Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có nguy hiểm?

Tuyến giáp là một cơ quan thuộc hệ nội tiết, nằm ở trước cổ, nó sản xuất ra hai hoocmon chính là T3 và T4 mang vai trò điều hòa các hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể. Khi bị viêm tuyến giáp Hashimoto sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường.

1. Viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Viêm tuyến giáp Hashimoto, hay còn gọi là bệnh Hashimoto, là một bệnh tự miễn, do rối loạn hệ miễn dịch làm chống lại chính mô của cơ thể. Đối với bệnh Hashimoto, mô chính là tuyến giáp, sẽ dẫn đến bệnh nhược giáp, là một tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất được các hoocmon mà cơ thể cần.

Các đặc điểm của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto:

  • Tuyến giáp thâm nhiễm rất nhiều thế bào lympho, tuyến giáp bị xơ hóa, teo tế bào tuyến giáp, đồng thời sẽ xuất hiện nhiều tế bào ái toan mạnh.
  • Đây là một biểu hiện viêm mãn tính thâm nhiễm tế bào lympho.

2. Các dấu hiệu của bệnh Viêm tuyến giáp Hashimoto

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào là đặc hiệu. Bệnh thường tiến triển âm thầm, qua nhiều năm sẽ dẫn đến suy giáp. Khi nhận ra các dấu hiệu của bệnh, đa số các bệnh nhân đã đi vào tình trạng suy giáp. Vì thế, các dấu hiệu nhận biết bệnh chủ yếu là từ suy giáp mà ra:

  • Mệt mỏi ở cường độ mạnh, sợ lạnh, táo bón nặng
  • Da khô, tái nhợt, mặt phù tròn, khàn giọng
  • Tăng cân không rõ lý do mặc dù chán ăn
  • Đau cơ, cứng cơ ở vị trí vai và đùi
  • Đối với nữ sẽ bị rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể gặp ở nữ giới
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể gặp ở nữ giới

  • Trầm cảm, buồn ngủ
  • Đặc biệt, tuyến giáp thường bị to hoặc bị teo nhỏ lại
  • Trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp lại

3. Đối tượng dễ bị nhiễm bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Các ghi nhận ở dịch tễ học cho thấy bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto ngày càng trở nên phổ biến, tần suất có chiều hướng gia tăng. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn, lên đến 90%. Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thông thường là từ 30-60 tuổi, có yếu tố gia đình.

Bệnh có thể xảy ra cùng với một số bệnh tự miễn khác như: Thiếu máu ác tính, đái tháo đường, teo tuyến thượng thận, xơ gan, nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, bạc tóc sớm, suy buồng trứng.

4. Các biến chứng của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân, gây ra rất nhiều biến chứng như bướu cổ, bệnh tim mạch, tâm thần kinh, phù niêm và có thể gây dị tật bẩm sinh khi mang bầu. Vì thế , nếu không điều trị bệnh một cách nhanh chóng và triệt để thì sẽ gây ra các hậu quả nặng nề.


Hình ảnh người bệnh bị bướu cổ do biến chứng của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Hình ảnh người bệnh bị bướu cổ do biến chứng của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

5. Nguyên nhân bị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Đến ngày nay, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto vẫn chưa được công bố nguyên nhân một cách chính thức, nhưng có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng nhiều:

  • Gen di truyền: Những bệnh nhân mắc bệnh thường có tiểu sử gia đình
  • Hoocmon: ảnh hưởng bệnh lên nữ giới nhiều hơn gấp 7 lần nam giới, vì thế, các hoocmon giới tính cũng có vai trò quyết định đến nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, một vài phụ nữ còn mắc bệnh thời kỳ đầu mang thai
  • Tăng iod một cách quá mức cho phép
  • Phơi nhiễm phóng xạ: có một vài báo cáo cho rằng, bệnh viêm tuyến giáp có dấu hiệu gia tăng ở những bệnh nhân phơi nhiễm phóng xạ, như vụ nổ bom ở Nhật Bản, hay những người điều trị bệnh ung thư máu bằng phương pháp xạ trị

6. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Ngoài việc dựa vào các dấu hiệu bệnh đã nêu ra ở trên, các bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp xét nghiệm máu để đo lường nồng độ hormon tuyến giáp và hormon kích thích tuyến giáp để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh:

  • Xét nghiệm hormon: Chủ yếu là đo nồng độ hormon được sản xuất bởi tuyến giáp. Nếu tuyến giáp kém hoạt động thì nồng độ sẽ thấp và ngược lại.
  • Xét nghiệm kháng thể: Vì viêm tuyến giáp là một bệnh tự miễn nên nó liên quan đến sự sản xuất của các kháng thể, như kháng thể peroxidase tuyến giáp. Qua đó, bác sĩ cũng phần nào biết được tuyến giáp của bệnh nhân đang ở trạng thái như thế nào.

Một số xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Một số xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

7. Phương pháp điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Phương hướng điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto phụ thuộc vào tình trạng suy giáp của bệnh nhân. Hiện nay, chưa có một thuốc nào đặc trị được bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto này. Phương pháp được dùng phổ biến hiện nay là thay thế bằng hormon giáp tổng hợp, một thuốc có cấu trúc và tác dụng giống hệt hormone tự nhiên mà tuyến giáp sản sinh ra. Đó là thuốc L.Thyroxin nhằm ức chế và điều chỉnh sự suy giáp. Thường sau khi điều trị một thời gian, bệnh nhân sẽ cảm thấy khá hơn, nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng và các xét nghiệm (T4, THS, Cholesterol,...) thì cần 3-6 tháng. Nhưng khi bệnh nhân đã suy giáp thì các bệnh nhân chỉ có thể điều trị hormon thay thế suốt đời.

Chỉ dùng propranolol khi bệnh có tình trạng cải thiện. Trước khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, cân nặng, mức độ bệnh để đưa ra lượng thuốc phù hợp. Còn về trường hợp phẫu thuật rất hiếm có chỉ định, chỉ xảy ra khi bướu giáp rất lớn, không có dấu hiệu xẹp.

Bệnh viêm tuyến giáp là một bệnh vô cùng nguy hiểm, vì thế các bệnh nhân nên đi thăm khám thường xuyên để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe