Bị đau cơ uống thuốc gì? Khi nào nên sử dụng?

Đau cơ là tình trạng thường gặp, nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt của người bệnh. Mỗi người gặp phải tình trạng đau cơ với mức độ khác nhau, khi mức độ đau vượt qua khả năng chịu đựng và ảnh hưởng tới cuộc sống bạn có thể dùng một số loại thuốc để làm giảm bớt sự đau đớn và khó chịu.

1. Đau cơ là gì?

Đau cơ hay còn gọi là nhức cơ là một tình trạng một nhóm cơ bị căng cứng hay co rút có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, dẫn tới tình trạng đau. Đau cơ có thể xảy ra ở một vị trí hay nhiều vị trí do vận động quá mức, tổn thương cơ khi vận động, viêm cơ, bệnh về cơ xương khớp, bệnh toàn thân...

Đau cơ có thể ở mức độ nhẹ không khiến bạn quá khó chịu, nhưng cũng có thể ở mức độ nghiêm trọng khiến bạn khó có thể sử dụng cơ. Ngoài ra, đau cơ có thể gây mệt mỏi và làm bạn hạn chế khả năng di chuyển tự do.

Hầu như tất cả chúng ta đều ít nhất một lần bị đau cơ, ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt. Đôi khi nó cần được điều trị bằng các loại thuốc để giúp giảm bớt khó chịu.

2. Nguyên nhân nào dẫn đau cơ

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng đau cơ như:

  • Do làm việc hay tập luyện quá mức: Những người làm việc hay tập luyện quá mức khiến cho cơ phải tăng cường vận động một cách đột ngột, cơ thể không cung cấp đủ oxy, sẽ cung cấp năng lượng bằng chuyển hóa yếm khí. Những chất tạo ra do quá trình này chính là tác nhân gây ra đau cơ. Đôi khi, những hoạt động quá mức sẽ gây ra những tổn thương nhẹ như căng cơ, bong gân, cũng gây đau.
  • Căng thẳng: Khi cơ thể bị căng thẳng mệt mỏi có thể tiết ra một loại hormon làm cơ căng lên và tăng độ nhạy cảm với đau hơn. Ngoài ra, khi căng thẳng tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm nên việc lưu thông máu và trao đổi oxy cho các tế bào trong cơ thể giảm theo gây đau nhức cơ.
  • Do nhiễm virus: Khi bị nhiễm một số loại virus gây bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, sốt xuất huyết... cũng khiến cho người bệnh bị đau cơ toàn thân.
  • Đau cơ do nhiễm trùng cơ: Một số loại vi khuẩn có thể tấn công và gây ra viêm nhiễm trùng cơ dẫn tới biểu hiện như đau, sưng nóng, sốt... Trường hợp này ngoài dùng thuốc giảm đau, hạ sốt thì cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn.
  • Do nguyên nhân bệnh lý một số bệnh lý xương khớp cũng gây ra đau cơ:
    • Thoái hóa khớp: Tình trạng thoái hóa khớp cũng gây ra đau cơ xung quanh vùng bị thoái hóa. Khi đau thì cơ sẽ có hiện tượng co rút làm tăng tình trạng đau cơ. Biểu hiện đau thường tăng lên khi đi lại vận động và nghỉ ngơi thì giảm đau, có thể gặp ở các khớp như khớp gối, cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
    • Viêm khớp: Cũng tương tự như thoái hóa khớp, khi bị đau do viêm khớp thì các cơ cũng bị co rút và gây đau.
    • Đau cơ xơ: Đau cơ xơ là cơn đau xảy ra ở các cơ trên cơ thể con người, dẫn tới đau khắp cơ thể, mệt mỏi và mất ngủ hoặc trầm cảm nhưng lại không có tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp.

Bị đau cơ có nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có thoái hoá khớp
Bị đau cơ có nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có thoái hoá khớp

3. Cách sử dụng thuốc điều trị đau cơ

Đau cơ là một tình trạng thường gặp, nhưng việc sử dụng thuốc như thế nào, với những trường hợp đau do tập luyện thì thường tự giảm đau sau 2 ngày với biện pháp nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép - nâng cao nơi tổn thương (nguyên tắc RICE). Tuy nhiên, những trường hợp không giảm đau hoặc đau do các nguyên nhân bệnh lý khác, người bệnh cảm thấy đau ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt.

Các thuốc được dùng để điều trị triệu chứng đau cơ, nếu có nguyên nhân thì cần điều trị cả nguyên nhân gây bệnh thì tình trạng đau cơ mới cải thiện.

Một số thuốc dùng khi bị đau cơ và chỉ định dùng thuốc:

  • Nhóm thuốc giảm đau: Được dùng theo bậc, từ các thuốc giảm đau nhẹ tới các thuốc giảm đau mạnh và phối hợp các thuốc.
    • Paracetamol (acetaminophen): Là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng, thường được sử dụng để giảm những cơn đau nhẹ và vừa. Thuốc được dùng với liều từ 10-15mg/kg cân nặng và dùng cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng nếu bệnh nhân còn đau. Paracetamol thường được chỉ định trong các trường hợp đau cơ như đau đầu do căng cơ, đau lưng dưới...
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Ngoài tác dụng giảm đau, thì thuốc còn có tác dụng chống viêm và hạ sốt. Thuốc có tác dụng cắt đứt quá trình sản xuất chất gây trung gian hoá học gây phản ứng viêm, nên có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Chỉ định dùng trong trường hợp đau cơ sau hoạt động quá sức, đau do viêm khớp, thoái hoá... Một số thuốc nhóm thuốc này gồm: Thuốc không kê đơn gồm ibuprofen, naproxen, aspirin... Các thuốc cần dùng theo đơn của bác sĩ gồm diclofenac, meloxicam, celecoxib... Lưu ý, thuốc này có nhiều tác dụng phụ như tác dụng trên đường tiêu hóa tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày, tăng nguy cơ đột quỵ... nên không sử dụng quá 5 ngày mà chưa hỏi ý kiến của chuyên gia.
    • Thuốc corticosteroid: Đây là nhóm thuốc kháng viêm steroid có tác dụng giảm đau mạnh. Dùng trong các trường hợp đau nhiều, đau do bệnh tự miễn và đau mà không đáp ứng với thuốc NSAID dùng trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hết sức cẩn thận vì nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như đau bụng, lông mọc rậm, loãng xương, suy tuyến thượng thận, suy yếu hệ miễn dịch... Cho nên, thuốc này cần sử dụng đúng theo liều và cách bác sĩ kê.
    • Nhóm thuốc Opioids: Đây là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Opioid là thuốc giảm đau loại rất mạnh, thường dùng cho những cơn đau cơ trầm trọng. Opioid giúp khóa các thụ thể đau ở não và cũng gây tác động lên nhịp tim, nhịp thở. Chỉ định dùng khi các biện pháp giảm đau trên đã dùng đúng mà không mang lại hiệu quả mong muốn. Một vài thuốc opioid thường gặp gồm có: morphine, fentanyl... Tác dụng phụ của opioid có thể bao gồm buồn ngủ, cảm giác buồn nôn, táo bón, nhịp tim chậm và thở chậm. Thuốc này cần dùng theo đơn và nếu dùng dài sẽ dẫn tới nghiện thuốc. Cho nên cần nói chuyện với bác sĩ nếu bạn dùng dài ngày.
  • Nhóm thuốc giãn cơ: Ngoài các loại thuốc giảm đau, thì thuốc giãn cơ cũng thường được sử dụng kết hợp cùng với thuốc giảm đau để tăng hiệu quả. Thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, kết quả giúp cơ giãn ra. Tuy nhiên, bạn cần biết uống thuốc giãn cơ khi nào? Thuốc được dùng kết hợp khi có tình trạng co thắt cơ vân, cơ bị co cứng, ấn đau nhiều như trong tình trạng đau do thoái hóa khớp, đau cổ cấp... Một vài loại thuốc giãn cơ thông dụng là baclofen, cyclobenzaprine, myonal...

Các thuốc giảm đau được dùng theo bậc giảm đau, ban đầu dùng một thuốc nếu không cải thiện thì kết hợp thêm thuốc. Ngoài ra, nếu bị đau cơ bạn nên kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc để nâng cao hiệu quả.


Uống thuốc giãn cơ khi nào sẽ được bác sĩ thông báo sau khi bạn được thăm khám
Uống thuốc giãn cơ khi nào sẽ được bác sĩ thông báo sau khi bạn được thăm khám

4. Cách điều trị không dùng thuốc và biện pháp phòng ngừa

Phương pháp không dùng thuốc trong điều trị khi bị đau cơ có thể áp dụng như:

  • Nghỉ ngơi, tránh vận động những cơ vùng đau quá mức để làm tình trạng đau tăng lên.
  • Với những trường hợp đau do tập luyện quá sức thì thực hiện theo nguyên tắc rice là nghỉ ngơi - chườm lạnh - băng ép - nâng cao nơi tổn thương. Chườm mát bằng cách dùng một khăn bọc đá rồi chườm lên vị trí đau, không chườm trực tiếp đá lên cơ. Trường hợp đau mạn, đau lâu ngày có thể chườm ấm, xoa bóp lên vùng đau.
  • Châm cứu: Những trường hợp đau cơ do thoái hóa khớp, viêm khớp, đau cổ cấp... có thể dùng biện pháp châm cứu để giảm đau.

Phòng ngừa bị đau cơ bằng một số biện pháp sau:

  • Tập thể dục đều đặn và phù hợp với sức khỏe của bản thân sẽ giúp tăng cường hệ tim mạch và cải thiện sự săn khỏe của cơ bắp để hạn chế đau cơ.
  • Khởi động kỹ trước khi tập luyện là cách phòng ngừa đau cơ rất hiệu quả, đặc biệt cho những người mới tập. Nên thực hiện vài động tác khởi động nhẹ nhàng trước lúc tập luyện để cho các cơ làm quen với cường độ tập luyện, tránh việc cung cấp không kịp oxy cho cơ gây đau.
  • Nên kiểm soát tình trạng căng thẳng, lo lắng vì điều đó làm mức độ đau tăng hơn, do tăng nhạy cảm với đau.
  • Bổ sung đầy đủ các thức ăn chứa các loại vitamin nhóm B, canxi, kali, magie, protein... trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Như vậy, thông qua bài viết hy vọng bạn đã hiểu khi bị đau cơ uống thuốc gì và những biện pháp kết hợp để giảm đau và phòng ngừa tình trạng này tái diễn. Khi dùng các nhóm thuốc kê đơn cần được sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Tránh sử dụng không đúng gây những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe