uống kém và đôi khi đau bụng không rõ nguyên nhân. Những triệu chứng này thường xuất hiện khi cơ thể phải làm việc quá sức hoặc làm việc trong thời gian dài. Do triệu chứng chưa rõ ràng nên bệnh chủ yếu được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn này giúp điều trị nhanh hơn, hiệu quả hơn và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng.
  • Cấp độ 2: Lượng mỡ sẽ chiếm từ 10% đến 20% tổng khối lượng gan khi bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ độ 2. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi kèm chán ăn kéo dài, đau bụng hoặc đau khi ấn vào vùng gan. Khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Cấp độ 3: Người bệnh xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, chán ăn, vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải thường xuyên….Ở giai đoạn này, bệnh đã tiến triển nặng.  

Nếu không được điều trị kịp thời, gan nhiễm mỡ rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan. 

Gan nhiễm mỡ độ 2 là căn bệnh nguy hiểm
Gan nhiễm mỡ độ 2 là căn bệnh nguy hiểm

2. Gan nhiễm mỡ do đâu?

Rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây gan nhiễm mỡ nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Ngay cả những người không uống rượu cũng có thể mắc bệnh này do chế độ ăn uống không điều độ làm tăng sinh mỡ trong cơ thể và xâm nhập vào gan. Ngoài ra, béo phì, mỡ máu cao, tiểu đường, di truyền, sút cân quá nhanh…và một số loại thuốc như Aspirin, Steroids cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.  

3. Gan nhiễm mỡ độ 2 nguy hiểm không?

Viêm gan, xơ gan và thậm chí ung thư gan là những hệ lụy nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu gan nhiễm mỡ độ 2 không được can thiệp kịp thời. Do đó, để giảm các bệnh lý kèm theo này, người bệnh cần phát hiện sớm để có các phương pháp điều trị kịp thời nhằm cải thiện tình trạng bệnh.  

Gan nhiễm mỡ độ 2 được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa mức độ nhẹ và nặng. Mặc dù vẫn có khả năng hồi phục nhưng không cao bằng cấp độ. Ngoài ra, mức độ phục hồi còn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh là vào thời kỳ sớm hay muộn của giai đoạn 2. Nếu bệnh đã tiến triển gần đến giai đoạn 3 thì khả năng hồi phục sẽ giảm sút đáng kể.

Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý rằng mặc dù gan nhiễm mỡ độ 2 chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh rất dễ tiến triển sang giai đoạn 3 và để lại biến chứng nặng.

4. Một số phương pháp chẩn đoán

4.1. Xét nghiệm máu

Men gan tăng cao là một tiêu chí dùng để chẩn đoán viêm gan, có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên, xét nghiệm máu không đủ để chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ cần chỉ định bệnh nhân thực hiện nhiều xét nghiệm khác để có thể chẩn đoán chính xác hơn.

4.2. Siêu âm và sinh thiết gan

Để chẩn đoán chính xác gan nhiễm mỡ độ 2, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp như siêu âm và sinh thiết gan:

  • Siêu âm: Các vùng màu trắng trên hình ảnh cho thấy sự hiện diện của chất béo trong gan. Bên cạnh đó, một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như MRI và CT cũng có khả năng phát hiện ra các khối mỡ trong gan.
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ sử dụng một kim nhỏ để chọc vào vùng gan bị tổn thương. Với những kỹ thuật chuyên môn, bác sĩ sẽ phát hiện chính xác vị trí tổn thương. Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện bệnh, phương pháp này còn giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.

5. Cách điều trị bệnh

Phát hiện sớm là chìa khóa để điều trị hiệu quả mọi bệnh tật, bao gồm cả gan nhiễm mỡ. Cụ thể, phác đồ điều trị bệnh thường được áp dụng bao gồm:

5.1 Dùng thuốc

Hiện nay, gan nhiễm mỡ vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, bác sĩ thường dùng các loại thuốc làm giảm tích tụ mỡ trong gan để điều trị, bao gồm:

  • Thuốc hỗ trợ chuyển hóa lipoprotein trong cơ thể.
  • Thuốc bổ sung choline, giúp tăng cường dưỡng chất, giải độc và làm tan mỡ trong gan.
  • Thuốc chứa các acid amin, giúp duy trì và phục hồi tế bào gan cũng như chức năng gan.
  • Các loại vitamin E, B, C giúp hòa tan chất béo trong gan, ngăn ngừa mỡ hóa, bảo vệ tế bào gan và điều trị bệnh
  • Để điều trị gan nhiễm mỡ độ 2, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn.

5.2 Thay đổi lối sống

Không chỉ giúp ngăn ngừa, chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện khoa học còn giúp làm giảm khả năng tiến triển của bệnh.  

Để bổ trợ chức năng gan, người bệnh cần tăng cường các loại thực phẩm như:

  • Rau xanh, thực phẩm có tính mát gan, giải nhiệt.
  • Thực phẩm có màu đỏ, xanh tốt cho gan.  
  • Các loại trà thảo dược như trà xanh, diệp hạ châu…
  • Hạn chế các loại đồ uống có hại cho gan như rượu, bia, đồ uống có ga.
  • Tránh các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.

Ngoài ra, bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, việc tập luyện thể dục cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ độ 2. Các môn thể thao (như yoga, đi bộ…) sẽ được lựa chọn tùy theo thể trạng và tình trạng của bệnh nhân. 

Yoga hỗ trợ phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ độ 2.
Yoga hỗ trợ phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ độ 2.

6. Ai dễ bị gan nhiễm mỡ?

Gan nhiễm mỡ độ 2 thường gặp ở một số đối tượng như:  

  • Người thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích với tần suất và liều lượng cao.
  • Người thường sử dụng đồ ăn nhanhthực phẩm đóng gói sẵn.
  • Người cao tuổi.
  • Người có tiền sử mắc các bệnh về gan.
  • Người thừa cân, béo phì.

7. Phòng ngừa bệnh bằng cách nào?

Các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả đã được các nhà khoa học đưa ra dựa trên nguyên nhân dẫn đến bệnh, bao gồm:  

  • Hạn chế đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, bia và nước ngọt…
  • Đảm bảo hàm lượng các chất trong bữa ăn được cân đối hợp lý, hạn chế tiêu thụ chất béo. Bên cạnh đó, mọi người nên bổ sung nhiều rau xanh trong bữa ăn hằng ngày.
  • Hạn chế đồ ngọt.
  • Tập luyện hằng ngày, tăng cường vận động.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nhìn chung, mặc dù gan nhiễm mỡ độ 2 là một căn bệnh nguy hiểm nhưng mọi người có thể phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Hy vọng sau bài viết này, mọi người đã có thêm những kiến thức bổ ích về bệnh gan nhiễm mỡ cũng như cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe