Bệnh viêm não Nhật Bản lây qua đường nào?

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương đến hệ thần kinh trung ương (não bộ) của con người.

1. Bệnh viêm não Nhật Bản có lây không?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua muỗi đốt. Nguồn gây bệnh chủ yếu từ các loài chim hoang dã và các loài gia súc. Chim và lợn là những ổ chứa nhiều virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên. Muỗi sẽ đốt lợn và chim hoang, mang máu chứa virus gây bệnh rồi truyền sang người.

Khác với loài muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở khu vực quanh nhà, muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản thường chủ yếu là 2 loài: Culex TritaeniorhynchusCulex vishnui, có màu nâu, hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối và thường sống ở ruộng lúa nước, khu vực ao hồ, ngoài cánh đồng. Muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản có thể bay xa trong vòng bán kính lên đến 3km.

Muỗi đốt là con đường duy nhất truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện chưa ghi nhận trường hợp viêm não Nhật Bản nào lây truyền từ người sang người. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh viêm não Nhật Bản. Với lợn nhiễm virus, chúng hoàn toàn không bị bệnh viêm não, lợn chỉ đóng vai trò là kho chứa và duy trì tải lượng virus trong thiên nhiên.


Muỗi đốt truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản
Muỗi đốt truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản

2. Vì sao nói bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm?


Viêm não Nhật Bản nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Viêm não Nhật Bản nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Sở dĩ nói viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi vì người mắc bệnh bị virus tấn công và phải chịu những tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong. Thông thường, nếu người bệnh viêm não Nhật Bản qua khỏi thì có thể gặp phải các di chứng thần kinh, tâm thần (chiếm 50%): Liệt vận động, chậm phát triển trí tuệ (bại não), mất ngôn ngữ, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần hoặc hôn mê, nghe kém hoặc điếc...

Điều đáng nói là bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu thường giống với bệnh viêm não hoặc viêm màng não khác, chủ yếu khởi phát từ sốt cao. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán cần chờ kết quả xét nghiệm xác định virus. Vài ba ngày sau đó, triệu chứng của bệnh mới rõ rệt hơn như: Sốt cao đột ngột, nhức đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, đau khớp, cứng gáy, loạng choạng, đờ đẫn, rối loạn ý thức, hôn mê, nói nhảm, liệt... Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể dẫn đến co giật, hôn mê chỉ sau 3 ngày mắc bệnh.

3. Phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết: để phòng chống viêm não Nhật Bản, biện pháp đặc hiệu tối ưu đó là tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em với 3 liều cơ bản: Mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ được 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần; mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 khoảng 1 năm. Sau đó, cứ mỗi 3 năm nên tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Hiện nay còn có vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới, có thể tiêm cho trẻ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi trở lên, số lượng mũi cũng được tiêm giảm đi,chỉ cần tiêm 1 - 2 mũi.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần thực hiện các biện pháp khác để phòng, chống bệnh như: phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày ở những nơi nhiều muỗi, sử dụng thuốc hoặc hóa chất để diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở nơi có chuồng gia súc; khu chăn nuôi, nên đặt chuồng trại ở xa nhà, phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi sinh sôi và phát triển. Đặc biệt, khi trẻ dấu hiệu sốt cao đột ngột cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu có viêm não Nhật Bản xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe