Bệnh van tim có mấy loại?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội Tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trái tim là trung tâm phân phối máu để duy trì sự sống, hoạt động thông qua các van tim. Theo nghiên cứu thì cứ mỗi giờ trôi qua sẽ có hơn 300 lít máu được tim bơm đi nuôi cơ thể. Do đó, nếu như có bất cứ một vấn đề nhỏ nào với van tim cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

1. Van tim là gì?

Với một cấu trúc tim bình thường sẽ có bốn ngăn tim bao gồm hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các ngăn tim sẽ có các hệ thống dẫn máu sao cho đảm bảo được máu chỉ đi theo một chiều cố định người ta gọi đó là các van tim.

Theo đó, giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái được ngăn với nhau bởi van hai lá cho máu đi một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái, dòng máu từ tâm thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể.

Giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải ngăn cách với nhau bởi van ba lá cho máu đi một chiều từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải, dòng máu từ tâm thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy.

Qua đó, chúng ta có thể dễ dàng hình dung được một quả tim bình thường sẽ có 4 van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá.

2. Bệnh van tim xảy ra khi nào?

Bệnh van tim xảy ra là khi có một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Nguyên nhân là do van tim bị hở hoặc bị hẹp hơn so với bình thường.

Với van tim bị hẹp thì khả năng mở của van sẽ bị hạn chế làm cản trở sự lưu thông của máu từ các ngăn tim ra bên ngoài. Điều này làm tim phải bơm mạnh hơn để cung cấp đủ lượng máu đi nuôi cơ thể.

Hở van tim là khi van không thể đóng kín, làm cho một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim đã bơm máu trước đó. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược và xử lý khối lượng máu tồn dư cho lần co bơm tiếp theo.

Một số trường hợp có thể gặp phối hợp cả hẹp van tim, hở van tim và bệnh của nhiều van tim trong cùng một bệnh nhân.


Bệnh van tim vô cùng nguy hiểm
Bệnh van tim vô cùng nguy hiểm

3. Bệnh van tim gồm những loại nào?

3.1. Bệnh van động mạch chủ

Như đã nói ở trên, van động mạch chủ có chức năng kiểm soát dòng máu mang oxy từ tâm thất trái đi vào động mạch chủ mang máu đi nuôi toàn cơ thể.

Do đó, đây là một van tim đặc biệt quan trọng đối với hệ tuần hoàn máu nói riêng và cơ thể con người nói chung. Nếu hẹp van động mạch chủ xảy ra, dòng máu qua van động mạch chủ khó khăn, quả tim phải bóp mạnh hơn để đảm bảo đưa máu đi nuôi cơ thể.

Ngược lại, nếu van đóng không kín, tức khi hở van động mạch chủ, một phần lượng máu được bơm vào động mạch chủ sẽ trào ngược trở lại tâm thất trái trong thì tâm trương làm giảm dòng máu đi nuôi cơ thể.

Trong cả hai trường hợp, tâm thất trái đều phải làm việc nhiều hơn bình thường, hậu quả là thành tâm thất bị dày lên (phì đại) và buồng tâm thất trở nên to hơn (giãn).

3.2. Bệnh van ba lá

Thông thường, máu từ tâm nhĩ phải đi qua van ba lá xuống tâm thất phải rồi sau đó được bơm vào động mạch phổi lên phổi trao đổi oxy. Nếu van ba lá bị hẹp sẽ gây cản trở dòng máu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.

Nếu van ba lá đóng không kín (tức hở), một phần máu từ tâm thất phải sẽ trào ngược lại tâm nhĩ phải. Trong cả hai trường hợp, tim đều phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ lượng máu.

Hẹp van ba lá sẽ gây giãn tâm nhĩ phải trong khi tâm thất phải vẫn bình thường hoặc nhỏ hơn do không nhận đủ máu. Hở van ba lá sẽ gây giãn cả tâm thất phải và tâm nhĩ phải.

3.3. Bệnh van hai lá

Van hai lá có chức năng kiểm soát dòng máu mang oxy chảy một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Nếu lỗ van bị hẹp, lượng máu từ tâm nhĩ trái chảy xuống tâm thất trái sẽ bị hạn chế.

Mặt khác, khi van hai lá bị hở thì một lượng máu xuống tâm thất trái sẽ bị trào ngược trở lại tâm nhĩ trái. Do đó, tim luôn phải làm việc nhiều hơn trong cả hai trường hợp để đảm bảo đủ lượng máu đi nuôi bộ não, thận và các bộ phận khác của cơ thể dẫn đến hậu quả suy tim.

3.4. Bệnh van động mạch phổi

Van động mạch phổi cho phép máu đi từ tâm thất phải lên động mạch phổi để trao đổi oxy. Khi hở van động mạch phổi làm cho một lượng máu đáng lẽ đi vào động mạch phổi lại trào ngược lại tâm thất phải, ngược lại khi van động mạch phổi bị hẹp, gây cản trở tâm thất phải tống máu lên động mạch phổi.

Trong cả hai trường hợp, tâm thất phải đều phải làm việc nhiều hơn nhằm đảm bảo bơm đủ lượng máu. Thất phải sẽ bù đắp tình trạng này bằng cách giãn và phì đại thành cơ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe