Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Đeo kính mắt cho người bị cận thị là biện pháp tối ưu với chi phí thấp, giúp người bệnh cải thiện tầm nhìn. Người bị cận thị sẽ có xu hướng nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại khó khăn khi nhìn những vật ở xa. Vậy người cận thị có nên đeo kính thường xuyên hay chỉ đeo kính khi nhìn xa?
1. Kính cận là kính gì?
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài ảnh hưởng đến công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể của mắt, điều này dẫn đến những tia sáng đi vào mắt hội tụ tại một điểm trước võng mạc, thay vì phải hội tụ đúng ngay tại võng mạc. Kính cận thị là một thấu kính phân kì, giúp điều chỉnh hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc của người cận thị.
2. Độ cận là bao nhiêu thì nên bắt đầu đeo kính?
Rất nhiều người bị cận thị có cùng thắc mắc là cận thị không đeo kính có sao không hoặc cho rằng chỉ những ai bị cận nặng mới nên đeo kính. Tuy nhiên, việc đeo kính khi bị cận thị là cần thiết cho dù độ cận nhỏ (≤ 0.75 độ) cũng ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
- Độ cận 0.25 là độ cận thị nhỏ nhất, thường không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, học tập và công việc hàng ngày. Nếu bị cận thị chỉ 0.25 độ thì hoàn toàn không cần đeo kính cận vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
- Độ cận 0.50 sẽ khiến người bị cận thị nhìn xa mờ hơn một chút, tuy nhiên có nhiều người vẫn nhìn tốt ở độ cận này mà không cần đeo kính.
- Độ cận 0.75 độ là mức cận thị mà bệnh nhân nên bắt đầu đeo kính để tránh ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
- Độ cận 1.00 độ sẽ khiến người gặp khó khăn khi nhìn xa. Những người cận từ 1 độ trở lên bắt buộc phải đeo kính khi làm các công việc đòi hỏi tầm nhìn xa như tài xế lái xe, công an...
- Độ cận 1.50 là độ cận nên đeo kính để tránh ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
- Độ cận 2.00 độ trở lên là độ cận bắt buộc phải đeo kính khi học tập và làm việc.
3. Cận thị có nên đeo kính thường xuyên không?
Có thể thấy nhu cầu đeo kính cận của mỗi người là khác nhau. Nếu người bị cận thị đã vào độ tuổi trung niên hay người thường xuyên làm các công việc không đòi hỏi tầm nhìn xa như làm việc trong văn phòng thì không phải cần đeo kính suốt cả ngày.
Cụ thể, nếu cận từ 1-2 độ thì chỉ nên dùng kính khi nhìn xa, không nên đeo kính thường xuyên suốt ngày, vì như vậy sẽ khiến mắt giảm khả năng điều tiết mỗi khi nhìn gần, lâu ngày mắt sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kính. Với những người phải làm việc nhiều cần phải cho mắt thư giãn, nghỉ ngơi xen kẽ trong thời gian làm việc: mỗi 30 phút nên cho mắt nghỉ ngơi khoảng 1-2 phút.
Người bị cận thị nặng có nên đeo kính thường xuyên? Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, những người bị cận thị từ 2 độ trở lên nên đeo kính thường xuyên để giúp mắt nhìn rõ hơn.
Cận thị không đeo kính có sao không? Những trường hợp cận thị nặng trên 3 độ nhưng không sử dụng kính cận sẽ khiến mắt liên tục điều tiết để nhìn rõ hơn, lâu ngày dẫn đến độ cận tăng nhanh, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc.
4. Tác hại của việc đeo kính cận sai cách?
Nhiều trường hợp khi đeo kính gặp phải các triệu chứng như nhức đầu, nhìn mờ, nhìn thấy ảnh đôi (nhìn 2 hình), nhìn bị méo hình... hiện tượng này có thể do người bị cận đã đeo kính không đúng độ hoặc sử dụng tròng kính kém chất lượng.
Khi đeo kính sai độ có thể gây ra cảm giác không thoải mái, không hỗ trợ được được tình trạng cận thị của mắt mà còn có khả năng gây nhược thị rất nguy hiểm. Đeo kính cận cao độ hơn độ cận thật sự sẽ gây nhức đầu, chóng mặt do mắt phải điều tiết mạnh hơn bình thường. Lắp kính cận vào mắt bị lệch tâm có thể gây nhức mắt, lâu ngày có thể dẫn đến hiện tượng song thị. Bên cạnh đó, gọng kính quá chật sẽ ép vào hai bên thái dương, gây khó chịu, không thoải mái. Càng kính và nơi đặt kính hai bên mũi cần được canh chỉnh chính xác để tránh tạo ra vết lõm ở hai bên mũi gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
5. Chăm sóc mắt cận thị đúng cách
5.1. Khám mắt định kỳ
Mỗi 3 – 6 tháng/lần, người bị cận thị nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám mắt định kỳ và đo thị lực, điều này giúp người cận thị kịp thời điều chỉnh kính cho phù hợp với độ cận và được hướng dẫn những biện pháp chăm sóc mắt phù hợp, hỗ trợ điều trị cận thị hiệu quả. Khám mắt định kỳ giúp tránh được việc đeo kính sai độ - một trong những nguyên nhân nguy hiểm hàng đầu dẫn đến mắt bị tăng độ nhanh, thậm chí là nhược thị, lác mắt...
5.2. Chọn địa chỉ khám mắt uy tín
Cận thị ngày càng phổ biến nên những cơ sở khám mắt, cắt kính ngày càng nhiều, tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng có đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị chuẩn. Do đó, người bệnh cần chọn các cơ sở uy tín để khám mắt. Tốt nhất là đến bệnh viện chuyên khoa mắt.
5.3. Chọn mắt kính phù hợp
Mắt kính tốt phải đảm bảo đúng độ cận, bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại từ môi trường như chống được tia uv, chống bụi, chống bám vân tay, chống ánh sáng xanh...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.