Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm quầng là một bệnh nằm trong nhóm nhiễm trùng của da và tổ chức dưới da khu trú (mô mềm). Là nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, thường gặp nhất là 2 loại vi khuẩn là liên cầu tan huyết và tụ cầu vàng. Bệnh có biểu hiện cấp tính sưng đỏ, phù nề, lan rộng, kèm biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mỏi và nổi hạch ngoại biên vùng lân cận. Hầu hết, người bệnh khi bị viêm quầng đỏ có thể điều trị tại nhà, chỉ một số ít trường hợp cần nhập viện để theo dõi và điều trị. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị.
1. Bệnh viêm quầng đỏ là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh viêm quầng đỏ
Viêm quầng đỏ (Erysipelothricosis) là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở lớp trên cùng của da. Bệnh viêm quầng đỏ thường do 1 loại vi khuẩn có tên Erysipelothrix rhusiopathiae gây ra. Loại vi khuẩn này có hình dạng mảnh, gram dương có vỏ, không sinh bào tử, không di động, ưa khí với sự phân bố toàn cầu, chủ yếu là thực vật hoại sinh.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng do loại vi khuẩn này chủ yếu là do môi trường làm việc, chúng thường đi theo vết thương ở những người xử lý động vật bằng tay không có bảo hộ (ví dụ: Xác người bị nhiễm bệnh có chứa vi khuẩn E. rhusiopathiae, các sản phẩm chế biến như dầu mỡ, phân bón, xương, vỏ động vật).
Nhiễm trùng gây ra bệnh viêm quầng đỏ cũng có thể do mèo hoặc chó cắn. Nhiễm trùng ngoài da hiếm, thường xảy ra như viêm khớp hoặc viêm nội tâm mạc.
Tình trạng viêm nhiễm này sẽ ảnh hưởng lớp thượng bì và trung bì, lan đến mạch bạch huyết ở bề mặt da. Lưu ý, bệnh viêm quầng đỏ khác với bệnh viêm quầng.
2. Triệu chứng khi bị viêm quầng đỏ
Trong vòng 1 tuần sau khi bị chấn thương, người bệnh xuất hiện triệu chứng đặc trưng ở vùng bị thương tổn như sau:
- Vùng da có màu đỏ tía, không bị phỏng nước.
- Da cứng, xuất hiện ban sẩn, kèm theo cảm giác ngứa ngáy, nóng rát như bị bỏng.
- Bị sưng ở khu trú, mặc dù ranh giới rõ, vùng bàn tay thường là vị trí nhiễm trùng.
- Đường viền đỏ của vết thương lan chậm, gây khó chịu, tình trạng này có thể kéo dài trong 3 tuần. Thông thường vết thương sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
- Tuy nhiên, cũng có các trường hợp bệnh nhân bị viêm quầng đỏ gây ra triệu chứng sưng hạch bạch huyết.
- Viêm quầng đỏ ít khi trở thành bệnh toàn thể trên da, được đặc trưng bởi tổn thương da màu tím thoái hoá trung tâm, cộng với tổn thương dạng phỏng nước.
- Nhiễm khuẩn huyết là triệu chứng hiếm gặp nhất. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm khớp hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, ngay cả ở những người không có bệnh van tim sẵn có.
Để chẩn đoán người bệnh có bị viêm quầng đỏ hay không, bác sĩ sẽ chỉ định làm PCR. Kỹ thuật xét nghiệm Real-Time PCR là kỹ thuật nuôi cấy mẫu sinh thiết dày dưới bề mặt da, bởi vì các sinh vật chỉ nằm trong phần sâu của da. Nuôi cấy của dịch từ các nốt sần có thể chẩn đoán dự phân lập từ dịch khớp hoặc máu. Vì vậy, phương pháp PCR có thể hỗ trợ chẩn đoán nhanh chóng bệnh viêm da quầng đỏ.
3. Phương pháp điều trị bệnh viêm quầng đỏ
Hầu hết, người bệnh khi bị viêm quầng đỏ có thể điều trị tại nhà, chỉ một số ít trường hợp cần nhập viện để theo dõi và điều trị. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh Penicillin, cephalosporin, fluoroquinolones hoặc clindamycin.
- Để giảm bớt triệu chứng sưng tấy, đau và giúp vết thương mau lành, người bệnh có thể áp dụng 1 số biện pháp như chườm lạnh hoặc bôi thuốc giảm đau tại vùng bị viêm để giảm bớt khó chịu, nóng rát; nâng cao khu vực bị tổn thương lên cao để giảm bớt sưng tấy; uống đủ nước cho cơ thể; vệ sinh, chăm sóc vết thương trên da thường xuyên bằng nước muối.
4. Phòng ngừa bệnh viêm quầng đỏ
Để tránh nguy cơ bị viêm quầng đỏ, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
- Luôn vệ sinh cẩn thận các vết thương ngoài da.
- Điều trị nấm da chân nếu có.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm da để ngăn ngừa tình trạng khô và nứt nẻ da.
- Tránh bị trầy xước da.
- Điều trị tốt các bệnh về da (nếu có).
Tóm lại, bệnh viêm quầng đỏ thường do 1 loại vi khuẩn có tên Erysipelothrix rhusiopathiae gây ra. Bệnh có thể nguy hiểm nếu virus xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ viêm quầng đỏ, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.