Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu được tìm ra như thế nào?

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một bệnh lý mãn tính tác động đến đại tràng, gây ra các tổn thương viêm loét ở niêm mạc ruột. Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng các yếu tố di truyền và miễn dịch được cho là đóng vai trò quan trọng. Vậy cơ chế bệnh sinh của bệnh diễn ra như thế nào?

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm loét đại trực tràng chảy máu phổ biến như thế nào?

Một phân tích tổng hợp 147 nghiên cứu về các bệnh viêm ruột (IBD) năm 2017 cho biết tỷ lệ mắc bệnh viêm loét đại tràng ở mỗi khu vực trên toàn cầu sẽ có sự khác biệt, dao động từ 0,5 đến 24,5/ 100.000 người. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vẫn còn thiếu các số liệu dịch tễ chính xác về bệnh này.

Các nghiên cứu theo dõi dọc ở các nước phương Tây đã ghi nhận tỷ lệ mắc viêm loét đại trực tràng chảy máu trong 10 năm qua đang tăng dần và sớm hơn so với bệnh Crohn. Thêm vào đó, các nghiên cứu ở các nước đang phát triển cũng cho thấy bệnh này phổ biến hơn so với Crohn.

Theo nghiên cứu ACCESS, một nghiên cứu đa trung tâm với quy mô lớn, được thực hiện tại 21 trung tâm y tế nằm trong 12 thành phố ở 9 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2011-2012, đã ghi nhận viêm loét đại tràng chảy máu chiếm 232 ca bệnh trong số 419 trường hợp IBD mới được chẩn đoán (55,4%). Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm loét đại tràng hàng năm và tỷ lệ mắc hiệu chỉnh theo tuổi có sự khác biệt giữa các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ mắc thấp nhất được ghi nhận tại một số khu vực của Trung Quốc và Thái Lan.

Theo nghiên cứu, viêm loét đại trực tràng chảy máu ở châu Á thường được phát hiện nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 30 đến 34, với tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới (57,9%). Điều đáng chú ý là so với phương Tây, bệnh nhân châu Á thường có diễn biến bệnh nhẹ hơn và ít gặp trường hợp cấp tính.

2. Lịch sử của bệnh lý viêm loét đại trực tràng chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một bệnh lý viêm ruột mãn tính, chủ yếu tác động lên đại tràng. Cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.

Vào giữa thế kỷ XIX, bác sĩ Samuel Wilkes đã đưa ra thuật ngữ "viêm loét đại trực tràng chảy máu" khi ông mô tả chi tiết trường hợp một phụ nữ trẻ tử vong do bệnh lý tiêu chảy cấp tính, kèm theo tổn thương niêm mạc bị loét nặng toàn bộ đại tràng và lan rộng đến cả đoạn cuối hồi tràng.  

Những nghiên cứu sau đó, dựa trên các mẫu mô bệnh học từ hơn 200 trường hợp bệnh nhân, đã củng cố thêm cho thuật ngữ này. Wilkes cùng với Mozon và các nhà khoa học khác đã nỗ lực phân biệt rõ ràng bệnh lý này với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa khác.

Bác sĩ người Anh W. Hale-White đã mô tả viêm loét đại trực tràng chảy máu như một quá trình viêm nhiễm niêm mạc tiến triển, tạo thành các vết loét có mức độ khác nhau. Những tổn thương này thường xuất hiện từ đoạn cuối ruột non (hồi tràng) và lan dần xuống đến tận ống hậu môn. Tuy nhiên, các tổn thương ở hồi tràng thường rất hiếm gặp. 


Bệnh thường được phát hiện nhiều nhất ở nam giới, với tỷ lệ là 57,9%.
Bệnh thường được phát hiện nhiều nhất ở nam giới, với tỷ lệ là 57,9%.

3. Lịch sử về cơ chế bệnh sinh

Mặc dù cơ chế gây ra bệnh viêm loét đại tràng chảy máu vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh, bao gồm nhiễm trùng, yếu tố di truyền, dị ứng và đặc biệt là cơ chế tự miễn.  

Cơ chế tự miễn trong bệnh viêm loét đại tràng lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1930-1940 bởi Kirsner và Goldgraberg, khi họ nhận thấy một số trường hợp bệnh có liên quan đến các bệnh lý tự miễn, phản ứng dị ứng và khả năng đáp ứng điều trị bằng steroid.  

Vào năm 1959, Broberger và Perlmann đã có một phát hiện quan trọng khi tìm thấy kháng thể e hemagglutinin trong niêm mạc đại tràng của những bệnh nhi mắc viêm loét đại tràng chảy máu. Khám phá này đã mở ra một chương mới trong việc nghiên cứu cơ chế bệnh sinh.  

Trong khoảng 70 - 80 năm qua, điều trị viêm loét đại tràng chảy máu đã có những thay đổi vượt bậc nhờ các chế phẩm sinh học, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mục tiêu cuối cùng là tìm ra phương pháp điều trị tối ưu để giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn.

4. Cơ chế bệnh sinh của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Đến nay, cơ chế bệnh sinh của viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bệnh này có thể do sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố như di truyền, môi trường và tác động của hệ vi sinh đường ruột, đều có thể kích hoạt phản ứng viêm không phù hợp.

Các cơ chế bệnh sinh đã được xác định bao gồm:

  • Sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, với sự suy giảm đáng kể các vi khuẩn có lợi như Firmicutes và Bacteroidetes, đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập qua lớp nhầy bảo vệ, kích hoạt mạnh mẽ thụ thể TLR-4.
  • Sự tích lũy các tiền chất glycosyl hóa mucin làm suy giảm chất lượng chất nhầy ruột, gây ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ.
  • Tế bào đuôi gai mang kháng nguyên CD10 giải phóng TL27 kích hoạt các tế bào T CD4 và tế bào diệt tự nhiên chưa trưởng thành biệt hóa. Tế bào T CD4 biệt hóa thành T điều hòa và T hỗ trợ Thở sản xuất tiếp ra các chất hoạt hóa bạch cầu ái toan. Tế bào diệt tự nhiên được hoạt hóa sản xuất ra IL-13 có tác dụng phá hủy tế bào biểu mô, biến đổi chức năng vùng nối giữa các tế bào, gây xơ hóa và IL-23 có tác dụng hoạt hóa tế bào Th7 sản xuất IL17 từ đó gây hóa ứng động bạch cầu trung tính.
  • Tế bào B được hoạt hoá để sản sinh kháng thể. 
Cơ chế bệnh sinh của viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể do sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, trong đó có hệ vi sinh đường ruột.
Cơ chế bệnh sinh của viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể do sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, trong đó có hệ vi sinh đường ruột.

5. Biểu hiện lâm sàng của bệnh

Viêm loét đại tràng chảy máu đặc trưng bởi tổn thương viêm lan tỏa, gây loét trên bề mặt niêm mạc đại tràng, thường bắt đầu từ trực tràng và lan rộng lên các đoạn khác của đại tràng, trong khi ruột non thường không bị ảnh hưởng, ngoại trừ một số trường hợp tổn thương viêm trên bề mặt ở đoạn cuối hồi tràng.  

Căn cứ vào mức độ lan rộng của tổn thương, bệnh có thể được phân loại thành các thể khác nhau. Hơn 60% bệnh nhân viêm đại tràng chảy máu gặp các thể bệnh nhẹ. Phạm vi của tổn thương không chỉ phản ánh mức độ nghiêm trọng mà còn tác động đến chi phí và phương pháp điều trị:

  • Viêm trực tràng (tổn thương khu trú ở trực tràng).
  • Viêm đại tràng sigma-trực tràng hoặc đại tràng trái (lan đến góc lách).
  • Viêm đại tràng toàn bộ.

Triệu chứng và diễn tiến bệnh lý có mối liên quan chặt chẽ với mức độ lan tỏa và mức độ nặng của tổn thương. Bệnh thường tiến triển âm thầm, tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát cấp tính sau một đợt viêm đại tràng nhiễm khuẩn hoặc tiêu chảy khi đi du lịch.

  • Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của viêm trực tràng là tình trạng đại tiện ra máu. Máu có thể lẫn với chất nhầy, xuất hiện với mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng.  
  • Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng đi đại tiện nhiều lần hơn so với trước đây. Cùng với đó, cảm giác buồn đi đại tiện và mót rặn cũng xuất hiện thường xuyên.
  • Tình trạng tổn thương niêm mạc đại tràng càng lan rộng, mức độ tiêu chảy càng tăng. Ngược lại, khi viêm nhiễm chỉ giới hạn ở trực tràng, bệnh nhân thường gặp tình trạng táo bón xen kẽ với tiêu chảy, phân có thể lẫn nhầy và máu. Các triệu chứng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm, tuy nhiên tần suất đi ngoài thường dưới 6 lần/ngày. Đồng thời, bệnh nhân thường sốt, giảm protein máu dẫn đến mệt mỏi kéo dài.
  • Một dấu hiệu cho thấy bệnh đã trở nặng là những cơn đau bụng xuất hiện ngay trước khi đi đại tiện, cùng với cảm giác bụng chướng khó chịu. Khoảng 15% trường hợp bệnh có tần suất đại tiện có máu trên 6 lần/ngày, chủ yếu vào ban đêm. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến tử vong do xuất huyết cấp hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.
  • Ở những giai đoạn tiến triển hoặc cấp tính của bệnh, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng toàn thân như đổ mồ hôi trộm, sốt, nôn mửa, chán ăn, sụt cân nhanh, đi ngoài phân lỏng. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể biểu hiện ở các cơ quan khác như mắt, da, khớp và gan.  

6. Mối liên hệ giữa các triệu chứng lâm sàng và quá trình điều trị

Từ năm 1909, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu ghi nhận mối liên hệ giữa các triệu chứng lâm sàng và quá trình điều trị của bệnh viêm loét đại tràng chảy máu trên một nhóm gồm 300 bệnh nhân.

Điều đáng buồn là tỷ lệ tử vong do bệnh này khá cao, với hơn 50% bệnh nhân tử vong vì các biến chứng nghiêm trọng như thủng đại tràng, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, tắc mạch phổi, bệnh gan và suy dinh dưỡng. Một phát hiện đáng chú ý từ các nghiên cứu là bệnh lý này có xu hướng di truyền trong gia đình.  

Sau đó, các báo cáo y khoa trên toàn thế giới ghi nhận sự gia tăng số ca mắc viêm loét đại tràng chảy máu, đồng thời phát hiện nhiều biểu hiện ngoài đường tiêu hóa đi kèm như viêm gan, các vấn đề về da và khớp. Vào năm 1963 - 1964, Edwards và Truelove đã mô tả quá trình tiến triển của bệnh và xác định các yếu tố nguy cơ dẫn đến tử vong, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, phạm vi tổn thương và tuổi tác trên 60. 


Tỷ lệ tử vong do viêm loét đại trực tràng chảy máu khá cao, với hơn 50% bệnh nhân tử vong vì các biến chứng nghiêm trọng.
Tỷ lệ tử vong do viêm loét đại trực tràng chảy máu khá cao, với hơn 50% bệnh nhân tử vong vì các biến chứng nghiêm trọng.

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu. Các phương pháp điều trị hiện tại tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Viêm loét đại trực tràng chảy máu thường được điều trị bằng phác đồ kết hợp nhiều loại thuốc như corticoid, sulfasalazin, azathioprin và cyclosporin. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của từng bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng, gây biến chứng nặng nề hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt bỏ đại tràng sẽ là giải pháp cuối cùng.

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, giảm stress và đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.

Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, việc đến bệnh viện khám ngay là điều vô cùng quan trọng. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ đáng tin cậy để mọi người và gia đình chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn: NagreF, Gionchetti PR, Eliakim R., De Dombal F.T. (1968), Ulcerative colitis: definition, historical background, Lichtenstein G.R., btv. (2014), Medical Therapy of Ulcerative Colitis, Springer-Verlag, New York.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe