Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm- Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm nang lông là bệnh da liễu ở trẻ em khá thường gặp, đặc biệt khi thời tiết nóng, độ ẩm cao, mặc quần áo chật không thoát được mồ hôi,... Viêm nang lông ở trẻ nhỏ có thể tự khỏi trong vòng vài tuần mà không cần điều trị y tế.
1. Triệu chứng viêm nang lông ở trẻ nhỏ
Viêm nang lông ở trẻ nhỏ là tình trạng các nang lông của trẻ bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là các nang lông viêm nổi lên các sẩn nhỏ màu đỏ hoặc đầu trắng. Các nốt sẩn này có thể tạo mủ , khi vỡ ra gây vết loét đóng vảy. Các nốt viêm nang lông thường rất ngứa và trở nên đau nhức khi tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Viêm nang lông có thể xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể nhưng phổ biến ở các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục, hậu môn, mông,...Các điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển bệnh viêm nang lông ở trẻ nhỏ là trẻ sống môi trường có nhiệt độ, độ ẩm cao, ô nhiễm, bụi bẩn; mặc quần áo không thoát được mồ hôi; sử dụng kem bôi có corticoid; sử dụng kháng sinh lâu dài,...
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm nang lông ở trẻ em?
Viêm nang lông là bệnh da liễu ở trẻ em thường gặp. Trẻ có thể mắc bệnh do các nguyên nhân sau:
- Nhiễm các vi khuẩn trong hồ bơi công cộng, công viên nước. Nếu các bể nước công cộng không được làm sạch theo các tiêu chuẩn quy định, thì những ai sử dụng nước trong thời gian đó sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm nang lông.
- Mặc quần áo quá chật, chất liệu quần áo không thấm hút mồ hôi. Quần áo cọ xát vào da cộng với đổ mồ hôi làm tăng khả năng vi khuẩn hoặc vi nấm trên da lây nhiễm vào các nang lông.
- Sử dụng các loại mỹ phẩm, thuốc mỡ làm tắc nghẽn các nang lông.
3. Những trẻ nào có nguy cơ cao bị viêm nang lông?
Viêm nang lông ở trẻ nhỏ xuất hiện phổ biến hơn với những trẻ có các yếu tố nguy cơ như:
- Trẻ có bệnh chàm hoặc mụn trứng cá
- Sử dụng kháng sinh hoặc corticoid trong thời gian dài
- Có các vết thương hở, vết cắt bị nhiễm khuẩn trên da
- Hệ thống miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh như HIV, đái tháo đường, bệnh bạch cầu,...
4. Điều trị trẻ bị viêm nang lông như thế nào?
Trẻ bị viêm nang lông có thể được điều trị tại nhà, mẹ hãy dùng xà phòng diệt khuẩn để làm sạch vùng da bị thương tổn, chú ý không chà quá lâu hoặc quá mạnh. Sau đó rửa sạch, dùng khăn sạch thấm khô. Có thể dùng các loại kem corticosteroid không kê đơn để giảm ngứa da. Nếu chăm sóc da tốt, viêm nang lông thường sẽ khỏi trong vòng hai tuần.
Nếu tình trạng của trẻ không cải thiện trong 10 ngày, các nốt mụn mủ ngày càng lan rộng, trẻ bị sốt,... hãy cho trẻ đi khám bác sĩ. Trong một số ít trường hợp, vi khuẩn gây viêm nang lông là Staphylococcus aureus (MRSA) kháng methicillin, trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh đường uống.
5. Các biện pháp giúp ngăn ngừa viêm nang lông ở trẻ nhỏ
Để tránh nguy cơ trẻ bị viêm nang lông, bạn hãy lưu ý:
- Tránh cho con bạn mặc quần áo chật, bó sát vào da, đặc biệt là trong thời tiết nóng.
- Thường xuyên giặt khăn tắm, quần áo và khăn trải giường cho trẻ.
- Không mặc quần áo tắm ướt sau khi bơi; tắm. Sau khi dùng bể bơi công cộng, cho trẻ tắm lại bằng nước sạch và xà phòng càng sớm càng tốt.
- Không cho trẻ dùng hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng khi trẻ đang có vết thương hở trên da
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com