Bệnh viêm đa khớp có nguy hiểm không?

Viêm đa khớp là một bệnh lý phổ biến trong số các bệnh về xương khớp. Bệnh gây tổn thương đến nhiều khớp với các triệu chứng đau, cứng, sưng và gây khó khăn khi vận động cho người bệnh. Ngoài xương khớp, bệnh còn làm tổn thương đến hệ thống cơ thể gồm da, mắt, tim, phổi và mạch máu. Do đó, viêm đa khớp có nguy hiểm không thì chắc chắn câu trả lời là có.

1. Viêm đa khớp là bệnh gì?

Viêm đa khớp là bệnh lý liên quan đến xương khớp với tình trạng viêm, đau ít nhất 4 khớp trở lên trên cơ thể. Bệnh này gây ảnh hướng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh do khi vận động các khớp thường xuất hiện các cơ đau dữ dội. Hiện nay, người Việt Nam đang có tỷ lệ mắc bệnh viêm đa khớp khá cao, gặp phổ biến ở nữ giới.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm đa khớp

Viêm đa khớp thường do rối loạn tự miễn của cơ thể gây ra. Tuy nhiên, tình trạng bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với một số yếu tố như sau:

  • Lối sống không lành mạnh, bao gồm các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, dùng các chất kích thích...;
  • Thường xuyên tiếp xúc với người hút thuốc lá (hút thuốc lá thụ động);
  • Người cao tuổi, thường gặp với tỷ lệ cao ở nữ giới;
  • Yếu tố di truyền;
  • Thừa cân hoặc béo phì.

3. Triệu chứng của bệnh viêm đa khớp

Đa số người bệnh khi mắc viêm đa khớp đều có các triệu chứng thường gặp như:

  • Đau nhức nhiều khớp (từ 4 khớp trở lên);
  • Các khớp bị viêm thương có dấu hiệu sưng, nóng;
  • Khó khăn trong vận động các khớp.

Các triệu chứng trên có thể xảy ra một cách đột ngột như trong giai đoạn cấp hoặc phát triển âm ỉ trong thời gian dài.

Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh có các triệu chứng khác như chán ăn, phát ban, đổ mồ hôi, sưng hạch bạch huyết, sốt, mệt mỏi, sụt cân ngoài ý muốn.

4. Bệnh viêm đa khớp có nguy hiểm không?

Viêm đa khớp là bệnh lý không chỉ làm người bệnh khó chịu do đau nhức mà trong trường hợp không can thiệp điều trị sớm thì có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Gây biến dạng khớp bị tổn thương làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày và công việc của người bệnh. Một số trường hợp người bệnh bị ảnh hưởng như thay đổi dáng đi, dáng đứng, dáng ngồi... tạo thành thói quen không tốt và bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Do triệu chứng đau kéo dài nên người bệnh thường gặp trở ngại khi vận động dẫn đến tình trạng teo cơ.
  • Tràn dịch khớp xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, cần can thiệp điều trị sớm nhất có thể.
  • Viêm khớp kéo dài có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ở một số bộ phận cơ thể khác hoặc nặng nề hơn là nhiễm trùng máu.
  • Hội chứng ống cổ tay.
  • Tổn thương khớp vĩnh viễn.
  • Tổn thương khớp ở phần đầu cột sống.

Ngoài ra, viêm đa khớp có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể như:

  • Phổi: Làm tăng nguy cơ tổn thương các phế nang gây khó thở và chứng ho mãn tính.
  • Mắt: Nguy cơ khô mắt hoặc viêm kết mạc.
  • Da: Phản ứng rối loạn da như phát ban hoặc phát triển mô dưới da bất thường.
  • Tim: Lớp niêm mạc xung quanh tim bị viêm gây đau ngực. Đôi khi có thể xảy ra các cơn đau tim hoặc thậm chí nặng nề hơn là đột quỵ.

Như vậy, nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra người bệnh nên sớm tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị khi có bất kỳ các dấu hiệu nào dưới đây:

  • Người bệnh thường bị cứng và đau, sưng nhiều khớp kéo dài ít nhất 30 phút.
  • Các triệu chứng như đau, cứng khớp gây cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Có các biểu hiện của phản ứng viêm ở nhiều khớp như đau, sưng, nóng, đỏ.
  • Các triệu chứng kể trên kéo dài liên tục trên 3 ngày không giảm.
  • Tình trạng trên có thể tái phát liên tục trong thời gian ngắn mặc dù đã dùng các loại thuốc giảm đau nhưng không có dấu hiệu cải thiện.

5. Điều trị bệnh viêm đa khớp

5.1. Điều trị viêm đa khớp bằng thuốc

Bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc giảm đau và giảm viêm khớp cho người bệnh để giúp cải thiện tình trạng khó chịu do các triệu chứng trên gây ra như:

  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID);
  • Thuốc chống thấp khớp (DMARD);
  • Thuốc sinh học giúp cân bằng hệ thống miễn dịch trong cơ thể để cải thiện tình trạng viêm.
  • Corticosteroid giúp làm giảm đau và giảm viêm nhanh chóng, hiệu quả. Chỉ nên dùng thuốc này trong thời gian ngắn vì thường gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Lưu ý: Người bệnh không nên tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà khi thấy các triệu chứng viêm đa khớp. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh và có thể làm bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Khi dùng thuốc theo đơn của bác sĩ cần tuân thủ đúng liều lượng, liệu trình điều trị để đạt hiệu quả cao.

5.2. Vật lý trị liệu

Khi mới phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, các triệu chứng chưa ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động thì người bệnh có thể dùng các phương pháp vật lý trị liệu như các bài tập nhẹ nhàng, chườm nóng, chườm lạnh, dùng đèn chiếu... để giúp khớp có thể linh hoạt hơn.

5.3. Điều trị viêm đa khớp bằng phẫu thuật

Trong trường hợp tình trạng bệnh viêm đa khớp tiến triển nặng, cần can thiệp phẫu thuật, bác sĩ sẽ ra chỉ định điều trị sớm. Phẫu thuật khớp thường có nguy cơ xảy ra những tai biến nghiêm trọng nên cần được cân nhắc xem xét, chỉ nên thực hiện phẫu thuật sau khi đã áp dụng các phương pháp khác nhưng không đem lại hiệu quả cho người bệnh.

6. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm đa khớp

Viêm đa khớp cần được phòng tránh sớm vì khi đã mắc bệnh dù có được can thiệp điều trị đúng thì tỷ lệ tái phát bệnh cũng khá cao. Dưới đây là một số biện pháp nhằm phòng ngừa bệnh viêm đa khớp:

  • Tập thể dục thường xuyên: Người bệnh nên lựa chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng, có thể tập theo các bài tập vật lý trị liệu dành cho bệnh lý cơ xương khớp kết hợp với bài tập vận động toàn thân. Một số môn thể thao mức độ nhẹ và vừa phù hợp với người bệnh viêm đa khớp như đi bộ, bơi lộ, yoga... Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ luyện tập phù hợp vì nếu vận động quá mạnh trong giai đoạn viêm thì có thể làm tổn thương khớp trầm trọng hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cá, hải sản. Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cung cấp các vitamin cần thiết cho cơ thể nhằm tăng cường sức đề kháng. Hạn chế dùng các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men, chứa chất bảo quản. Một số thực phẩm cần dùng đều đặn ít nhất 2 - 3 lần mỗi tuần như đậu bắp, lô hội... giúp các khớp hoạt động tốt hơn. Có thể dùng thêm các sản phẩm chức năng để bổ sung omega - 3, canxi tổng hợp với liều cần thiết theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe.
  • Lên lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 3 - 6 tháng để biết tình trạng của bản thân cũng như phát hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào đang tiềm ẩn trong cơ thể. Để dự phòng và tầm soát sớm bệnh viêm đa khớp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán liên quan như nguy cơ loãng xương, mật độ xương... Nhờ đó, người bệnh dễ dàng theo dõi tình trạng của cơ thể tốt hơn.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc về bệnh viêm đa khớp có nguy hiểm không? Người bệnh cần trang bị những kiến thức cơ bản để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh viêm đa khớp, từ đó điều trị kịp thời nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe