Bài viết được viết bởi TS.BS Trần Thị Phương Thúy - Bác sĩ Chuyên khoa Gan Mật - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viêm gan là một từ chung để chỉ tình trạng viêm của gan. Có nhiều thể và căn nguyên khác nhau gây viêm gan (ví dụ như do virus và một số loại thuốc), trong đó có viêm gan tự miễn. Trong bệnh viêm gan tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gan, gây ra tình trạng viêm gan.
1. Nguyên nhân nào gây bệnh viêm gan tự miễn?
Hiện chưa rõ vì sao một người lại mắc viêm gan tự miễn. Các nhà nghiên cứu cho rằng một số người mang các gen di truyền làm họ dễ mắc bệnh này. Một số thuốc hoặc nhiễm khuẩn là yếu tố kích hoạt làm cho bệnh phát triển.
Có 2 thể viêm gan tự miễn chính: loại 1 và loại 2
- Viêm gan tự miễn loại 1 có thể gây bệnh ở bất kỳ lứa tuổi nào.
- Viêm gan tự miễn loại 2 thường gặp ở trẻ gái và phụ nữ trẻ, và ít phổ biến hơn.
Ngoài ra có một vài dạng viêm gan tự miễn có cả đặc điểm của viêm gan tự miễn và các bệnh gan khác, ví dụ như xơ gan mật tiên phát và viêm đường mật tiên phát.
2. Bệnh viêm gan tự miễn có biểu hiện như thế nào?
Nhiều bệnh nhân mắc viêm gan tự miễn mà không có triệu chứng gì. Các rối loạn thường được phát hiện tình cờ do làm xét nghiệm vì một lý do khác, ví dụ như khám sức khỏe.
Nếu có triệu chứng, thì hay gặp nhất là mệt mỏi. Một số người có thể có biểu hiện vàng da và mắt, ngứa, phát ban, đau khớp, đầy bụng khó chịu, nôn, buồn nôn, mất ngon miệng, tiểu sẫm màu và phân bạc màu. Trong những trường hợp nặng, bệnh viêm gan tự miễn có thể tiến triển đến xơ gan.
3. Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh viêm gan tự miễn?
Chẩn đoán bệnh viêm gan tự miễn bằng các xét nghiệm máu và sinh thiết gan.
Có nhiều xét nghiệm máu được dùng để đánh giá tình trạng viêm gan và các rối loạn miễn dịch liên quan đến các bệnh lý viêm gan tự miễn. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định bạn cần được làm những xét nghiệm gì.
Khi sinh thiết gan, một mảnh rất nhỏ của nhu mô gan được lấy ra qua kim sinh thiết và được kiểm tra với kính hiển vi. Sinh thiết gan vừa giúp khẳng định chẩn đoán và xác định mức độ nặng của bệnh, vừa có thể giúp loại trừ các căn nguyên gây bệnh gan khác.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực Gan - Mật - Tuỵ, phương tiện máy móc hiện đại bậc nhất khu vực. Đó sẽ là những điều kiện tốt giúp cho việc thăm khám, làm các xét nghiệm sàng lọc hay sinh thiết chẩn đoán ung thư gan được nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
4.Bệnh viêm gan tự miễn có thể điều trị hay không? Và điều trị như thế nào?
Nếu không được điều trị, viêm gan tự miễn có thể gây sẹo hóa gan, dẫn đến xơ gan và suy gan. May mắn là, điều trị thích hợp có thể ngăn ngừa sẹo hóa và xơ gan ở phần lớn bệnh nhân. Việc điều trị có ích lợi ngay cả khi đã có sẹo hóa và xơ hóa gan, vì nó làm dừng quá trình tiến triển, và đôi khi đảo ngược quá trình sẹo hóa gan.
Không phải tất cả những trường hợp mắc viêm gan tự miễn đều cần được điều trị ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ quyết định điều trị tùy theo mức độ nặng của triệu chứng, mức độ nặng của bệnh (dựa trên kết quả xét nghiệm máu và sinh thiết gan), và nguy cơ gây tác dụng phụ của thuốc.
4.1 Điều trị bằng thuốc
Bệnh viêm gan tự miễn thường được điều trị bằng thuốc nhóm glucocorticoid (như là Prednisone).
- Các Glucocorticoid - Các Glucocorticoid như prednisone kiểm soát tình trạng viêm của gan, do vậy phòng ngừa được sự sẹo hóa gan (ngăn dẫn đến xơ gan). Nhược điểm chính của Prednisolon là nhiều tác dụng phụ, như là tăng cân, trứng cá, loãng xương, tăng đường máu (nguy cơ dẫn đến tiểu đường), tăng nguy cơ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ và cảm xúc. ...
Những người cần dùng thuốc Prednison lâu dài cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các biến chứng trên. Để giảm tối đa nguy cơ tác dụng phụ, Prednisone thường được dùng với liều thấp nhất có thể.
- Azathioprine hoặc 6MP – Thuốc có thể kết hợp với Prednisone để điều trị thường là Azathioprine hoặc 6MP, hoặc methotrexate, hoặc mycophenolate mofetil. Lợi ích của kết hợp các thuốc này là giảm được liều và tác dụng phụ của prednisone.
Azathioprine hoặc 6MP cũng có thể gây tác dụng phụ như là phản ứng dị ứng, giảm bạch cầu trong máu, viêm tụy, nôn, và bất thường chức năng gan ( có thể gây nhầm lẫn giữa tổn thương gan do bệnh viêm gan tự miễn hay do thuốc). Do vậy cần theo dõi xét nghiệm máu để phát hiện các rối loạn trên.
- Mycophenolate có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng hoặc ung thư, và không được dùng cho phụ nữ có thai. Cả nam và nữ nếu dùng thuốc này đều phải dùng ít nhất hai biện pháp tránh thai hiệu quả (ví dụ như: dùng bao cao su và uống thuốc viên).
- Budesonide - một thuốc khác để hỗ trợ cho Prednisone, vẫn đang được nghiên cứu và dùng nhiều hơn ở châu Âu. Budesonid chỉ nên dùng ở bệnh nhân không có xơ gan.
Thời gian điều trị:
Nói chung, điều trị cần kéo dài đến khi lui bệnh, hoặc điều trị thất bại, hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Lui bệnh được định nghĩa là khi không còn các triệu chứng, các chỉ số về gan trong máu trở về bình thường hoặc gần bình thường, và có cải thiện mô gan trên sinh thiết. Thường giai đoạn lui bệnh sẽ xuất hiện sau hơn 12 tháng điều trị. Phần lớn bệnh nhân đạt được lui bệnh sau 18 tháng đến 3 năm điều trị.
Gần 50% bệnh nhân sẽ có giai đoạn lui bệnh kéo dài hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi dừng thuốc. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân thường phải điều trị lại do bệnh tái phát. Tái phát thường xảy ra sau khi dừng thuốc trung bình 15 đến 20 tháng. Những bệnh nhân trước điều trị đã có xơ gan thì hay bị tái phát hơn.
4.2 Điều trị không dùng thuốc
Nếu chưa có chỉ định phải dùng thuốc thì bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm mỗi vài tháng. Sinh thiết gan thường được chỉ định lặp lại ít nhất 2 năm một lần.
5. Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người viêm gan tự miễn
- Uống thuốc đều và đi khám bác sĩ theo hẹn để đảm bảo được điều trị đúng, duy trì lá gan khỏe mạnh.
- Ăn kiêng? - KHÔNG có chế độ ăn kiêng nào cho thấy cải thiện được tình trạng của bệnh nhân viêm gan tự miễn. Nên có chế độ ăn thông thường, lành mạnh và cân bằng để tránh béo phì, vì béo phì làm tăng nguy cơ nhiễm mỡ gan, làm phức tạp bệnh lý viêm gan tự miễn sẵn có.
- Rượu bia? - Nên tránh rượu bia vì nó có thể gây ra gan nhiễm mỡ và tổn thương gan khác. Tất cả đồ uống có cồn đều gây hại cho gan, kể cả bia, rượu vang và rượu mùi. Tình trạng bệnh gan có thể xấu đi dù chỉ uống một lượng rượu nhỏ.
- Thể dục? – Thể dục tốt cho sức khỏe nói chung và nên được khuyến khích, tuy nhiên cũng không có bằng chứng rõ rệt cho thấy nó có lợi ích ở người bệnh viêm gan tự miễn.
- Các loại thuốc cần kê đơn và không cần kê đơn – Nhiều thuốc được giáng hóa ở gan, Do vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bắt đầu điều trị các thuốc mới. Trừ khi gan đã bị xơ, nói chung phần lớn các thuốc đều có thể dùng an toàn. Một số bệnh nhân đang có tình trạng bệnh gan hoạt động cần được chỉnh liều thuốc thấp đi.
Một ngoại lệ quan trọng là Acetaminophen (Decolgen, Panadol, Efferalgan, Tiffy, ...), thường được dùng để giảm đau, hạ sốt. Đối với người có bệnh gan, liều tối đa trong ngày không được vượt quá 2000 mg. Như vậy, chỉ nên dùng mỗi lần 500 mg, cách nhau 4 đến 6 giờ, và không nên quá 4 lần mỗi ngày.
- Thuốc thảo dược? – Có rất nhiều lời khẳng định mà không được kiểm chứng, đặc biệt là trên internet, rằng các thảo dược có thể cải thiện gan của bạn. Tuy nhiên, sự thật là không có thuốc hoặc kết hợp thuốc thảo dược nào đã được chứng minh là có thể cải thiện kết quả của người bệnh viêm gan tự miễn. Một số thảo dược có thể gây tổn Thương gan nặng hơn, và một số loại còn liên quan đến việc kích hoạt bệnh viêm gan tự miễn. Vì lý do này, chúng tôi không khuyến cáo bất kỳ thuốc thảo dược nào để điều trị viêm gan tự miễn.
- Hỗ trợ: Đừng đánh giá thấp vai trò những chia sẻ của bạn với những người mắc bệnh viêm gan tự miễn khác. Hỏi bác sĩ của bạn về những nhóm hỗ trợ hoặc những bệnh nhân khác muốn chia sẻ những kinh nghiệm của họ về bệnh viêm gan tự miễn.
6. Nếu đang điều trị viêm gan tự miễn mà có thai thì có nên dùng thuốc tiếp hay không?
Phụ nữ đang điều trị viêm gan tự miễn mà có thai thì vẫn nên tiếp tục điều trị với các thuốc an toàn cho thai kỳ như glucocorticoid và / hoặc azathioprine. Không nên dừng điều trị khi có thai vì có thể gây bệnh tái phát.
Ngoài ra, con của phụ nữ mắc bệnh viêm gan tự miễn có thể có nguy cơ cao hơn (so với phụ nữ khác) bị sinh sớm, sinh nhẹ cân, và một số vấn đề khác. Phụ nữ cần được theo dõi chặt chẽ khi có thai và nhiều tháng sau khi sinh vì có nguy cơ bệnh bùng phát.
>>Xem thêm: Xét nghiệm định danh 14 tự kháng thể trong bệnh gan tự miễn - Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quỳnh Trang - Bác sĩ Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bài viết tham khảo nguồn: Uptodate.com