Đau thần kinh tọa uống thuốc gì? là một câu hỏi của đa số các bệnh nhân đang mắc bệnh lý này. Hiện tại, có rất nhiều loại thuốc trị đau thần kinh tọa và việc lựa chọn được sản phẩm phù hợp sẽ giúp điều trị bệnh nhanh chóng và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Tìm hiểu về bệnh đau thần kinh tọa
Thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất cơ thể, xuất phát từ vùng cột sống thắt lưng và chạy dọc theo chi dưới và kết thúc tại các đầu ngón chân. Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh này, mà nguyên nhân gặp nhiều nhất là do thần kinh tọa bị chèn ép. Tùy vào các vị trí tổn thương rễ thần kinh mà hướng lan của cơn đau sẽ khác nhau.
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến đau thần kinh tọa. Do thoát vị ở đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng có thể gây chèn ép các tổ chức xung quanh, trong đó có các rễ của dây thần kinh tọa. Ngoài ra, đau thần kinh tọa còn bắt nguồn từ tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng, hẹp ống sống hay trượt đốt sống...
Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như chấn thương, viêm đĩa đệm đốt sống, phụ nữ mang thai, tổn thương đốt sống do vi khuẩn hay lao, các u cục, khối ung thư vùng cột sống...
2. Dấu hiệu của đau thần kinh tọa
- Đau vùng cột sống thắt lưng, đau lan theo sự đường đi của rễ thần kinh, đau tăng khi hắt hơi, ho, khi ngồi hoặc đứng lâu, khi thay đổi tư thế, đau giảm khi được nghỉ ngơi.
- Biến dạng cột sống, mất đường cong sinh lý.
- Điểm đau cạnh cột sống.
- Hạn chế vận động.
- Dấu hiệu kích thích rễ bao gồm: Các điểm đau Valleix, dấu bấm chuông dương tính, nghiệm pháp Lasègue dương tính.
- Dấu hiệu tổn thương rễ thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, giảm hay mất phản xạ gân xương
- Teo cơ.
- Rối loạn cơ tròn: Bí tiểu hoặc bí đại tiện, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chức năng sinh dục...
3. Đau thần kinh tọa uống thuốc gì hết ?
3.1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là loại thuốc giảm đau được dùng phổ biến trong điều trị đau thần kinh tọa. Paracetamol làm giảm các cơn đau nhức và viêm nhiễm do bệnh gây ra thông qua ức chế Cyclooxygenase và giảm nồng độ Prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương. Sử dụng Paracetamol đơn liều hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị khác để tăng hiệu quả giảm đau.
Liều lượng khuyến cáo của Paracetamol:
- Đau mức độ nhẹ hoặc trung bình: Liều 1 - 3g mỗi ngày, chia thành 3 lần uống sau khi ăn.
- Đau mức độ nặng: Kết hợp liều lượng Paracetamol 1 - 3g mỗi ngày với một dạng Opioid nhẹ khác như Codein.
Các loại thuốc điều trị có thể thay thế công dụng của Paracetamol là Aspirin hoặc Tramadol.
Thận trọng khi sử dụng Paracetamol ở những đối tượng sau:
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân mắc các loại bệnh lý về tim, phổi.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng gan.
- Bệnh nhân đang mắc hoặc có tiền sử viêm loét, chảy máu ống tiêu hóa.
- Thiếu máu.
3.2. Thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid - NSAIDs
Các loại thuốc NSAIDs thường dùng trên lâm sàng bao gồm:
- Ibuprofen liều dùng 400 mg x 3 - 4 lần/ngày
- Naproxen liều dùng 500 mg x 2 lần/ngày
- Diclofenac liều dùng 75 – 150 mg/ngày
- Piroxicam liều dùng 20 mg/ngày
- Meloxicam liều dùng 15 mg/ngày
- Celecoxib liều dùng 200 mg/ngày
- Etoricoxib liều dùng 60 mg/ngày.
Các thuốc NSAIDs nên được sử dụng với với các thuốc bảo vệ dạ dày như nhóm ức chế bơm proton (PPI) để bảo vệ đường tiêu hoá.
Trường hợp bệnh nhân đau quá nhiều và không đáp ứng với các thuốc giảm đau trên, bác sĩ có thể cần phải dùng đến các thuốc gây nghiện như Morphine để giảm đau. Bệnh nhân không được tự ý tìm mua các loại thuốc này về sử dụng.
3.3. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ được sử dụng để giảm các triệu chứng co thắt từ đó làm giảm các cơn đau thần kinh tọa. Có hai thuốc hiện nay được sử dụng phổ biến là Tolperisone và Eperisone. Tác dụng và liều dùng của hai loại thuốc như sau:
- Tolperisone: Uống khoảng 150 mg/ngày và chia thành 3 lần uống. Thuốc Tolperisone sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và sẽ cho hiệu quả giãn cơ nhanh chóng. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý đến những tác dụng của thuốc Tolperisone như tụt huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, chướng bụng...
- Eperisone: Uống khoảng 150mg và chia thành 3 lần uống. Eperisone có tác dụng thư giãn cơ vân và cơ trơn mạch máu, Eperisone đi sâu vào làm giảm giảm phản xạ đau, tình trạng loạn cơ. Thuốc giãn cơ Eperisone cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như tê tứ chi, rối loạn chức năng của thận và gan, phát ban...
3.4. Thuốc giảm đau thần kinh
Trong trường hợp người bệnh đau nhiều hơn và không đáp ứng với thuốc giảm đau trên, có thể chỉ định sử dụng phối hợp thêm với các thuốc giảm đau thần kinh như:
- Gabapentin: Liều uống 600 - 1200 mg/ngày. Bệnh nhân nên bắt đầu với liều 300/ngày trong tuần đầu tiên.
- Pregabalin: Liều dùng 150 - 300 mg/ngày. Bệnh nhân nên bắt đầu với liều 75 mg/ngày trong tuần đầu tiên.
3.5. Các loại thuốc điều trị khác
- Các thuốc khác như Vitamin nhóm B như Vitamin B1, Vitamin B6, Vitamin B12, là những chất giúp chuyển hóa tế bào thần kinh, có tác dụng hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa.
- Mecobalamin thường dùng phối hợp với các thuốc giảm đau kể trên nhằm cải thiện triệu chứng đau.
- Các miếng dán có chứa thuốc tê Lidocain, giúp điều trị tại chỗ đau thần kinh tọa.
- Tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng: Chỉ định trong trường hợp người không đáp ứng với các thuốc sử dụng đường uống. Các loại Corticosteroid thường dùng như Hydrocortancyl, Altium, Soludecadron, Hydrocortisone acetate...Phương pháp này tuy giúp giảm đau hiệu quả như rất dễ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Vì thế cần thực hiện tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng khoảng 2 – 3 lần cách nhau vài ngày.
4. Phòng bệnh đau thần kinh tọa
- Thực hiện một chế độ sống và làm việc lành mạnh bằng các hành động như thường xuyên vận động, giảm cân, tập thể dục thể thao đều đặn.
- Điều chỉnh tư thế ngồi đúng: Lựa chọn ghế có hỗ trợ thắt lưng, tay vịn và chân đế chắc chắn, có thể xoay được.
- Giữ lưng được thẳng, tránh bưng vác vật nặng quá sức, tránh gập lưng khi nhấc vật nặng.
- Hiểu rõ một số tác dụng phụ của các thuốc giảm đau để trao đổi với bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc nhằm có phương án đổi thuốc để điều trị tối ưu.
Rễ của dây thần kinh tọa nằm ngay vùng cột sống thắt lưng, vùng cột sống dễ bị tổn thương và hậu quả là gây ra tình trạng đau thần kinh tọa. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được tư vấn và thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa, nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, từ đó đề nghị các loại thuốc thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.