Bệnh viêm gan B lây qua đường nào là vấn đề quan trọng mà bất cứ ai cũng cần tìm hiểu để có các biện pháp phòng tránh. Viêm gan B có thể diễn biến dưới dạng cấp tính hoặc mãn tính và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các con đường lây nhiễm và cách phòng bệnh hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Nguyễn Thị Nhật, bác sĩ Truyền nhiễm tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Viêm gan B có lây không?
Virus viêm gan B có khả năng tồn tại ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu virus tiếp xúc và xâm nhập vào cơ thể người không có sự bảo vệ từ vắc-xin thì virus vẫn có thể gây ra nhiễm trùng.
Thời gian ủ bệnh của virus này thường kéo dài khoảng 75 ngày, tuy nhiên có thể dao động từ 30 đến 180 ngày. Virus có thể được phát hiện từ 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm và có khả năng phát triển thành bệnh viêm gan B.
Virus viêm gan B rất dễ lây truyền từ người sang người, khả năng lây nhiễm cao hơn HIV đến 100 lần. Chính vì thế mọi người cần tìm hiểu rõ bệnh viêm gan B lây qua đường nào và phòng tránh như thế nào để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2. Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?
2.1. Đường từ mẹ sang con
Truyền nhiễm từ mẹ sang con là một trong những con đường lây truyền phổ biến nhất của virus viêm gan B, thường xảy ra trong quá trình sinh nở hoặc những tháng đầu tiên sau sinh. Việc lây nhiễm không xảy ra qua nhau thai. Mức độ lây truyền phụ thuộc vào nồng độ virus viêm gan B (HBV DNA) và tình trạng HBeAg của người mẹ trong ba tháng cuối thai kỳ. Nếu người mẹ có nồng độ HBV cao và HBeAg (+), nguy cơ lây cho con sẽ cao hơn.
Trong trường hợp người mẹ có HBeAg (+), có đến 95% khả năng truyền nhiễm sang trẻ sơ sinh nếu không điều trị dự phòng miễn dịch. Đối với trường hợp người mẹ có kết quả HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm là 32%. Tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng từ 0% lên đến 50% tùy thuộc vào HBV DNA của mẹ, từ dưới 10^5 copies/ml đến từ 10^9 đến 10^10 copies/ml.
Virus viêm gan B tồn tại trong sữa mẹ ở nồng độ rất thấp nên việc lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc với vết thương hở khi trẻ bú mẹ gây ra trầy xước.
2.2. Đường máu
Máu của người bị nhiễm HBV thường có hàm lượng virus cao, do đó, nếu da hoặc niêm mạc của chúng ta có vết xước mà tiếp xúc với máu này, nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn. HBV cũng có mặt trong các loại dịch khác như dịch âm đạo, tinh dịch, sữa, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân và dịch mật, tuy nhiên nồng độ virus thường rất thấp. Nhưng nếu da hoặc niêm mạc bị tổn thương tiếp xúc với những dịch này, vẫn có khả năng lây nhiễm HBV, mặc dù nguy cơ thấp hơn so với tiếp xúc với máu.
2.3. Đường tình dục
Nhiều người thắc mắc sau khi quan hệ tình dục thì Viêm gan B có lây không. Trên thực tế, việc quan hệ tình dục không an toàn, như sử dụng chung dụng cụ tình dục mà không được rửa sạch hoặc không sử dụng bao cao su với người nhiễm viêm gan siêu vi B, cũng có nguy cơ bị nhiễm HBV.
Virus này có mặt trong các dịch tiết của người bệnh và có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết xước nhỏ, sau đó di chuyển vào máu, dẫn đến nhiễm HBV. Lây nhiễm qua đường tình dục là một trong những con đường phổ biến ở những người đàn ông chưa được tiêm chủng, có quan hệ tình dục với đồng giới có nhiều bạn tình, hoặc tiếp xúc với gái mại dâm.
2.4. Tái sử dụng kim và ống tiêm
Việc lây truyền virus cũng có thể diễn ra khi tái sử dụng kim tiêm và ống tiêm khi thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khoẻ hoặc giữa những người sử dụng ma túy qua đường tiêm.
2.5. Nhiễm máu nhiễm bệnh
Nhiễm virus viêm gan B có thể xảy ra trong các hoạt động y tế, phẫu thuật và nha khoa, cũng như qua các hoạt động như xăm hình hoặc sử dụng dao cạo và các dụng cụ tương tự đã bị nhiễm bệnh qua máu.
3. Các biện pháp phòng ngừa viêm gan B
3.1. Tiêm vắc xin viêm gan B
Bất kể bệnh viêm gan B lây qua đường nào thì tiêm vắc xin viêm gan B vẫn là biện pháp phòng ngừa chủ yếu để bảo vệ cơ thể chống lại viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêm liều đầu tiên của vắc xin viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh, với các liều tiếp theo ở các tháng thứ 2, 3 và 4.
Vắc-xin này hiệu quả trong việc tạo ra kháng thể bảo vệ, với tỷ lệ thành công hơn 95% ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Vắc-xin này cung cấp hiệu quả bảo vệ cao, có thể kéo dài ít nhất 20 năm và thậm chí có thể là suốt đời, đặc biệt khi nồng độ kháng thể kháng virus sau tiêm chủng đạt trên 1000 IU/L.
Đối tượng cần tiêm chủng: Vắc-xin viêm gan B nên được tiêm cho tất cả những người chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan B (Anti-HBs), đặc biệt là những người sống tại các khu vực có tỷ lệ lưu hành HBV cao, bao gồm Việt Nam. Tiêm phòng càng sớm càng tốt là rất quan trọng, và các nhóm ưu tiên bao gồm:
- Những người thường xuyên cần truyền máu hoặc sử dụng các sản phẩm máu, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, và người nhận ghép tạng.
- Người sống trong các cơ sở giam giữ như nhà tù.
- Người sử dụng ma túy qua đường tiêm.
- Người sống chung hoặc có quan hệ tình dục với những người bị nhiễm HBV mạn tính.
- Những người có nhiều bạn tình.
- Nhân viên y tế và những người khác cần tiếp xúc với máu và các sản phẩm máu trong công việc.
- Du khách chưa hoàn thành liệu trình tiêm chủng viêm gan B, nên được tiêm vắc-xin trước khi đi đến các khu vực có tỷ lệ lưu hành HBV cao.
3.2. Các biện pháp phòng ngừa khác
Ngoài việc tiêm vắc xin viêm gan B, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp phòng ngừa khác để bảo vệ sức khỏe bản thân như:
- Tiêm HBIG cho trẻ sơ sinh trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Loại thuốc này sẽ cung cấp kháng thể này lập tức để ngăn ngừa virus lây truyền từ mẹ sang con.
- Thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như sử dụng bao cao su, không quan hệ với nhiều bạn tình và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
- Vệ sinh và tiệt trùng đồ cá nhân của mình thường xuyên, tránh dùng chung đồ với khác.
- Đảm bảo dụng cụ dùng trong phẫu thuật, khám nha khoa hay xăm hình đều được tiệt trùng theo tiêu chuẩn.
Tóm lại, viêm gan B là một căn bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng, có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan, đe dọa đến tính mạng. Đây là một vấn đề sức khỏe có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Chúng ta cần chủ động bảo vệ lá gan của mình bằng việc tìm hiểu rõ bệnh viêm gan B lây qua đường nào và nên tiêm vắc xin sớm, đặc biệt là trước khi mang thai để phòng tránh bệnh hiệu quả. Tìm một nơi uy tín như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để tiêm chủng là điều không quá khó khăn, nhưng việc điều trị viêm gan B nếu đã nhiễm virus sẽ rất phức tạp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.